Bà Nguyễn Thị Thu Sắc chấp nhận đi con đường khó là làm chế biến, đa dạng hóa sản phẩm từ sự phong phú của thủy hải sản Việt Nam.
“ĐI DỌC VÙNG BIỂN VIỆT NAM ĐÂU ĐÂU TÔI CŨNG THẤY CÓ THỨ ĐỂ LÀM RA TIỀN, CHỈ TIẾC SỨC MÌNH CÓ HẠN,” bà Nguyễn Thị Thu Sắc, người sáng lập công ty TNHH Hải Nam nói với Forbes Việt Nam trong một buổi chiều cận tết Nguyên đán 2020.
Bà chủ động hỏi: “Cô biết gì về Hải Nam?” Không đợi câu trả lời, bà tự giới thiệu: “Hải Nam là công ty gia đình, chúng tôi tập trung vào những mặt hàng từ biển: con tôm, con cá, con mực, con sò… cứ con gì từ biển thì chúng tôi làm.”
Trụ sở Hải Nam trên đường Phạm Ngọc Thạch, Q.3, TP.HCM là nơi bà Sắc bắt đầu khởi nghiệp với ngành hải sản vào năm 1982. Từ một căn nhà nhỏ đi thuê rồi sau này được mua lại, tòa nhà hiện nay vừa sử dụng làm văn phòng vừa là nơi trưng bày các sản phẩm chế biến của công ty.
Khác với nhiều doanh nghiệp thủy sản tư nhân lớn đã bán cổ phần ra công chúng và niêm yết, Hải Nam vẫn duy trì sở hữu gia đình và thay vì xuất khẩu thô, công ty tập trung đa dạng hóa các sản phẩm chế biến tạo ra giá trị gia tăng cao. Hiện tại, Hải Nam vận hành ba nhà máy chế biến, hai nhà máy mới đang được xây dựng, dự kiến đưa vào hoạt động giữa năm 2020, sẽ nâng tổng công suất chế biến của công ty lên 20.000 tấn/năm.
Hải Nam cũng đã bắt tay với nhiều đối tác đa dạng hóa sản phẩm và xuất khẩu vào các thị trường khó tính: liên doanh Hải Nam Okinawa với đối tác Nhật, chuyên nuôi trồng rong nho; nhà máy liên doanh với Hà Lan chế biến cá; liên doanh công ty chế biến thực phẩm Vĩnh Lộc sau khi mua lại Vilfood, làm sushi, há cảo, xíu mại, chả giò... xuất khẩu.
Danh mục sản phẩm của Hải Nam đa dạng từ nhóm cao cấp như yến sào, vi cá, rong nho, sò điệp, tôm hùm… cho đến những nguyên liệu đặc sản chế biến địa phương như cá đổng, cá trích, cá chỉ vàng, cá bống, cá mai, cá cơm sấy…
Năm 2019, thủy sản Việt Nam xuất khẩu đạt kim ngạch 8,54 tỉ USD. Nhóm các công ty đầu ngành như Minh Phú, Vĩnh Hoàn, Nam Việt, Sao Ta… đóng góp hàng trăm triệu đô la Mỹ vào tổng giá trị xuất khẩu. Là công ty chuyên về chế biến hải sản với thâm niên trong ngành xấp xỉ 40 năm, sự đóng góp của Hải Nam khá khiêm tốn.
Bà Sắc cho biết những năm gần đây doanh thu công ty dao động trong khoảng 1.000-1.200 tỉ đồng, chưa hợp nhất kết quả kinh doanh của các liên doanh. Dù vậy, tỷ suất lợi nhuận sau thuế/doanh thu trung bình của công ty ở quanh mức 15%. Con số này của Hải Nam ngang với Vĩnh Hoàn, cao hơn Minh Phú (2,5%), Thủy sản Cửu Long (10%), Sao Ta (6%)...
Khác với các doanh nghiệp thủy sản tư nhân lớn tập trung vào một số sản phẩm như cá ngừ, đồ hộp, tôm mực, nhuyễn thể… đông lạnh hay chế biến những sản phẩm có hàm lượng giá trị gia tăng thấp, Hải Nam đa dạng hóa chuỗi sản phẩm đến cả ngàn chủng loại, trong đó phần lớn sử dụng ngay hoặc chỉ cần vài công đoạn đơn giản.
