Tản mạn chuyện con tôm (tiếp)

Ngày 21/7/2023, trong Hội thảo về Cải thiện môi trường nuôi tôm ở Bạc Liêu, trong phần trao đổi suy nghĩ, Bộ trưởng Lê Minh Hoan có gửi rất nhiều thông điệp. Tôi ghi lại ở đây về câu chuyện chung tay đóng góp cho liên kết sản xuất chuỗi ngành hàng.

Chú thích ảnh

Suy nghĩ về câu chuyện Bộ trưởng nhắn gửi truyền thông

Ngày 21/7/2023, trong Hội thảo về Cải thiện môi trường nuôi tôm ở Bạc Liêu, trong phần trao đổi suy nghĩ, Bộ trưởng Lê Minh Hoan có gửi rất nhiều thông điệp. Tôi ghi lại ở đây về câu chuyện chung tay đóng góp cho liên kết sản xuất chuỗi ngành hàng.

Thông lệ, cứ có sản phẩm gì giảm giá khá mạnh là giới truyền thông cứ nêu tựa bài viết thật “kêu” như Thương lái ép giá nông dân, Nhà máy chế biến ép giá người nuôi… Chưa nói thực hư ra sao, nhưng độc giả đọc cái tít là có ấn tượng không tốt về thương lái hoặc cơ sở chế biến. Khi các mắt xích trong chuỗi giá trị ngành hàng có “ác cảm” với nhau thì làm sao hợp tác, liên kết thật sự cho được.

Mà thông lệ “được mùa mất giá” vì sức cung tăng giá giảm do quy luật cung cầu; hoặc “thất mùa được giá” vì cung ít giá tăng theo quy luật như trên. Năm nay người nuôi tôm bị hai xôi nhồi một chõ, khi tình huống “thất mùa lại mất giá” chưa từng xảy ra trong suốt hơn 40 năm hoạt động ngành tôm.

Nguyên nhân, do tác động quy luật cung cầu không chỉ phạm vi trong nước, mà chi phối bởi cung cầu thế giới vì tôm là ngành hàng xuất khẩu rộng, cạnh tranh mang tính chất toàn cầu. Người dân sản xuất sản phẩm theo giá thành chủ quan của mình, nhưng giá bán do thị trường thế giới định đoạt, đó là quy luật bàn tay vô hình điều chỉnh.

Bộ trưởng Hoan đã tâm tình cởi mở là chúng ta (giới truyền thông) nên có cái nhìn toàn diện và bản chất hơn, không DN nào tự muốn gây lỗ lã, thiệt hại cho mình, mà do ở cái thế cùng đường, không còn kế sách nào khác nên mới bán rẻ, bán lỗ.

Vậy lỗi ở đâu mà ra? Do dự báo chưa tốt, do nắm thông tin chưa đầy đủ, kịp thời; thậm chí có thể do nhận định sai của các DN… Như vậy, không thể đổ lỗi hoàn toàn do DN, mà cơ bản do quy luật cung cầu thế giới chi phối. Như vậy, truyền thông tốt nhất là nên có sự tìm hiểu và hỗ trợ thông tin cho ngành và tình huống giá cả nông phẩm suy giảm thì nên tìm hiểu và thông tin diễn biến tình hình, lý giải nguyên nhân để các bên tham gia ngành hàng biết, cảm thông chia sẻ và hơn nữa truyền thông nên chung tay kết nối các bên để sự hợp tác chuỗi các ngành hàng ngày càng tốt hơn, hiệu quả hơn.

Tôi thiết nghĩ Bộ trưởng Hoan đã có cái nhìn bao quát, nhân văn và hết sức cấp thiết hiện nay, nhằm tránh tình huống vô tình giới truyền thông góp sức gây khó cho các chuỗi ngành hàng vì thiếu hiểu biết của một số phóng viên non tay nghề, thích câu view. Các doanh nhân cá tra ngày xưa, qua những năm tháng trải sóng gió trên thương trường đầy gian khó, bị giáng thêm những đòn chí mạng từ giới truyền thông vì tội bán cá rẻ gây thua lỗ cho người nuôi, nay có thể từng bước được minh oan.

Suy nghĩ về những con thuyền lớn

Bây giờ hay ví von DN như con thuyền ra biển cả, đầy rủi ro rình rập bất ngờ trong tiến trình kinh doanh và cạnh tranh. Nếu lấy hình tượng như vậy, dễ nhìn ra thuyền lớn thì sức chịu đựng giông bão “khỏe” hơn thuyền nhỏ. Bởi vậy, Chính phủ các nước hô hào xây dựng những DN đầu đàn là dễ hiểu.

