Tôi từng viết bài về hội chợ thủy sản ở Belgium, Bỉ. Chuyện người, mình còn quan tâm. Nay chuyện nhà, trên sân nhà, sao lại không nên đánh bóng mình?!
Vietfish đã xuất hiện 20 lần. Thống kê cho thấy biểu đồ theo xu thế vươn lên khá mạnh mẽ. Gần như quy mô năm sau đều có cải thiện so năm trước. Khách ngày càng đông hơn và được đồng nghiệp ngoài nước chú ý nhiều hơn. Quy mô ngày càng lớn, khiến cái không gian nơi tổ chức hội chợ trước đây trở nên chật hẹp, nên dời qua chỗ mới này, rộng rãi hơn.
Năm nay, nghi thức khai mạc ngắn gọn đáng khen và diễn ra trong hình ảnh khá màu sắc cộng với âm thanh rộn rã, khiến cảm xúc như đậm đà hơn. Ghế đều kín chỗ. Khách ngoài nước dự khai mạc khá đông. Hội chợ có trên 350 gian hàng từ 15 quốc gia tham dự. Tôi từng dự nhiều hội chợ thủy sản, biết Vietfish chỉ dạng quy mô khá, không thể so sánh với những hội chợ tầm quốc tế hàng đầu như Boston (Mỹ), Belgium (Bỉ), Thanh Đảo (Trung Quốc) nhưng về mặt nguy nga, tráng lệ Vietfish không dám thua ai! Phải tốn khá lâu mới xong thủ tục vào bên trong vì khách dự quá đông. Đến đúng trưa, dòng khách đến tham quan vẫn còn khá đông, ngoài dự tính.
Bước vào bên trong, sẽ cảm nhận ngay một sự khác biệt mười mươi giữa hội chợ Vietfish và các hội chợ thuỷ sản quốc tế khác! Đó là không gian đầy sắc màu của hoa, hoa tươi. Các gian hàng Việt đầy các lẵng hoa do các hãng có liên quan làm ăn gởi chúc mừng. Tôi nhẩm đếm, có gian hàng được tới 15 lẳng hoa chúc mừng, che gần kín lối ra vào.
Một sự khác biệt nữa của Vietfish là các gian hàng Việt đều khá lớn, được bày trí rất công phu, cầu kỳ, đẹp mắt. Trong khi các gian hàng của phía khách thì khiêm tốn hơn, nhỏ hơn. Khách Trung Quốc khá đông, chiếm khoảng 1/10 gian hàng, nhưng đều là gian hàng nhỏ, không có gì nổi bật. Các gian hàng từ Hàn Quốc, Nhật Bản... góp phần làm phong phú thêm màu sắc hội chợ. Các thương nhân từ Ấn Độ dự khá đông, nhưng chỉ đến để bán hàng và không làm gian hàng. Có lẽ lần này tới Vietfish, thành quả họ có sẽ không như các lần trước. Bởi Ấn Độ đang bị dịch bệnh tôm nuôi, sản lượng giảm và các nhà chế biến tôm Việt cũng e ngại những phiền toái sau khi phía Hoa Kỳ yêu cầu thực hiện việc khai báo xuất xứ lô hàng hết sức chặt chẽ...
Lang thang... tôi ngồi nghỉ chân trong gian hàng Vasep ở ngay trung tâm. Có một thanh niên khá to con tới hỏi, xin ngồi chung! Thương nhân trẻ này từ Iran tới, mang theo cataloge rất đẹp chào bán tôm thẻ chân trắng. Không tìm được ai mua, đi riết mỏi chân! Tôi an ủi, nếu có tôm cỡ lớn sẽ dễ bán, nhưng cũng biết anh chàng kia làm sao có tôm này, bởi tôi từng có liên hệ nhà cung cấp tôm bên Iran trước đây và biết tình hình nuôi của họ.
Các sản phẩm có mặt trong triển lãm đều rất gần gũi với ngành chế biến thuỷ sản và được nhiều khách hàng quan tâm là như vậy. Từ thiết bị cấp động, máy nước đá vẩy công suất lớn; kho lạnh và kệ; thiết bị chế biến như máy phi lê cá; cân tự động; máy trộn; máy hút chân không; dụng cụ chế biến như dao cắt cá đến găng tay, ủng... và cuối cùng là xe lạnh vận chuyển sản phẩm về cảng... Muốn gì đều có, thậm chí phụ tùng các thiết bị trên.