Bà Thu Sắc cho biết, chuỗi sản phẩm rộng, việc quản lý hàng ngàn mặt hàng là “lắt nhắt và vất vả”, bù lại đối tác có nhiều sự lựa chọn để đặt hàng. Nữ doanh nhân 67 tuổi này thừa nhận: “Quản trị sản xuất là khó, tập trung nhân lực cho từng mặt hàng phải làm tỉ mỉ, kiên trì thì mới làm được.”
Tại nhà máy chế biến hải sản đông lạnh của Hải Nam Seafoods.
Bà Nguyễn Thị Hồng Minh, cựu thứ trưởng bộ Thủy sản nhận xét, cá biển Việt Nam phong phú nhưng khá “tạp”, khó làm do khó đồng nhất về kích cỡ và nguồn nguyên liệu không ổn định, nhưng Hải Nam đã “làm được và rất sáng tạo” trong từng sản phẩm, chi tiết đến từng cái râu mực hay cùi sò điệp.
Bà Hồng Minh đánh giá Hải Nam thành công nhờ bà Sắc là người "có tâm, thông minh, được học hành bài bản và chịu khó ứng dụng kỹ thuật mới". Vị lãnh đạo ngành thủy sản tỏ ra ấn tượng khi còn là một doanh nghiệp nhỏ, Hải Nam đã tiên phong hỗ trợ ngư dân phục hồi vùng nguyên liệu sò điệp ở Bình Thuận và hiện nay Hải Nam cùng với Minh Phú là hai công ty thủy sản tư nhân nhưng đầu tư, ứng dụng công nghệ hiện đại phục vụ cho quản lý sản xuất kinh doanh.
BÀ SẮC KỂ, VỚI HÀNG NGÀN SẢN PHẨM KHÁC NHAU, Hải Nam buộc phải triển khai hệ thống quản trị nguồn lực doanh nghiệp (ERP). Ông Nguyễn Công Tẩn, tổng giám đốc công ty công nghệ Citek – đơn vị triển khai giải pháp ERP của hãng SAP (Đức) cho Hải Nam, dẫn chứng những con số nói lên sự phức tạp của dự án mà công ty gia đình này phải giải quyết: Hơn 30.000 mã thành phẩm, nguyên liệu, bao bì cần chuẩn hóa và chuyển đổi, trung bình một tháng hơn 3.000 đơn hàng bán và hơn 1.500 lệnh sản xuất.
Nếu như đa số doanh nghiệp thủy sản khởi đầu bằng sản phẩm sơ chế xuất khẩu đông lạnh, thì Hải Nam bắt đầu với chế biến sâu. Chế biến hải sản khá phức tạp do nguyên liệu đầu vào có rất nhiều chủng loại, kích cỡ… số công ty chuyên chế biến thủy sản không nhiều.
Hải Nam từng thất bại trong triển khai dự án ERP lần đầu vào năm 2007 nên trong lần triển khai này, đội ngũ có phần “hồi hộp”. Sự kiên định của bà Sắc đã giúp họ đạt mục tiêu đưa toàn bộ nghiệp vụ vận hành chính thức theo thời gian thực (real-time) trên toàn bộ các nhà máy và các đơn vị thành viên.
Năm 2017, sau sáu tháng chuẩn hóa Hải Nam chính thức vận hành thành công hệ thống ERP chuyển đổi sản xuất vào hệ thống mới, “với một khối lượng số liệu khủng khiếp,” theo lời ông Tẩn. Sau khi hoàn thành triển khai lõi ERP với giải pháp của hãng SAP, Hải Nam tiếp tục hoàn thiện ứng dụng IoT vào các thiết bị, dây chuyền ở nhà máy trong thu thập và phân tích dữ liệu kịp thời. “Đây là thách thức rất lớn của ngành chế biến thủy sản,” ông Tẩn cho biết.
Từng triển khai ERP cho hàng trăm doanh nghiệp, ông Tẩn nhận xét, hiếm có người phụ nữ đam mê công nghệ như bà Sắc. Ông “Hầu hết những chủ đề về công nghệ, dùng công nghệ để tối ưu hoạt động sản xuất kinh doanh bà đều am tường,” ông nói.
