10 tháng đầu năm 2022, nhập khẩu cá tra của Mỹ vượt năm 2021

(vasep.com.vn) Theo thống kê của Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA), 10 tháng đầu năm 2022, NK cá tra phile đông lạnh vào thị trường Mỹ đạt gần 110 nghìn tấn, trị giá 474 triệu USD, tăng 24% về khối lượng và 88% về giá trị so với cùng kỳ năm 2021.

Năm 2021, nhu cầu cá tra phile đông lạnh NK vào thị trường Mỹ cũng đã bứt phá rất mạnh mẽ, tăng gần gấp đôi về khối lượng, từ mức 58 nghìn tấn lên gần 107 nghìn tấn. Giá trị cũng tăng gấp gần 2 lần từ 158 triệu USD lên 314 triệu USD.

Năm 2022, tới hết tháng 10, NK cá tra vào Mỹ đã vượt mức của cả năm 2021. Xu hướng gia tăng NK cá tra đột phá hơn trong bối cảnh lạm phát làm hạn chế nhu cầu các loài thủy sản giá cao tại thị trường này. NK tôm vào Mỹ trong 10 tháng đầu năm giảm 2% về khối lượng, các loại giáp xác khác như cua ghẹ giảm 17%. Nhìn chung thị trường Mỹ có xu hướng tiêu thụ các loài cá nhiều hơn tôm, cua, nhuyễn thể.

Sau cá ngừ, cá hồi, thì các loài cá thịt trắng được ưa chuộng nhiều thứ 3 tại Mỹ. Trong đó, cá rô phi được NK nhiều nhất, tiếp đến là cá tuyết cod, tiếp đến là cá tra.

Trong phân khúc cá phile đông lạnh (trừ cá ngừ, cá hồi), thì cá tra phile đông lạnh NK vào Mỹ có tăng trưởng mạnh nhất cả về khối lượng và giá trị. NK cá rô phi phile đông lạnh chỉ tăng 3% về khối lượng, 27% về giá trị, NK cá tuyết cod đông lạnh tăng lần lượt 10% và 40% so với cùng kỳ năm 2021.

10 tháng đầu năm 2022 nhập khẩu cá tra của Mỹ vượt năm 2021

Giá trung bình cá tra phile đông lạnh NK vào Mỹ 10 tháng đầu năm 2022 đạt 4,27 USD/kg, tăng 51% so với cùng kỳ năm 2021. Trong tất cả các sản phẩm thủy sản NK của Mỹ, cá tra phile đông lạnh có giá trung bình tăng mạnh nhất trong năm nay. Giá tôm chỉ tăng 7%, cá rô phi đông lạnh tăng 23%, cá tuyết đông lạnh tăng 28%, cá hồi tăng 18%, cá ngừ tăng 13%...

Chiếm vị thế độc tôn trên thị trường Mỹ, nhưng XK cá tra Việt Nam sang thị trường Mỹ hiện nay tập trung chủ yếu vào top 5 doanh nghiệp (chiếm tổng cộng 98% doanh số) gồm Công ty CP Vĩnh Hoàn, Công ty TNHH Thủy sản Biển Đông, Công ty TNHH Chế biến Thực phẩm XK Vạn Đức, Tiền Giang, Công ty CP Thủy sản NTSF và Công ty CP XNK Thủy sản Cần Thơ.

Thuế chống bán phá giá cá tra vẫn là trở ngại chính của các DN muốn bước chân vào và đứng vững được trên thị trường Mỹ. Từ năm 2003 tới nay, các doanh nghiệp xuất khẩu cá tra Việt Nam đã trải qua 18 đợt rà soát hành chính hàng năm với nhiều diễn biến phức tạp và 3 lần rà soát hoàng hôn vào các năm 2009 – 2014 – 2019.

Trong lần rà soát hành chính thuế chống bán phá giá (CBPG) lần thứ 18 cho giai đoạn 1-8-2020 đến ngày 31-7-2021 đối với cá tra của Việt Nam của Bộ Thương mại Mỹ (DOC), mức thuế chống bán phá giá được áp dụng cơ bản như đợt rà soát trước.

Theo đó, có hai doanh nghiệp bị đơn bắt buộc của Việt Nam nhận được mức thuế lần lượt là 0,00 USD/kg và 3,87 USD/kg, một công ty nhận thuế suất riêng rẽ 1,94 USD/kg và 32 công ty nhận mức thuế suất toàn quốc 2,39 USD/kg.

Tính tới hết tháng 11/2022, XK cá tra Việt Nam sang thị trường Mỹ đạt 521 triệu USD, tăng 61% so với cùng kỳ năm 2021. Tuy nhiên, trong tháng 11, XK cá tra sang thị trường này đã giảm 10% đạt gần 30 triệu USD.

Năm 2023, lạm phát có thể khiến nhu cầu thủy sản của Mỹ sẽ tiếp tục đà sụt giảm từ nửa cuối năm 2022, nhưng so với các ngành hàng thủy sản khác và các loài cá khác, cá tra vẫn có dư địa tốt hơn nhờ yếu tố nguồn cung dồi dào, giá hợp lý cho túi tiền người tiêu dùng, trong khi chất lượng ngày càng tốt hơn.

10 tháng đầu năm 2022 nhập khẩu cá tra của Mỹ vượt năm 2021

 

Chia sẻ:


Lê Hằng
Giám đốc Truyền thông VASEP
Email: lehang@vasep.com.vn
Điện thoại 024. 37715055 - ext.204

Bình luận bài viết

Tin liên quan
Tin cùng chuyên mục