Cá tra: Doanh thu giảm mạnh vào năm 2020 nhưng triển vọng năm 2021 sẽ tích cực hơn

Tác động của COVID-19 đến các thị trường nhập khẩu trọng điểm đã tạo ra nhiều thách thức cho ngành cá tra Việt Nam vào năm 2020, kìm hãm hoạt động nuôi và đẩy nhanh xu hướng giảm giá. Tuy nhiên, sự phục hồi một phần của thị trường Trung Quốc và tình hình nguồn cung thắt chặt đã vẽ nên một bức tranh tươi sáng hơn cho năm 2021
Cá tra Doanh thu giảm mạnh vào năm 2020 nhưng triển vọng năm 2021 sẽ tích cực hơn

Sản xuất

Tại Việt Nam, nhà sản xuất và xuất khẩu cá tra nuôi lớn nhất thế giới, ảnh hưởng của đại dịch toàn cầu đối với thị trường thủy sản quốc tế đã cản trở sự phát triển của ngành hàng này. Ngành hàng cá tra đã chuyển trọng tâm sang việc hạn chế sự thiệt hại. Giá tại ao nuôi giảm mạnh do nhu cầu thị trường ở nước ngoài giảm.

Vào tháng 6 năm 2020, người nuôi cá được báo cáo lỗ khoảng 3.500 đồng (0,15 USD) đến 5.000 đồng (0,22 USD) một kg. Mức giá không có lợi này, kết hợp với tình trạng không chắc chắn trên diện rộng, nợ nần chồng chất và giao dịch chậm lại, đã khiến các nhà sản xuất giảm mạnh lượng thả nuôi, hạn chế cho ăn và có xu hướng áp dụng các phương pháp phòng thủ. Kết quả là tổng diện tích nuôi cá tra ước tính đã giảm xuống 26,2%; còn diện tích thu hoạch ở Đồng bằng sông Cửu Long giảm 48%. Điều này được dự đoán là sẽ dẫn đến tổng sản lượng cá tra giảm khoảng 15% so với cùng kỳ năm 2019, xuống còn khoảng 1,2 triệu tấn.

Theo dữ liệu được trình bày tại sự kiện Lãnh đạo về Triển vọng Nuôi trồng thủy sản Toàn cầu (the Global Outlook for Aquaculture Leadership event), việc thu hẹp nguồn cung ở Việt Nam và các nơi khác dự kiến sẽ dẫn đến tổng sản lượng cá tra toàn cầu giảm khoảng 7% vào năm 2020. Ngành công nghiệp mới nổi của Trung Quốc tiếp tục tụt hậu so với Việt Nam (vốn có nhiều kinh nghiệm hơn về sản xuất cá bố mẹ và thực hành nuôi trồng thủy sản), nhưng Trung Quốc lại có lợi thế là được tiếp cận trực tiếp với thị trường nội địa rộng lớn và đang phát triển. Trong khi đó, sản xuất của Ấn Độ và Bangladesh đang mở rộng ổn định, nhưng các nhà cung cấp ít tập trung hơn vào thị trường xuất khẩu so với ngành hàng cá tra Việt Nam.

Thương mại và thị trường

Tại các thị trường xuất khẩu cá tra hàng đầu của Việt Nam - là Hoa Kỳ và Trung Quốc, tác động cộng dồn trong một thời gian dài của đại dịch COVID-19 là rất lớn, khiến tổng giá trị doanh thu từ cá tra chỉ đạt 1,04 tỷ USD trong 9 tháng đầu năm 2020, thấp hơn 28,6% so với cùng kỳ năm trước. Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP), xuất khẩu sang Trung Quốc (bao gồm cả Hồng Kông), Hoa Kỳ, khối ASEAN và Liên minh Châu Âu lần lượt giảm, Trung Quốc (-22,7%), Hoa Kỳ (-16,8%), khối ASEAN (-30,3%) và Liên minh Châu Âu (-33,8%). Để thích ứng với sự biến động về thị trường do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam (MARD) đã kêu gọi tăng cường tập trung vào thị trường nội địa Việt Nam, nơi mà nó ước tính có thể hấp thụ khoảng 10-20% tổng sản lượng.