Bà Sắc sinh năm 1953, tại Phan Thiết trong một gia đình có chín anh chị em. Cha là thầy giáo và mẹ ở nhà nội trợ, gia đình đông con nên kinh tế eo hẹp. Ngoài những anh chị lớn đã qua đời, đại gia đình sáu anh em ruột và bốn dâu, rể đều đang cùng làm việc ở Hải Nam. Bà Sắc kể, vì nhà nghèo, “bắt đầu từ số không,” nên “chịu thương chịu khó, kiếm tiền như một bản năng tự nhiên.”
Tại nhà máy chế biến hải sản khô của Hải Nam Seafoods.
Khi còn là sinh viên ngành hóa sinh của đại học Khoa học TP.HCM, trên những chuyến xe đò đi – về giữa Phan Thiết và Sài Gòn, bà Sắc thường gặp những phụ nữ mang vi cá đi bán. Thời bao cấp khó khăn khiến cô sinh viên nghèo nghĩ cách kiếm tiền: nhận vi cá đi giao, đến lúc biết việc một chút thì nhận đi bán giùm hưởng huê hồng. Tốt nghiệp đại học, bà chọn ở lại TP. HCM làm chốn lập nghiệp.
CÁI TÊN HẢI NAM RA ĐỜI NĂM 1982, là một trong những cơ sở tư nhân đầu tiên trong ngành hải sản Việt Nam. “Mình xác định làm sản phẩm từ biển, biển phía Nam thì đặt tên Hải Nam,” bà Sắc kể.
Giai đoạn đầu khởi nghiệp, các cơ sở tư nhân phải xuất khẩu thủy hải sản, nông sản thông qua các doanh nghiệp nhà nước như Seaprodex, Agrimexco… và Hải Nam không ngoại lệ. Hải Nam nổi tiếng trước tiên ở mặt hàng vi cá, được thị trường biết đến rộng rãi, theo bà Sắc “đơn giản vì lúc đó còn trẻ, chưa định hình được sản phẩm cũng như thị trường, biết gì thì làm đó.”
Mặt hàng thứ hai là yến sào, hiện vẫn là ngành hàng quan trọng của Hải Nam. Bà Sắc đấu thầu yến tổ Cù Lao Chàm, Hội An – nơi nguồn yến được đánh giá ngon và tốt hàng đầu thế giới. Sau này công ty đầu tư thêm các trại nuôi ở Cần Giờ để gia tăng sản lượng.
Năm 1992, luật Doanh nghiệp ban hành, công ty Thương mại – Sản xuất Hải Nam ra đời. Nhà máy chế biến hải sản đông lạnh đầu tiên đặt tại Phan Thiết đi vào hoạt động năm 1993. Một năm sau, nhà máy chế biến hải sản khô đi vào hoạt động. Tính từ đó đến nay, trung bình 1 – 2 năm Hải Nam mở một nhà xưởng hoặc phát triển một dự án mới. “Làm tới đâu mở tới đó, sản xuất thì phải mở kho lạnh, bến bãi tiến tới phòng lab, rồi phòng R&D, cứ vừa học vừa làm, phát sinh tới đâu xoay xở tới đó,” bà nói.
Năm 1995 Hải Nam lần đầu được cấp chứng nhận xuất khẩu vào thị trường EU và đến nay họ có đầy đủ các chứng nhận chất lượng để vào các thị trường khó tính nhất của thế giới như Nhật, Mỹ, EU. “Giờ thì nhân viên đã lành nghề, cứ thế triển khai quy chuẩn khi các nhà máy mới mở ra,” bà Sắc nói và cho biết may mắn được học ngành hóa sinh nên việc tiếp cận ngành hải sản khá thuận lợi, về sau bà học học thêm những chứng chỉ động vật học và nghiên cứu hải sản. Nhưng bà tự bạch thứ tiên quyết vẫn là niềm đam mê, khiến bà đặt tâm huyết nghiên cứu, thích rồi làm say sưa.
