Sáng 8/6, tại TP Quy Nhơn, Bộ NN&PTNT phối hợp với UBND tỉnh Bình Định tổ chức Hội nghị đánh giá kết quả 5 năm (2014 - 2019) thực hiện Đề án “Thí điểm tổ chức khai thác, thu mua, chế biến, tiêu thụ cá ngừ đại dương (CNĐD) theo chuỗi” được triển khai tại 3 tỉnh: Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa với 9 mô hình tổ chức liên kết khai thác, mua gom CNĐD theo chuỗi được thành lập.
Dự hội nghị có đại diện các cơ quan thuộc Bộ NN&PTNT, sở NN&PTNT, chi cục thủy sản, ban quản lý các cảng cá 10 tỉnh từ Đà Nẵng đến Tiền Giang, cùng đại diện ngư dân, DN chế biến xuất khẩu CNĐD ở Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa.
Theo báo cáo của Tổng cục Thủy sản (Bộ NN&PTNT), CNĐD là một trong những đối tượng khai thác chính của nghề khai thác thủy sản xa bờ và là mặt hàng xuất khẩu chủ lực của ngành thủy sản Việt Nam. Ngư trường khai thác CNĐD chủ yếu ở biển miền Trung và giữa biển Đông, trữ lượng CNĐD (cá ngừ vây vàng, cá ngừ mắt to) ở biển Việt Nam từ 485,6 - 502,9 ngàn tấn; khả năng khai thác bền vững CNĐD là 189,2 - 202,2 ngàn tấn. Hiện cả nước có hơn 47.000 tàu khai thác CNĐD. Từ 2014 - 2018, sản lượng khai thác CNĐD tăng trưởng nhanh, với tốc độ tăng trưởng bình quân đạt 5,8%/năm, tăng từ 140 ngàn tấn (năm 2014) lên 170 ngàn tấn (năm 2018); kim ngạch xuất khẩu CNĐD tăng 7,7%/năm. Năm 2018, tổng giá trị kim ngạch xuất khẩu CNĐD của cả nước đạt hơn 592 triệu USD, tăng hơn 2,2 lần so với năm 2010; các sản phẩm CNĐD được xuất khẩu sang 210 thị trường trên thế giới.
Bình Định hiện có 2.134 tàu khai thác cá ngừ, sản lượng khai thác trung bình từ 52.000 - 55.000 tấn/năm, trong đó CNĐD từ 9.000-10.000 tấn/năm. Sau 5 năm thực hiện đề án, tỉnh đã thành lập chuỗi khai thác CNĐD theo công nghệ Nhật Bản; chuỗi khai thác tiêu thụ CNĐD của các tàu lưới vây; chuỗi liên kết giữa chủ tàu - DN - cơ sở mua gom CNĐD. Qua đó giúp ngư dân tiếp cận công nghệ tiên tiến trong đánh bắt, bảo quản, tiêu thụ sản phẩm CNĐD, góp phần nâng cao giá trị sản phẩm, tăng hiệu quả kinh tế.
Tại hội nghị, nhiều ý kiến cho rằng, mặc dù sản lượng CNĐD đánh bắt đạt cao, chất lượng bảo quản tốt, nhưng việc mua gom theo kiểu “mua xô” với giá không ổn định khiến ngư dân không mặn mà tham gia chuỗi. DN gom mua, chế biến xuất khẩu CNĐD thiếu vốn, hạn chế về năng lực nên tham gia chuỗi chưa phát huy hiệu quả, chưa thể hiện vai trò trung tâm liên kết với ngư dân…. Mặc khác số lượng tàu đánh bắt CNĐD phát triển nhiều, sản lượng đánh bắt lớn khiến ngư trường khai thác đang dần cạn kiệt. Do đó cần có giải pháp để phát triển nghề khai thác CNĐD bền vững.
Kết luận Hội nghị, ông Nguyễn Quang Hùng, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản, nhấn mạnh: “Tổng cục Thủy sản đang xây dựng giải pháp cấp hạn ngạch nghề khai thác CNĐD để trình Bộ NN&PTNT ban hành. Việc cấp hạn ngạch giấy phép khai thác thủy sản đang được thực hiện, và việc cấp hạng ngạch nghề khai thác CNĐD cũng theo quy định của Luật Thủy sản 2017. Chính vì vậy, ngư dân cần hiểu rõ việc cấp hạn ngạch khai thác nhằm đảm bảo phát triển nghề khai thác CNĐD bền vững, duy trì sinh kế lâu dài cho ngư dân”.
(Theo báo Bình Định)