Một hội chợ đầy tiện ích cho các cơ sở chế biến. Năm nay, gian hàng cá tra vẫn tỏ vẻ vượt trội so gian hàng tôm. Trong khi cơ sở chế biến tôm nhiều hơn cơ sở chế biến cá và doanh số xuất khẩu tôm gần gấp đôi doanh số cá. Tôi đem chuyện này trao đổi và được Tường Lan - Phó TTK VASEP “giải quyết” là năm sau tôi nên “rủ” các doanh nghiệp tôm Sóc Trăng cùng nhau lập một gian hàng chung, nhẹ nhàng về bài trí thôi, có tên “SOC TRANG SHRIMP CORNER”.
Trong gian hàng có nhiều bộ bàn ghế, khách ai nấy tiếp. Còn lúc vắng khách thì ta tiếp ta, tiếp nhau vài lon bia giải khát cho bộ mặt thêm hồng hào! Nếu các anh TGĐ Phẩm của Stapimex, Phục của Cleanfood, Tài của TAIKA, Tuấn của Khánh Sủng đều đồng lòng cùng Việt của Sao Ta, con tôm Sóc Trăng được dịp khoe mẽ và góp phần để Vietfish thêm phần sôi nổi, huyên náo.
Tiếng vang xa của Vietfish, tôi cảm nhận thấy rõ. Các khách hàng lớn từ nước ngoài của hãng tôi đều có mặt từ sớm. Có khách vừa tới lần đầu, hôm khai mạc, do mới thăng chức cao, cần có thêm hiểu biết. Hội chợ không chỉ mang ý nghĩa nơi trao đổi mua và bán, còn là dịp quảng bá hình ảnh và lớn hơn là phô trương lực lượng. Riêng với mấy TGĐ, còn là dịp hiếm hoi gặp nhau trao đổi tình hình, nắm bắt thông tin, tâm sự đời riêng!
Anh Kịch Cafatex, tôi đã sát cánh cùng anh những năm đầu vụ kiện chống bán phá giá tôm. Chúng tôi có nhiều kỷ niệm khó quên. Chiều 30 tết 2004, tôi, anh ta và hai đồng nghiệp đón năm mới chỉ bằng một món canh chua cá tra trong một mobilehome của con anh ta ở trong khu rừng thưa vùng Fairfax ven thủ đô Washington. Lúc đó nhằm sáng mùng một tết quê nhà. Chúng tôi ở đó trong thời khắc quý báu trong năm vì phải lo cho đợt điều trần đầu tiên vụ kiện do ITC tổ chức. Nay tại Vietfish, bất ngờ gặp anh đang ngồi trong gian hàng ngôi nhà cổ Cafatex. Hai người đều mừng rỡ, vì rất nhiều năm không có dịp gặp nhau. Ngồi nhắc chuyện xưa kéo tới chuyện nay, không dứt. Hết tiếng đồng hồ, mặc khách vô ra, để cộng sự lo! Chắc cùng trạng thái, tôi ghé gian hàng Cases được “tặng” hai lon bia, cất trong bụng chớ không cho để trong bịch. Ở đây vui lắm, hai thế hệ cha con nhà Tân, nhà Thành thay nhau tiếp khách. Chuyển giao thế hệ diễn ra êm ả quá!
Vietfish, VASEP đã tiếp tục nêu lên hình ảnh qua slogan “ASIA’S HOME OF SEAFOOD” làm gương cho các thành viên tập làm ăn bài bản hơn. Có một số DN có slogan cho mình. Có cái hay nhưng có cái chưa chuyển tải hết ý định của DN đó. Dẫu sao các DN nhà ta cũng đang đi đúng hướng. Cái cần là phải đi nhanh hơn, bù cho thời gian đã qua, quá tất bật cho sự khởi đầu chưa có điều kiện làm bài bản. Vietfish, tôi cảm nhận nơi đó có nhiều điều các thương nhân thủy sản cần biết đang diễn ra trong những ngày mở cửa. Thậm chí, các buổi hội thảo đều là những nội dung đầy tính thời sự, rất đáng là hành trang cần thiết. Tiếc là có buổi hội thảo rất đông nhưng cũng có lúc còn hơi vắng.
Tóm lại, cái nhìn của tôi, các bạn tham gia lĩnh vực kinh doanh thủy sản, hãy sắp xếp dành thời gian đến với Vietfish. Nơi đó có đủ lễ lẫn hội, rất xác thực, rất hữu ích. Một lời thân tình cám ơn Ban Tổ chức Vietfish.
TS Hồ Quốc Lực - Nguyên Chủ tịch VASEP, Chủ tịch HĐQT FIMEX VN