Bên cạnh cương vị phó chủ tịch hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) nhiệm kỳ 4, với uy tín và kinh nghiệm, thi thoảng bà xuất hiện ở các diễn đàn doanh nghiệp thủy sản để chia sẻ về tiêu chuẩn đánh bắt xa bờ, kinh nghiệm làm IUU hoặc về kinh nghiệm triển khai ERP với các doanh nghiệp trong ngành. “Tôi có thể bỏ cả ngày để chia sẻ những giá trị mình làm được, doanh nghiệp khác làm được thì cả ngành tốt lên, xã hội tốt lên,” bà nói.
Khác biệt với các công ty thủy sản tư nhân tên tuổi như Minh Phú, Vĩnh Hoàn, Nam Việt… lên sàn niêm yết huy động vốn tìm sức bật mới, Hải Nam trung thành với mô hình công ty gia đình cho dù có các liên doanh với nước ngoài. Bà Sắc cho rằng, công ty gia đình cũng có nhiều ưu thế, “may mắn là chúng tôi thuận thảo, anh em hỗ trợ nhau và mấy chục năm qua đã khẳng định được điều đó.”
Dù vậy, bà cũng thừa nhận công ty gia đình dễ co cụm, nếu không thúc đẩy nhân tố mới sẽ thiếu sáng kiến mới. Bà cũng cho biết công ty từng bước chuyển sang hình thức cổ phần để những người đồng hành lâu năm chia sẻ quyền lợi, ghi nhận những nhân tố làm cho công ty thành công bằng những đóng góp thực tế của họ.
Nuôi trồng rong nho theo công nghệ Nhật Bản.
Ở Hải Nam có những gia đình vợ chồng, con cái đều làm cùng công ty, có người gắn bó kể từ năm 1982, buộc bà Sắc phải suy nghĩ về chia sẻ lợi ích với các cộng sự. “Sẽ đến lúc không còn mục tiêu là tiền, là lợi nhuận nữa vì mình đâu có thiếu tiền, làm sao để nhân viên chung quanh có đời sống tốt hơn. Điều đó phải từ tâm huyết, xuất phát từ tấm lòng chứ không thể xa xôi lý thuyết,” bà Sắc nói.
Khoảng năm năm gần đây Hải Nam đẩy mạnh tiêu thụ ở thị trường nội địa, thị trường hiện đóng góp trên dưới 10% doanh thu. Nhờ đẩy mạnh tiêu thụ, năm 2019, doanh số nội địa ghi nhận tăng 34% so với năm trước. Bà Sắc đánh giá: “Thị trường nội địa tiềm năng và lớn lắm, dự tính năm nay gia tăng lên được 20% và tăng dần lên ít nhất 40% tổng doanh thu.”
Bà Sắc cho rằng, sản phẩm Hải Nam tiêu thụ trong nước “còn nhỏ và mới bắt đầu” nhưng đã thuận lợi hơn vì kinh tế Việt Nam phát triển, người tiêu dùng có xu hướng lựa chọn sản phẩm đạt chuẩn chất lượng. Đồng thời, các kênh bán lẻ hiện đại phát triển cũng tạo điều kiện thuận lợi cho sản phẩm chế biến sẵn phân phối tới tay người tiêu dùng.
“Cách đây 5 – 7 năm vẫn khó vì giá xuất khẩu cao hơn tiêu thụ nội địa, lúc đó thị trường chấp nhận hàng giá rẻ, còn bây giờ người dân có nhu cầu tiêu dùng sản phẩm có chất lượng và giá cả hợp lý nên thuận lợi hơn,” bà nói.
42 tuổi bà Sắc kết hôn với một bác sĩ người Mỹ gốc Việt là tình nguyện viên của Liên Hiệp Quốc. Hai con trai bà vẫn còn đang đi học. Triển khai hệ thống ERP, theo bà Sắc, cũng là sự chuẩn bị khi thế hệ quản lý ở Hải Nam đã bắt đầu có tuổi trong khi thế hệ kế thừa trong đại gia đình còn khá trẻ. “Xây dựng một nền tảng, còn sau đó muốn công ty lớn mức độ nào dựa trên những nền tảng sẵn có và do thế hệ tiếp theo quyết định, không loại trừ người trong nhà hay người thuê ngoài,” bà Thu Sắc nói.
(Theo forbesvietnam)