Trong tổng số 75.000 doanh nghiệp lớn, nhỏ tại ĐBSCL, hiện chỉ có 250 doanh nghiệp còn hoạt động cầm chừng từ 20 - 40% công suất.
Doanh nghiệp (DN) miền Tây rất cần sự hỗ trợ, tiếp sức, cầm cự và tái sản xuất, sống chung với dịch.
Kiệt sức vì dịch Covid-19
Theo báo cáo mới nhất của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam - chi nhánh Cần Thơ (VCCI Cần Thơ), trong 3 tháng qua, tỷ lệ DN phá sản tại ĐBSCL tăng đột biến. Cụ thể, trong 3 tháng ảnh hưởng của Covid-19 (tháng 6, 7 và 8.2021), đã có 1.812 DN tạm ngừng kinh doanh chờ làm thủ tục giải thể. Ông Nguyễn Phương Lam, Giám đốc VCCI Cần Thơ, cho biết: “Trong tổng số 75.000 DN lớn, nhỏ trong toàn vùng ĐBSCL, hiện chỉ có chưa đến 250 DN còn đang hoạt động cầm chừng từ 20 - 40% công suất. Nếu so sánh về tỷ lệ DN tạm ngừng hoạt động chờ thủ tục giải thể thì vùng ĐBSCL hiện cao gấp 2 lần so với bình quân cả nước”.
Cũng theo ông Lam, từ khi dịch bệnh bùng phát, VCCI Cần Thơ đã thành lập tổ công tác ứng phó dịch Covid-19 nhằm theo dõi những tác động, ảnh hưởng đến kinh tế và DN ĐBSCL, từ đó thu thập dữ liệu, xây dựng các báo cáo động thái DN để kịp thời nắm bắt khó khăn và kiến nghị đến các địa phương. Hiện tại, dù các ca mắc Covid-19 vẫn nhiều, song tình hình dịch ở ĐBSCL đang dần được kiểm soát, các địa phương đều đang tính toán phương án giúp DN dần khôi phục sản xuất trong tình hình mới.
Tuy nhiên, khó khăn trước hết của DN miền Tây trong tái sản xuất là tỷ lệ tiêm vaccine Covid-19 cho người lao động còn rất thấp. Tại ĐBSCL, tỉnh có tỷ lệ tiêm cao nhất là Long An hiện mới đạt hơn 809.000 liều, tỷ lệ tiêm 2 mũi đạt 4,3%; TP.Cần Thơ là trung tâm vùng cũng mới đạt tỷ lệ tiêm mũi 1 hơn 20%, tỷ lệ mũi 2 được 3,3%.
Vaccine và vốn vay
Ông Võ Đông Đức, Tổng giám đốc Công ty Caseamex (TP.Cần Thơ), cho biết các DN thủy sản ở Cần Thơ nói riêng và ĐBSCL nói chung gần như bế tắc, bởi ngành sản xuất này có đặc thù riêng. Chẳng hạn như chế biến cá tra xuất khẩu phải chế biến cá tươi sống vận chuyển từ ao đến nhà máy. Nhà máy vận hành là chuỗi liên hoàn, khép kín, công nhân trong nhà máy phải có đủ các khâu. Tuy nhiên hiện nay, người bắt cá từ ao nuôi không có, công nhân trong nhà máy cũng không đủ. Chưa kể cá trong ao phải cho ăn, không cho ăn thì cá chết, nhưng cho ăn thì cá quá cỡ. DN đã thử sản xuất 3 tại chỗ nhưng không hiệu quả vì không đủ quy mô, còn người lao động mong muốn được đi về từ nhà tới công ty. “Các DN thủy sản rất cần được tạo điều kiện hoạt động theo quy trình khép kín từ bắt cá vận chuyển đến DN, chế biến để DN có thể duy trì được sản xuất”, ông Đức nói.
Ở lĩnh vực lúa gạo, ông Phạm Thái Bình, Tổng giám đốc Công ty CP nông nghiệp công nghệ cao Trung An (Q.Thốt Nốt, Cần Thơ), lo lắng miền Tây chuẩn bị bước vào thu hoạch vụ thu đông, nhưng hiện nay, ảnh hưởng của dịch Covid-19 đã khiến các DN tồn kho 85%. DN rất cần được hỗ trợ tăng khoản vay mua lúa hỗ trợ cho bà con nông dân, các địa phương và Ngân hàng Nhà nước, các ngân hàng thương mại cần có chính sách sớm hỗ trợ kịp thời.
3 đề xuất vượt khó khăn
Ông Nguyễn Phương Lam, Giám đốc VCCI Cần Thơ, DN ĐBSCL đưa ra 3 đề xuất để vượt qua khó khăn hiện nay.
Thứ nhất, Ngân hàng Nhà nước cần có chính sách hỗ trợ về lãi vay, giảm và giãn nợ cụ thể cho DN trong giai đoạn từ nay đến hết năm 2021.
Thứ hai, chính sách miễn giảm thuế, bảo hiểm xã hội cũng cần được thực hiện, bởi DN không có nguồn thu và khó khăn trong chi trả chi phí duy trì sản xuất.
Thứ ba, chính sách giải cứu nguyên liệu nông thủy sản vốn là nguồn lực chính của DN ĐBSCL. Rất cần Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo hướng dẫn đối với ngân hàng thương mại để thúc đẩy giải cứu hàng nông sản, thông qua chính sách không lãi suất, tăng hạn mức vay đối với các DN thu mua nông sản của nông dân để tạo điều kiện thu mua kịp thời, cần chính quyền các tỉnh tiếp tục có ý kiến để tạo điều kiện thuận lợi cho DN và vì người nông dân đặc thù ở ĐBSCL.
(Theo báo Thanh Niên)