Trung Quốc đã vượt qua Hoa Kỳ trở thành thị trường quan trọng nhất của Việt Nam đối với mặt hàng cá tra (vào năm 2019) và việc đóng cửa vào đầu năm 2020 để đối phó với cuộc khủng hoảng COVID-19 là một đòn giáng mạnh đối với Trung Quốc.

Nhu cầu trong lĩnh vực dịch vụ thực phẩm bốc hơi nhanh chóng, cùng với đó, nhu cầu yếu hơn từ các thị trường xuất khẩu của Trung Quốc đồng nghĩa với việc dư thừa cá thịt trắng (whitefish) cho người tiêu dùng trong nước. Trong tháng 5 và đầu tháng 6 năm 2020, quyết định của chính quyền Trung Quốc đóng cửa một số cảng biển (do lo ngại về khả năng lây truyền dịch bệnh qua các sản phẩm thủy sản) đã khiến doanh thu của các nhà cung cấp sụt giảm hơn nữa. Tuy nhiên, Trung Quốc cũng là một trong những thị trường lớn đầu tiên trở lại trạng thái bình thường, và sự phục hồi này bắt đầu từ quý 3 năm 2020 trở đi đã khiến doanh thu xuất khẩu cá tra của Việt Nam tính đến cuối năm 2020 gần như hồi phục trở lại, bằng mức doanh thu của năm 2019.

Giá cả

Trong phần lớn mùa hè, giá cá tra tại ao nuôi ở vùng Đồng bằng sông Cửu Long dao động quanh mức 18.000 đồng (0,78 USD)/kg, thấp hơn mức hòa vốn trung bình. Tuy nhiên, vào cuối năm 2020, từ mức gần như không có lãi, nghề nuôi cá tra của Việt Nam đã phục hồi khi tình hình thay đổi, nguồn cung thắt chặt và thị trường Trung Quốc mở cửa trở lại. Bên cạnh đó, giá nhập khẩu của Mỹ đã tăng lại, khoảng 2,20 USD/kg vào đầu quý 4 năm 2020, sau khi giảm xuống chạm mức 2,00 USD/kg hồi đầu năm.

Dự báo

Sau sự sụt giảm nguồn cung vào năm ngoái, các nhà kinh tế dự đoán rằng tổng sản lượng cá tra sẽ tăng khoảng 10% vào năm 2021. Đồng thời, nhu cầu từ thị trường Trung Quốc đang tiến gần đến mức như trước khi xảy ra đại dịch, và điều này được kỳ vọng sẽ giúp nâng giá cá tra, đồng thời giảm bớt áp lực tài chính cho các nhà sản xuất và cung cấp cá tra. Tuy nhiên, đầu năm 2021, toàn cầu có sự gia tăng đột biến các trường hợp nhiễm COVID-19, nhấn mạnh mối đe dọa tiếp tục của đại dịch này. Sự phục hồi của ngành hàng cá tra có thể bị ảnh hưởng đáng kể, thậm chí tình hình có thể đảo ngược. Việc bổ sung hoạt động kiểm tra biên giới ở Trung Quốc là một ví dụ về các trở ngại có liên quan đến đại dịch, và việc này có khả năng tồn tại trong một thời gian tiếp theo. Các cơ quan chức năng của Việt Nam đã nhấn mạnh sự cần thiết phải tập trung vào việc giảm chi phí sản xuất, gia tăng sản lượng (theo kế hoạch) và đa dạng hóa sản phẩm để tăng khả năng phục hồi của ngành hàng cũng như bảo vệ các nhà sản xuất và kinh doanh cá tra của Việt Nam.

(Theo Tổng cục thủy sản)

Chia sẻ:


Bình luận bài viết

Tin liên quan
Tin cùng chuyên mục