TÔM SẠCH

Tôm sạch hiểu là không chứa tạp chất; không mầm vi sinh có hại sức khỏe người tiêu dùng; không bị ngâm nước quá lâu, độ ẩm tăng cao; không tồn lưu các chất cấm sử dụng hoặc không quá ngưỡng những chất cho sử dụng hạn chế…

Để có tôm sạch, tôm phải sạch từ gốc. Người nuôi tôm phải hiểu biết và có ý thức nuôi tôm sạch. Như vậy người nuôi phải được hỗ trợ thông tin về quy định sử dụng các chế phẩm nuôi tôm; được hướng dẫn quy trình nuôi, chăm sóc, thu hoạch đúng kỹ thuật… hạn chế tối đa những việc không phù hợp với con tôm mình làm ra. Nhưng tôm từ các ao nuôi về các cơ sở chế biến, phần lớn còn qua các tầng nấc trung gian, các thương lái. Nguyên do, tôm nuôi rải rác, có những nơi rất xa, khó vận chuyển, bảo quản. Doanh nghiệp (DN) chế biến tôm không thể có đủ đội ngũ và phương tiện chu tất việc này. Hệ thống thương lái có ở mọi nơi có nuôi tôm. Họ thông hiểu tình hình, có cách ứng xử làm sao thu gom tôm nhanh nhất, bảo quản kịp thời và đưa về cơ sở chế biến. Trong chuỗi giá trị tôm hay chuỗi cung ứng tôm, thương lái là một mắt xích không thể thiếu trong hoàn cảnh nuôi tôm nhỏ lẻ phổ biến và hệ thống giao thông bộ còn hạn chế tải trọng.

Tôm sạch, như vậy, người nuôi lẫn thương lái đều có vai trò, và chính họ quyết định hết sức cơ bản tới độ sạch con tôm.

• Về vai trò người nuôi tôm

Cơ quan chức năng ngành từ trung ương đến địa phương đều hết sức quan tâm con tôm sạch. Các quy định về sử dụng kháng sinh, hoá chất trong nuôi tôm luôn được cập nhật để tương thích sự kiểm soát ngày càng khắt khe ở các nước nhập khẩu, tiêu thụ tôm ta. Chính quyền địa phương, ngoài các chương trình khuyến nông ngoài hướng dẫn kỹ thuật nuôi từng giai đoạn còn lồng ghép phổ biến các qui định trên, song song các cơ quan chức năng kiểm soát, kiểm tra các đầu mối kinh doanh vật tư phục vụ nuôi tôm.

Về mặt pháp lý, việc chăm lo quản lý khá tốt. Nhưng chỉ mới là hình thức bên ngoài. Diễn tiến thực tế mới là cái cần tìm hiểu để hỗ trợ người nuôi kịp thời. Đa phần người nuôi tôm đang đói vốn. Qua thời gian dài 2010-2015 hội chứng hoại tử gan tuỵ cấp tính (EMS) đã tàn phá ngành nuôi tôm đến hoang tàn. Người nuôi, bây giờ, nếu còn chút uy tín, sẽ nhận được sự đầu tư từ bên có tiền. Bên có tiền là các thương lái kiêm cơ sở kinh doanh vật tư nuôi tôm, không phải ngân hàng thương mại. Người nuôi tôm nhận sự đầu từ các vật tư đầu vào cho nuôi tôm sẽ không thể chủ động chọn lựa mà phải theo những gì bên đầu tư có.

Mặt khác, hiện nay bên cạnh những hãng lớn cung ứng các chế phẩm nuôi tôm, còn rất nhiều cơ sở nhỏ lẻ sản xuất, kinh doanh mặt hàng này. Chất lượng sản phẩm từ các cơ sở nhỏ lẻ làm sao so sánh được với hãng lớn. Tiền nào của đó, với lợi thế giá rất rẻ và đội ngũ tiếp thị linh hoạt len lỏi các vùng nuôi, họ thuyết phục được những túi tiền mỏng. Không chỉ kém chất lượng, trong đó còn hàng giả. Thí dụ thuốc trị bệnh gan có trộn kháng sinh bên trong, không loại trừ là kháng sinh cấm; đá xay nhuyễn mịn trộn trong khoáng tạt... Tâm lý người nuôi hay cả tin, nghe chủ ao nào nuôi trúng xài chế phẩm gì thì làm theo. Trong khi việc sử dụng chế phẩm rất phụ thuộc hoàn cảnh cụ thể. Hoàn cảnh cụ thể các ao nuôi thì vô vàn, đâu chỉ như nhau.

