10 năm Chiến lược biển: Khai thác thế mạnh về thủy sản

Tỉnh Thừa Thiên-Huế xác định tiếp tục phát triển kinh tế biển và đầm phá, tập trung trung khai thác thế mạnh về nuôi trồng và đánh bắt thủy sản, gắn với đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp.

Tỉnh Thừa Thiên-Huế có vùng bờ biển dài 126km và hệ thống đầm phá Tam Giang-Cầu Hai rộng 22.000ha mặt nước.

Trong vùng có năm cửa biển; trong đó có hai cảng biển bao gồm cảng nước sâu Chân Mây và cảng Thuận An. Đây là vùng có vị trí chiến lược trong phát triển kinh tế-xã hội và giữ vững quốc phòng-an ninh, bảo vệ môi trường sinh thái; có tiềm năng thế mạnh trong xây dựng kinh tế biển và đầm phá.

Về phương hướng phát triển kinh tế biển và đầm phá, tỉnh Thừa Thiên-Huế xác định tiếp tục phát triển kinh tế biển và đầm phá, trọng tâm là phát triển vùng đầm phá Tam Giang-Cầu Hai, Thừa Thiên-Huế đầu tư tạo sự chuyển dịch cơ cấu theo hướng du lịch-thủy sản-tiểu thủ công nghiệp-nông nghiệp sinh thái; tập trung trung khai thác thế mạnh về nuôi trồng và đánh bắt thủy sản, gắn với đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp.

Vùng đầm phá Tam Giang-Cầu Hai hiện đã được khai thác với diện tích khoảng trên 7.000ha; trong đó, phát triển nuôi trồng thủy sản nước mặn lợ ven phá và trên phá (nuôi xen ghép) khoảng trên 4.700ha, các loại thủy sản nuôi chủ yếu là tôm sú xen ghép với các loại cua, cá dìa, cá kình, cá đối, cá rô phi... và nuôi cá lồng (cá mú, cá vẩu).

Bước đầu, tỉnh hình thành các tour du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng và dịch vụ phục vụ du lịch trên vùng đầm phá Tam Giang-Cầu Hai. Tỉnh thành lập 23 Khu bảo vệ thủy sản ở đầm phá, với tổng diện tích bảo vệ nghiêm ngặt 614,2ha; cấp 45 quyền khai thác thủy sản với diện tích 15.500ha mặt nước đầm phá...

Sau sự cố môi trường biển, ngoài việc chi trả tiền bồi thường cho người dân đạt gần 100%, với 39.870 đối tượng được bồi thường với tổng cộng số tiền đã chi trả 894,370 tỷ đồng theo Quyết định 1880/QĐ-TTg và Quyết định số 309/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.

Huyện Phú Vang có 7.396 đối tượng được nhận tiền bồi thường sự cố môi trường biển, lớn nhất tỉnh; tiếp đến là huyện Phú Lộc có 6.765 đối tượng. Các huyện Phong Điền, Quảng Điền, Hương Trà mỗi đơn vị có từ 1.800 đối tượng đến hơn 2.250 đối tượng được nhận tiền đền bù sự cố môi trường biển...

Thời gian qua, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Thừa Thiên-Huế đã phối hợp với các địa phương tổ chức phổ biến, thực hiện khôi phục sản xuất và đảm bảo an sinh xã hội đến các địa phương trong vùng; trong đó, tỉnh tổ chức cho người dân thuộc đối tượng bị thiệt hại do sự cố môi trường biển tham gia đăng ký thực hiện các chính sách, tổ chức tham quan các mô hình chuyển đổi nghề nghiệp, mô hình đóng tàu vỏ sắt và composite để phát triển nghề biển và nuôi trồng thủy sản trong vùng đầm phá nhằm ổn định sinh kế bền vững.

Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện Phú Vang Hồ Viết Nhuận cho biết các hoạt động nuôi trồng và đánh bắt thủy sản và du lịch biển trên địa bàn huyện Phú Vang đang dần ổn định và phát triển. Ngay sau khi người dân nhận được nguồn kinh phí bồi thường qua các đợt chi trả, Ủy ban Nhân dân huyện đã chỉ đạo các xã, thị trấn tổ chức hướng dẫn người dân trong việc sử dụng tiền bồi thường đúng mục đích để tái sản xuất và ổn định sinh kế bền vững.

Ngư dân Trần Hữu Lực, thôn Diên Trường, thị trấn Thuận An (huyện Phú Vang), cho biết ngoài nghề đánh bắt hải sản trên biển, thị trấn Thuận An cũng là vùng nuôi thủy sản khá lớn trên đầm phá. Kể từ khi xảy ra sự cố môi trường biển, người dân sống bằng nghề đánh bắt và nuôi thủy sản trong vùng đầm phá gặp nhiều khó khăn, sau khi nhận kinh phí bồi thường, các hộ dân đã tái sản xuất, mua giống tôm, cá để phát triển nuôi thủy sản và ổn định đời sống.

(Theo Vietnambiz)

Chia sẻ:


Bình luận bài viết

Tin cùng chuyên mục