Lạm phát suy thoái kinh tế thế giới có tác động rõ nét từ đầu quý 3 năm qua. Cao điểm có cường quốc phải chịu mức lạm phát ngất ngưởng 9%. Hệ quả là sức mua giảm, khiến các ngành xuất khẩu nói chung, ngành tôm nói riêng giảm sút từ đó. Hơn nữa, nó kéo dài tới nay và chưa có dấu hiệu dừng lại, chỉ có dấu hiệu phục hồi nhẹ và chậm mà thôi.
Thiết nghĩ các doanh nghiệp thủy sản nói chung, doanh nghiệp tôm nói riêng đều vướng khó khăn từ đó đến nay. Tiêu thụ chậm khiến tồn kho tăng, quay vòng vốn chậm, không kịp thời trả nợ vay ngân hàng. Hơn nữa, hết hạn mức tín dụng, xoay trở trăm thứ để hoạt động cầm cự kéo dài. Kéo dài quá lâu rồi, đúng một năm, sức chịu đựng có hạn.
Thời khắc sinh tử này, phải bán hàng cạnh tranh, giá rẻ mới thu hút người mua, đồng vốn mới luân chuyển được, thoát tình trạng nguy cơ thành nợ xấu, sau này khó thuyết phục để có nguồn vốn hoạt động như ý. Bán rẻ là bán lỗ, thậm chí dù giá tôm nguyên liệu đang rất thấp.
Vì sao lỗ, vì giá tôm nguyên liệu các nước khác như Ecuador, Ấn Độ còn rẻ hơn nhiều so với giá thấp của ta. Nhớ lại quãng thời gian 2010-2018 ngành cá tra điêu đứng kéo dài gần thập kỷ. Nguyên nhân sâu xa ít người biết, ít người nói ra, là cá minh thái, đối thủ hàng đầu của cá tra, trong tự nhiên có sản lượng khai thác cao quá vì trúng mùa. Giá cá đó rẻ, cá tra bán giá cao ai mua, cho nên các doanh nghiệp cá lúc đó phải chấp nhận bán giá thấp để cứu vãn tình hình vì cá thành phẩm đầy kho, cá nuôi tới lứa đầy ao và ngân hàng tới kỳ trả nợ.
Lúc đó, cá tra gần như độc quyền của ta, nhưng không phải độc quyền là có thể ấn định giá bán như không ít người lầm tưởng, mà phải bán theo giá thế giới khi giá cá tương đồng đang rẻ. Nay doanh nghiệp tôm lâm vào tình cảnh như doanh nghiệp cá hơn chục năm trước. Lịch sử lặp lại! Nhưng hôm nay có khác ngày xưa, có bàn tay kịp thời, trước tiên từ VASEP kiến nghị và ngay sau đó là quyết sách của Chính phủ và Bộ ngành liên quan, đưa ra gói tín dụng ưu đãi cho ngành (và ngành gỗ). Hy vọng gói tín dụng này được triển khai thực thi nhanh nhất, hiệu quả sẽ rất cao, bởi không ít các doanh nghiệp đang khát vốn trầm trọng do tình huống nêu trên.
Sự quan tâm của Chính phủ tới các ngành kinh tế ngày càng sâu sát và kịp thời hơn. Nội dung này tôi có nêu ra ở bài trước, bài này nhắc lại cụ thể để thấy rõ nét hiệu quả hơn của gói tín dụng này. Cũng qua đây thấy rõ nét vai trò tích cực của VASEP trong việc kịp thời làm cầu nối các doanh nghiệp tới Bộ ngành liên quan và cao nhất là Chính phủ.
TS. Hồ Quốc Lực - Nguyên Chủ tịch VASEP, Chủ tịch HĐQT FIMEX VN