Theo thông tin, Ecuador có DN tôm có doanh số tỷ USD, lớn nhất thế giới. Cũng ở Ecuador, Chính phủ lại ưu tiên hỗ trợ DN lớn, như hỗ trợ nhiên liệu nuôi tôm chẳng hạn và quy định các trang trại nuôi tôm phải có diện tích quy mô nào đó mới được nuôi. Bởi quy mô nuôi khá mới có điều kiện ứng dụng thành tựu khoa học kỹ thuật nhằm tăng năng suất, giảm giá thành…

Chuyện này dễ nhìn nhận, cũng theo thông tin vụ nuôi vừa qua ở Ecuador có khoảng 10% hộ nuôi, chủ yếu hộ nuôi nhỏ của họ (bằng quy mô hộ nuôi khá của ta) đã ngưng nuôi vì giá tôm quá thấp, bị thua lỗ.

Nhìn lại chúng ta, trang trại nuôi tôm khoảng 500 hecta không đầy hai bàn tay. DN chế biến doanh số 100 triệu USD cũng khoảng hai bàn tay. Đa phần là hộ nuôi tôm nhỏ lẻ quy mô dưới 5 hecta, đa phần là DN chế biến quy mô trung bình doanh số xoay quanh 50 triệu USD. Lúc khó khăn, thí dụ như hiện nay, chỉ có DN quy mô lớn, tài chính mạnh mới có sức chịu (thí dụ thua lỗ) để cầm cự vượt quá thách thức. DN trung bình dễ mất vốn, có thể phá sản.

Không phải chúng ta không có người nhiều tiền. Nhưng đa phần tập trung lĩnh vực dễ “ăn” như bất động sản chẳng hạn. Còn ngành thủy sản nói chung, ngành tôm nói riêng bị tác động khá mạnh từ thời tiết, dịch bệnh. Thậm chí cạnh tranh quốc tế ngày càng gay gắt, khiến biên lợi nhuận thu hẹp. Cho nên không hấp dẫn nhà đầu tư. Mặt khác, thời gian dài, do hạn hẹp nguồn vốn, sự quan tâm của Chính phủ đầu tư cho ngành tôm còn quá mỏng; thậm chí quản lý ngành chưa thật sự chặt chẽ… khiến tỉ lệ nuôi thành công không cao, từ đó giá cả khó cạnh tranh trên thương trường quốc tế.

Trung Quốc có Hiệp hội DN thủy sản trẻ, hoạt động khá mạnh. Họ là thế hệ kế thừa của các DN hiện hành. Chính phủ họ quan tâm xây dựng ý chí cho đội ngũ tương lai, để họ có ý thức vươn tầm cho từng DN của mình.

Tình hình ta, đội ngũ kế thừa đang gánh vác trách nhiệm ở một số DN thủy sản trung bình và lớn. Đây là tín hiệu tốt. Nhưng thiết nghĩ tốt hơn là làm sao truyền đạt được sứ mạng và tầm nhìn cao cho đội ngũ này, để hy vọng trong chục năm tới, sẽ có nhiều con thuyền thủy sản lớn trên biển khơi. Chuyện này ít nhiều cần sự truyền cảm hứng từ Chính phủ, thông qua vai trò của truyền thông và các tổ chức liên quan. Sự chung tay kịp thời này không chỉ gia tăng niềm tin cho số DN đang có mà có thể là sức hút nhà đầu tư để hoạt động ngành ngày thêm nhộn nhịp và phong phú.

Đôi dòng suy nghĩ dông dài, nhưng rõ ràng về xu thế ngành thủy sản có chiều hướng phát triển khá rõ nét. Nhưng xét cho thấu đáo, chưa tương xứng với tiềm năng. Nhìn thấy những điểm chưa tốt không phải dễ, nhưng quan trọng hơn là ứng xử sau đó.  Thiết nghĩ ngành còn quá nhiều việc phải lo, phải làm. Trước mắt là câu chuyện hợp tác chuỗi ngành hàng, tuy câu chữ quá quen nhưng nội dung lại vô vàn, cần sự sớm chung tay để kịp thời tranh thủ các cơ hội vươn tầm cho tất cả các mắt xích tham gia. VASEP đang nỗ lực cho nội dung này.

TS. Hồ Quốc Lực - Nguyên Chủ tịch VASEP, Chủ tịch HĐQT FIMEX VN

Bình luận bài viết

Cùng chuyên gia