Ăm ắp mùa biển cuối năm

Những ngày cuối năm 2016, tại 4 trung tâm nghề cá lớn của tỉnh Bình Thuận là: TP Phan Thiết, thị xã La Gi, Phan Rí Cửa (huyện Tuy Phong) và huyện đảo Phú Quý luôn tấp nập kẻ bán, người mua. Tàu thuyền đua nhau cập bến, khoang nào khoang nấy đều đầy ăm ắp tôm, cá. Trên bờ, thương lái với các loại phương tiện kéo về kín các cảng cá sẵn sàng đón những mẻ hải sản tươi rói đang từ biển trở về…

Được mùa, được giá

6 giờ sáng, tại cảng cá Phan Thiết, mọi người ùa ra cửa cảng khi phía cửa sông Cà Ty có một tàu đang về bến. Vừa cập cảng, chủ tàu Huỳnh Ngọc Dũng (TP Phan Thiết) cùng 8 bạn thuyền nhanh chóng nhảy lên bờ chào hỏi các thương lái. Ngay sau đó, gần 17 tấn cá các loại như: cơm, nục, ngân, cờ lá… thu được sau chuyến đánh bắt xa bờ kéo dài gần 5 ngày của chiếc tàu nhanh chóng được một thương lái thu mua toàn bộ. Vui mừng sau chuyến đi biển thành công, anh Dũng chia sẻ: “Chuyến này tôi thu được khoảng 130 triệu đồng. Sau khi trừ chi phí cho 2.000 lít dầu, 350 cây đá và nhu yếu phẩm hết khoảng hơn 60 triệu đồng, mỗi người chúng tôi sẽ có khoảng gần chục triệu đồng”.

Tại thị xã La Gi, năm nay tiếp tục là năm bội thu của ngư dân. Ngư trường La Gi có nhiều loại hải sản mật độ dày như: cá nục, cá bạc má, cá mòi, cá ngừ, cá thu và nhiều loại tôm, mực, sò điệp, dòm, ốc hương… có giá trị khai thác và xuất khẩu cao. Chuyến biển vừa qua, chiếc tàu công suất 750 CV trị giá gần 10 tỷ đồng được đóng mới từ nguồn vốn vay theo Nghị định 67 của ông Trần Văn Quáng (ngụ thị xã La Gi) cập bến tại cửa biển sông Dinh, đã đem về hơn 5 tấn hải sản các loại.

Những ngày này ở ngư trường Phú Quý, người dân không chỉ vui mừng vì việc đánh bắt hải sản gặp nhiều thuận lợi, mà họ còn phấn khởi hơn khi hòn đảo này vừa được Chính phủ công nhận là huyện nông thôn mới đầu tiên của tỉnh Bình Thuận. Từ đầu năm đến nay, cùng với nhiều ngư dân khác, chiếc tàu cá công suất 750 CV của ông Châu Minh Cương (ngụ thôn Triều Dương, xã Tam Thanh) được vay vốn theo Nghị định 67 dường như chưa khi nào được nghỉ ngơi. Trở về sau chuyến đi biển dài ngày đúng cận Tết Dương lịch, chiếc tàu của ông Cương thu về gần chục tấn hải sản các loại, lãi hơn trăm triệu đồng.

Tiếp sức ngư dân vươn khơi

Với ngư trường rộng lớn khoảng 52.000km², Bình Thuận được đánh giá là một trong 3 ngư trường khai thác hải sản lớn nhất nước. Theo Sở NN-PTNT tỉnh Bình Thuận, đến nay, địa phương đã có 4 trung tâm nghề cá với tổng số tàu thuyền là gần 8.000 chiếc, tổng công suất gần 738.000 CV. Trong đó, tàu thuyền công suất lớn đánh bắt xa bờ, làm dịch vụ hậu cần, thu mua, sơ chế sản phẩm trên biển chiếm gần 2.000 chiếc. Bình Thuận là tỉnh đi đầu cả nước trong phát triển đội tàu dịch vụ hậu cần, thu mua hải sản trên biển với hơn 100 tàu công suất lớn, chuyên thu mua hải sản tại vùng biển Trường Sa, nhà giàn DK1…

Bình Thuận cũng là địa phương đang dẫn đầu cả nước về việc triển khai chính sách phát triển thủy sản của Chính phủ theo Nghị định 67, với 58 chiếc tàu cá đóng mới và 3 chiếc nâng cấp đã thực hiện xong đi vào sản xuất. Đến nay, toàn tỉnh đã thành lập trên 620 tổ đoàn kết đánh bắt trên biển với sự tham gia của hơn 4.000 tàu công suất lớn. Từ đầu năm 2016 đến nay, sản lượng khai thác hải sản toàn tỉnh ước đạt trên 200.000 tấn (tăng 2,4% so với cùng kỳ).

Ông Mai Kiều, Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Bình Thuận khẳng định, trong thời gian tới, địa phương sẽ tiếp tục duy trì phát triển kinh tế biển, nhất là tập trung nâng cao năng lực các đội tàu khai thác, dịch vụ hậu cần trên biển. Triển khai tốt chính sách phát triển thủy sản của Chính phủ theo Nghị định 67, sớm đưa các dự án này vào hoạt động, nhằm nâng cao năng lực đánh bắt xa bờ.

Sài Gòn Giải Phóng

Chia sẻ:


Bình luận bài viết

Tin cùng chuyên mục