Hơn 2 tháng qua, dịch Covid - 19 bùng phát và diễn biến phức tạp trên địa bàn tỉnh, 2 địa phương nghề cá lớn là thị xã La Gi và thành phố Phan Thiết đã giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16. Một số địa phương vùng biển khác có ca nhiễm cũng tạm dừng hoạt động khai thác của tàu cá, dẫn đến việc khai thác, vận chuyển, tiêu thụ hải sản trong tỉnh bị ảnh hưởng đáng kể. Trước tình hình đó, ngành chức năng đã có những giải pháp cụ thể để “gỡ khó”, giải phóng nguồn hàng thủy sản tồn đọng.
|
Sản lượng khai thác vụ cá nam dồi dào nhưng khâu tiêu thụ gặp nhiều khó khăn (ảnh tư liệu). Ảnh: Ngọc Lân |
Chuỗi cung ứng đứt gãy
Chỉ còn 1 tháng nữa là hết vụ cá nam, đây là thời điểm hầu hết tàu thuyền ở La Gi, Phan Thiết vươn khơi khai thác trở lại sau thời gian tàu thuyền 2 địa phương nằm bờ. Tuy nguồn hải sản vụ cá nam dồi dào, nhưng các thị trường chính tiêu thụ hải sản, các chợ đầu mối lớn ở TP. Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai dừng hoạt động hoặc giảm khối lượng tiêu thụ. Ngoài ra, khâu thu mua hải sản phục vụ sản xuất chế biến của các doanh nghiệp cũng giảm do không đáp ứng được yêu cầu phòng chống dịch theo phương án “3 tại chỗ”.
Theo Sở NN&PTNT, hiện có khoảng 39% cơ sở sản xuất, chế biến thủy sản tạm ngưng hoạt động, chỉ có 16% cơ sở thực hiện thu mua, bảo quản nguyên liệu và 40% cơ sở còn lại hoạt động cầm chừng với năng suất từ 30 - 50% so với bình thường. Đặc biệt, khoảng 85% tàu cá hoạt động nghề hậu cần huyện Phú Quý gặp khó khăn trong việc cập Cảng Phan Thiết để bốc dỡ sản phẩm. Và hầu hết hải sản khai thác đều được cấp đông, chỉ một số ít được bán ở các chợ truyền thống trong tỉnh. Vì vậy, các kho chứa hàng đông lạnh của các doanh nghiệp Phú Quý (kho tại Phan Thiết lẫn Phú Quý) đều tồn kho trên 3.500 tấn. Thêm vào đó, việc lưu trữ sản phẩm khó khăn do chi phí cấp đông và thuê kho lưu trữ cao với 6.000 đồng/kg nguyên liệu. Nhiều doanh nghiệp ở Phú Quý cho biết, hàng tồn kho nhưng không tiêu thụ được hơn 1 tháng nay, các doanh nghiệp phải trả phí lưu kho cũng như tiền điện bảo quản kho lạnh hàng tháng với chi phí rất lớn.
Gỡ khó
Ông Nguyễn Văn Chiến – Phó Giám đốc Sở NN&PTNT cho biết, để chuỗi cung ứng - tiêu thụ không bị đứt gãy, Sở NN&PTNT cùng các đơn vị quản lý chuyên ngành thủy sản, các sở ngành, địa phương và các Hiệp hội ngành thủy sản đã vạch ra một số giải pháp để “gỡ khó” cho ngư dân và doanh nghiệp. Trong đó, nhấn mạnh việc giải quyết đồng bộ giữa đầu vào và đầu ra theo chuỗi qua 3 kênh tiêu thụ. Ngành chức năng sẽ ưu tiên đến kênh phân phối tiêu thụ trực tiếp trong tỉnh, ngoài tỉnh qua chợ, siêu thị. Tiếp theo, là cung ứng đầu vào cho sản xuất, chế biến trực tiếp trong tỉnh hoặc dự trữ nguyên liệu. Cuối cùng, là chuyển tải hàng đông lạnh hải sản khai thác để lưu trữ kho đông trong tỉnh, chủ yếu xuất phát từ huyện Phú Quý.
Cuối tháng 8 vừa qua, sau cuộc họp bàn giải pháp tiêu thụ hải sản, Chi cục Thủy sản đã phối hợp các Ban Quản lý cảng cá Phan Thiết, La Gi, Phan Rí Cửa và các địa phương theo dõi tình hình hoạt động khai thác hải sản vụ cá nam đến cuối tháng 10/2021… Đồng thời, dự báo sản lượng hải sản khai thác trong tỉnh và sản lượng hải sản tập kết qua các cảng cá để chủ động trong khâu tiêu thụ. Đối với các huyện trọng điểm nghề cá Tuy Phong, La Gi, Phú Quý, đề nghị UBND các huyện, thị xã xem xét việc thành lập Tổ công tác chuyên đề tiêu thụ hải sản khai thác, nhằm hỗ trợ, tạo điều kiện cho các cơ sở, doanh nghiệp thu mua, chế biến từ khi tàu cá cập bến bốc dỡ sản phẩm đến vận chuyển, lưu thông, tiêu thụ hải sản khai thác.
Hiện nay, việc lưu trữ hàng hải sản đang là nhu cầu lớn của nhiều doanh nghiệp, nhất là cao điểm vụ cá nam. Vì vậy, Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm thủy sản cần phối hợp ngành công thương nắm thông tin về năng lực kho lạnh cả trong và ngoài tỉnh. Trường hợp doanh nghiệp tìm được kho để lưu hàng, thì cần nắm thông tin địa điểm cụ thể, phương thức vận chuyển, để có hướng phối hợp, hỗ trợ kịp thời. Đặc biệt, ngành công thương cần đẩy mạnh kết nối cung cầu, xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường tiêu thụ thủy sản chế biến của doanh nghiệp thủy sản khô, đông lạnh, sản phẩm ăn nhanh, nước mắm… trong nước và xuất khẩu trong điều kiện dịch Covid-19. Có như vậy, chuỗi cung ứng thủy sản trong tỉnh sẽ hoạt động thông suốt trở lại.
(Theo báo Bình Thuận)