Thực tế, người bị bệnh phải uống thuốc, nhằm bệnh phải có kháng sinh. Tôm cũng vậy. Ao tôm là gia tài, là “sinh mạng”. Khi tôm có sự cố, người nuôi tìm mọi cách trị bệnh, theo kinh nghiệm hay theo chỉ dẫn của người khác, có các tiếp thị bên bán thuốc. Trị được thì thở phào, trị không xong thì thu hoạch ngoài ý muốn. Tôm đó rủi ro cao, bởi thuốc trị là cho phép hạn chế hay không cho phép, chỉ biết còn tồn lưu trong tôm. Các DN tôm xử lý rủi ro này bằng cách kiểm tra nhanh dư lượng tất cả các lô tôm nhập vào. Chi phí sẽ tăng lên, giá thành tăng lên. Cho nên nhiều người cho rằng tình trạng nuôi tôm nhỏ lẻ khiến khó kiểm soát chất lượng, an toàn giảm, rủi ro tăng là điều không có gì sai. Đây là một thực trạng cần có thời gian dài để xem xét, tìm hướng giải quyết thỏa đáng. Một hoàn cảnh khách quan là môi trường nuôi tôm đang bị ô nhiễm không nhẹ. Nước nuôi tôm chứa đựng trong đó những gì khó kiểm soát hết. Khi vùng nuôi tôm trọng điểm các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long thuộc hạ lưu các con sông mà cặp hai bên bờ thượng lưu các dòng sông đó là các khu công nghiệp; các ao nuôi cá; các vườn cây ăn trái, đồng lúa… Hàng ngày, hàng giờ các nơi đó đưa vào dòng sông bao nhiêu loại hóa chất ai đo đếm nổi! Từ đó trong ao tôm dễ có thêm rủi ro, dẫn đến tôm nuôi dễ nhiễm bệnh, dẫn đến việc xài thuốc trị càng phổ biến hơn. Rủi ro trong tiêu thụ tăng lên.

• Về vai trò thương lái

Có 2, 3 cấp thương lái từ thấp lên cao, từ nhỏ tới lớn. Còn không ít con sâu làm rầu nồi canh. Đó là các thương lái cố tình bơm nước, agar… vào thân tôm để tăng trọng lương và cỡ kích, thu lợi nhưng gây bao rủi ro cho cơ sở chế biến. Tình trạng này phổ biến trên 20 năm qua, tập trung ở con tôm sú do cớ kích lớn, hành vi trên sẽ thu lợi nhiều hơn so con tôm thẻ cỡ kích nhỏ hơn nhiều. Tôm sú không nuôi phổ biến quanh năm như tôm thẻ chân trắng. Lúc thấp điểm cung ứng tôm cũng là cao trào cho hành vi xấu này diễn ra. Bởi lúc đó, các cơ sở chế biến đang đói tôm nguyên liệu, đang cần tôm trả nợ hợp đồng và có việc làm nuôi người lao động, cho nên có dễ dãi trong mua tôm nguyên liệu.

Cái ranh giới “dễ dãi” này mơ hồ, dễ nhạt nhoà bởi nhiều áp lực, có áp lực chính từ thương lái. Bởi nếu không mua sẽ không có nguyên liệu, thương lái bán nguyên liệu xấu đó cho các cơ sở chế biến khác. Hành vi xấu xa này đôi lúc biến tướng gây rủi ro cực kỳ to lớn như ghi kim loại trong tôm; ghim tăm dừa trong tôm để giảm hở vỏ tôm sau khi bơm nước vào tôm quá nhiều; bơm nước hay agar tăng trọng không nhiều, họ bơm CMC là chất kết dính làm đặc cho nặng con tôm hơn!

Để xoá bỏ hành vi trục lợi phi pháp này, ngành chức năng bao lần ra tay quyết liệt nhưng chưa giải quyết dứt điểm. Tuy nhiên, đã giảm thiểu khá nhiều. Các lô tôm “dơ” này không ngang nhiên như những năm trước nữa. Nhất là sự phản ứng từ khách hàng khiến các cơ sở chế biến tôm cũng không thể kéo dài tình trạng thoả hiệp với cái xấu, có thể phá sản bất kỳ lúc nào. Chuyện bơm tạp chất vào tôm gây mất an toàn cho loại thực phẩm thơm ngon bổ dưỡng này, vì nguồn nước đưa vào thân tôm đâu có kiểm soát. Hành vi làm tăng trọng là gian lận thương mại đâu ai chấp nhận. Cho nên, chuyện bơm tạp chất ngoài khiến con tôm không còn sạch, còn làm giảm uy tín tôm ta trên thương trường quốc tế.

Một vấn đề cũng khiến tôm ta mất sạch. Đó là các cơ sở chế biến thiếu lao động, nhất là vào mùa vụ, chấp nhận mua tôm sơ chế lặt đầu từ các thương lái. Các cơ sở lặt đầu đa phần không đạt chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm. Con tôm sơ chế như vậy dễ nhiễm khuẩn phổ biến như tả lỵ, thương hàn... Cấp đông tôm tươi dù âm sâu cũng không thể diệt các mầm vi khuẩn này.

TS. Hồ Quốc Lực - Nguyên Chủ tịch VASEP, Chủ tịch HĐQT FIMEX VN

Bình luận bài viết

Cùng chuyên gia