Ngành cá tra tìm cách “chinh phục” thị trường nội địa

Giá trị tiêu thụ sản phẩm thủy sản của thị trường nội địa mỗi khoảng 1 tỷ USD. Cùng với nỗ lực thay đổi thói quen người tiêu dùng trong nước từ sử dụng thịt cá tươi sang đông lạnh, phát triển các dòng sản phẩm mới có giá trị gia tăng cao, các doanh nghiệp ngành hàng cá tra đang nỗ lực định vị thương hiệu cũng như kích cầu tiêu dùng tại thị trường nội địa.

Tìm cách chinh phục thị trường nội địa

Dịch Covid-19 khiến đầu ra thị trường xuất khẩu gặp khó khăn, đẩy mạnh kích cầu tiêu dùng thị trường nội địa được các doanh nghiệp triển khai. Đặc biệt, nhiều doanh nghiệp đã nỗ lực định vị thương hiệu của mình bằng cách tích cực nghiên cứu để đưa ra thị trường những sản phẩm cá tra mới, phục vụ người tiêu dùng trong nước.

Ngành cá tra tìm cách “chinh phục” thị trường nội địa
Ngành cá tra tìm cách “chinh phục” thị trường nội địa

Tháng 10/2020, Công ty Cổ phần Vĩnh Hoàn (Vĩnh Hoàn) đã tổ chức buổi ra mắt nhãn hiệu BASAmaster nhằm giới thiệu đến người tiêu dùng nội địa nhiều dòng sản phẩm được chế biến từ cá basa. Ngoài ra, BASAMaster còn giới thiệu đến người tiêu dùng trong nước nhiều sản phẩm mới lạ, độc đáo như gỏi da cá chẽm, chả lụa cá hồi, burger tôm cá, basa tẩm bột sốt tartar, chabokki sốt cay, basa xẻ bướm tẩm gia vị… Đặc biệt, trong bộ sưu tập sản phẩm mới của BASAMaster còn có nhóm sản phẩm thức ăn nhanh như: da cá giòn, khô cá basa ăn liền, chips dừa sấy vị trái cây… Các sản phẩm này đáp ứng nhu cầu thưởng thức thực phẩm tươi ngon và xu hướng tiêu dùng mới của khách hàng nội địa khi kết hợp khéo léo nguyên liệu cá basa truyền thống của Việt Nam với các món ăn nổi tiếng, phổ biến trên thế giới như: burger hay chabokki.

Vĩnh Hoàn được biết đến là doanh nghiệp xuất khẩu cá tra hàng đầu Việt Nam. Hướng tới việc phát triển thị trường nội địa với việc ra mắt nhiều dòng sản phẩm mới dành cho chuỗi siêu thị trong nước, bên cạnh mong muốn người tiêu dùng trong nước cũng có thể được sử dụng sản phẩm tốt nhất thì đây cũng là cách để doanh nghiệp này giảm những rủi ro từ thị trường xuất khẩu. Phía doanh nghiệp này cũng cho biết, thời gian tới, Vĩnh Hoàn sẽ tiếp tục tìm hiểu về nhu cầu của người tiêu dùng nội địa để từng bước đa dạng hóa sản phẩm nhằm phục vụ hệ thống chuỗi nhà hàng, siêu thị, bếp ăn tập thể và bếp ăn của từng gia đình Việt.

Cùng với các doanh nghiệp lớn, thời gian gần đây các doanh nghiệp khởi nghiệp, cơ sở chế biến nhỏ trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp cũng bắt đầu đa dạng hóa các sản phẩm chế biến từ cá tra để phục vụ người tiêu dùng nhiều hơn. Dòng sản phẩm khô cá tra đã được Cơ sở sản xuất cá khô Tiến Phương, huyện Hồng Ngự, nghiên cứu, cho ra mắt đã nhận được sự phản hồi tích cực từ thị trường miền Trung, miền Bắc. Riêng thị trường miền Bắc dòng sản phẩm khô cá tra rất có tiềm năng để phát triển. Hiện cơ sở cũng đang tìm đầu mối để làm nhà phân phối cho thị trường miền Bắc.

Theo số liệu của Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), giá trị tiêu thụ sản phẩm thủy sản của thị trường nội địa mỗi năm lên đến hơn 22.000 tỷ đồng (tương đương 1 tỷ USD). Mức tiêu thụ thủy hải sản bình quân của người Việt khoảng 35 kg/năm và dự báo đạt 44 kg/người/năm từ năm 2020 trở đi.

Vẫn còn không ít khó khăn

Thực tế, chương trình quảng bá, tiêu thụ cá tra và sản phẩm cá tra tại thị trường miền Bắc đã được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn triển khai từ năm 2017. Tuy nhiên, cho đến nay người tiêu dùng miền Bắc vẫn chưa mặn mà tiêu thụ sản phẩm này. Có quá nhiều nguyên nhân khiến cá tra vẫn “hụt hơi” tại thị trường nội địa.

Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam, trong khi người tiêu dùng tại khu vực đồng bằng sông Cửu Long dễ dàng tiếp cận với nhiều loài thủy sản khác nên sức tiêu thụ cá tra còn ít. Thì tại thị trường miền Bắc, tuy rất chuộng con cá tra nhưng cũng không thích ăn sản phẩm đông lạnh, điều này rất khó cho kênh phân phối vì đi xa thì không còn cách nào khác là phải cấp đông. Việc chế biến thành các sản phẩm ăn liền cũng gặp khó vì khẩu vị của từng vùng, miền khác nhau. Trong khi đó, phần lớn các doanh nghiệp vẫn khó khăn trong việc xây dựng được kênh phân phối tại thị trường trong nước bởi lâu nay các doanh nghiệp mới chú trọng thị trường xuất khẩu.

Hiện nay, sản phẩm cá tra không chỉ có cá tra phi lê, cắt khúc hay nguyên con mà đang có khoảng 80 sản phẩm chế biến giá trị gia tăng cao như: cá tra giả lươn, cá tra tẩm bột, xúc xích.… đây là điều kiện tốt để đẩy mạnh tiêu thụ nội địa song hành với xuất khẩu.

Đánh giá cao nỗ lực của các doanh nghiệp trong việc đầu tư và khai thác tối đa tiềm năng thị trường nội địa, đặc biệt là nỗ lực thay đổi thói quen người tiêu dùng trong nước từ sử dụng thịt cá tươi sang đông lạnh, ông Dương Nghĩa Quốc - Chủ tịch Hiệp hội Cá tra Việt Nam - cho rằng, để mở “đường bơi” cho con cá tra tại thị trường nội địa, vấn đề hiện nay là cần có chính sách hỗ trợ khuyến khích doanh nghiệp phát triển đa dạng sản phẩm, bên cạnh đó, cần tạo cơ chế thuận lợi giúp doanh nghiệp xây dựng và phát triển kênh tiêu thụ nội địa.

Mục tiêu của ngành cá tra là chiếm 10 - 15% thị phần tiêu thụ nội địa trên tổng sản lượng. Nếu tháo gỡ được những điểm nghẽn này thì ngành hàng cá tra sẽ có thêm một kênh tiêu thụ mới, tiềm năng.

(Theo báo Công thương)

Chia sẻ:


Bình luận bài viết

Tin cùng chuyên mục