Ngành thủy sản Việt Nam đang nỗ lực để sản phẩm cá ngừ đại dương (CNĐD) đạt tiêu chuẩn về chất lượng, bảo vệ môi trường được các tổ chức độc lập chứng nhận nhãn hiệu để có được “giấy thông hành” thâm nhập vào thị trường lớn như châu Âu, Mỹ, Nhật Bản…
Đó là một trong những nhiệm vụ trọng tâm được đưa ra tại Hội nghị đánh giá kết quả thực hiện Đề án thí điểm tổ chức khai thác, thu mua, chế biến, tiêu thụ cá ngừ theo chuỗi do Bộ NN&PTNT phối hợp với UBND tỉnh Bình Định tổ chức ngày 8/6, tại TP Quy Nhơn.
Theo số liệu thống kê, năm 2017, cả nước có hơn 47 ngàn tàu thuyền đánh bắt cá ngừ. Sản lượng đánh bắt cũng tăng trưởng nhanh. Nhất là giai đoạn từ 2014 - 2018, tốc độ tăng trưởng bình quân đạt 5,8%, nâng sản lượng khai thác từ 140 ngàn tấn lên 170 ngàn tấn.
Hiện, cá ngừ là ngành xuất khẩu chủ lực của Việt Nam. Các sản phẩm cá ngừ đại dương được xuất khẩu sang 210 thị trường trên thế giới. Năm 2018, tổng giá trị kim ngạch xuất khẩu cá ngừ đại dương của nước ta đạt gần 600 triệu đô la Mỹ, tăng hơn 2,2 lần so với năm 2010.
Thế nhưng, ngành CNĐD của Việt Nam vẫn bộ lộ nhiều hạn chế, bất cập. Trong đó, vấn đề tồn tại lớn hiện ở việc tổ chức sản xuất mang tính truyền thống với quy mô sản xuất nhỏ lẻ, manh mún dẫn đến hiệu quả sản xuất thấp, thiếu tính bền vững và cạnh tranh sản phẩm thấp cả về giá bán và chất lượng sản phẩm.
Ông Nguyễn Quang Hùng - Phó Tổng cục Trưởng Tổng cục Thủy sản
Đặc biệt, sự kiện thẻ vàng của Ủy ban Liên minh châu Âu (EC) đối với lĩnh vực khai thác thủy sản Việt Nam vào cuối năm 2017, bộc lộ rõ hạn chế lĩnh vực này. Bởi vậy, trong bối cảnh tăng cường hội nhập quốc tế và toàn cầu hóa, gia tăng các yêu cầu phi thuế quan từ các thị trường nhập khẩu như quy định về truy xuất nguồn gốc sản phẩm, quy định chống khai thác thủy sản bất hợp pháp (IUU) từ EU… tạo thêm những khó khăn, thách thức đối với ngành CNĐD trong việc thâm nhập thị trường ngoài nước.
Theo ông Nguyễn Quang Hùng - Phó Tổng cục Trưởng Tổng cục Thủy sản, cho biết từ năm 2014, Bộ NN&PTNT tổ chức Đề án thí điểm tổ chức khai thác, thu mua, chế biến, tiêu thụ cá ngừ đại dương theo chuỗi. Theo đó, 3 tỉnh Bình Định, Phú Yên và Khánh Hòa thành lập được 9 mô hình tổ chức liên kết sản xuất khai thác CNĐD theo chuỗi.
“Sau 5 năm triển khai đề án ở 3 tỉnh nói trên cũng đã phần nào phát huy hiệu quả, nâng cao chất lượng cá ngừ khai thác. Tuy nhiên, một vấn đề đặt ra là sản lượng cá ngừ nhiều, chất lượng khá tốt, nhưng việc thu mua thông qua các đầu nậu, trung gian tại cảng cá kiểu “mua xô” khiến giá cá không cao nên ngư dân không mặn mà tham gia chuỗi”, ông Hùng cho hay.
Ông Hùng cho rằng, vấn đề nữa đặt ra hiện nay là, số lượng tàu đánh bắt cá ngừ rất nhiều, sản lượng đánh bắt lớn khiến ngư trường đang dần cạn kiệt. Do vậy, giải pháp cấp hạn ngạch để đảm bảo ngư trường cá ngừ bền vững là giải pháp lâu dài cho sinh kế bền vững.
Bình Định là tỉnh có đội tàu đánh bắt cá ngừ đại dương lớn của cá nước
Tham gia ý kiến tại cuộc hội nghị, ngư dân Nguyễn Văn Việt (xã Hoài Hương) cho rằng, việc ngư dân không mặn mà tham gia chuỗi đánh bắt CNĐD. Lý do, ngư dân đầu tư trang thiết bị rất tốn kém, học hỏi kỹ thuật đánh bắt, sản phẩm đánh bắt chất lượng tốt hơn nhưng doanh nghiệp vẫn mua với giá đại trà. Bên cạnh đó, cơ sở hạ tầng các cảng cá chưa đảm bảo.
Ông Việt cũng kiến nghị, tỉnh Bình Định là địa phương có số lượng tàu thuyền lớn của cả nước nên rất cần đầu tư xây dựng cảng cá chuyên dụng.
Theo Tổng cục Thủy sản, trong thời gian tới, việc cam kết, thực hiện theo các tiêu chuẩn về chất lượng sản phẩm, bảo vệ môi trường được các tổ chức độ lập chứng nhân như nhãn sinh thái MSC hoặc chứng nhận về quy trình sản xuất sản phẩm đầu vào VietGap, Globak Gap,… đáp ứng yêu cầu của các thị trường nhập khẩu, tạo cho sản phẩm CNĐD của Việt Nam có được “giấy thông hành” thâm nhập vào thị trường các nước, nhất là thị trường châu Âu, Mỹ, Nhật Bản… Đặc biệt ý nghĩa trong tính cạnh tranh; xây dựng thương hiệu CNĐD và nâng cao giá trị sản phẩm CNĐD của Việt Nam.
(Theo Dân Trí)