Năm 2020, tốc độ phát triển ngành tôm nước nhà khá tốt. Sản lượng tôm nuôi và kim ngạch xuất khẩu đạt hai con số. Thành quả này càng có ý nghĩa khi các cường quốc nuôi tôm đang vật lộn với khó khăn từ Covid-19. Diễn tiến này, nếu kéo dài vài năm, ngành tôm Việt sẽ vươn lên dẫn đầu thế giới về quy mô, doanh số.
Trong một bài viết trước đây về “EVFTA - Cơ hội và thách thức ngành tôm Việt” tôi đã phân tích rất rõ về những gì mà hiệp định này sẽ đem đến cho các DN. Nay tôi tiếp tục khẳng định lại chúng ta đã nhìn rõ mười mươi cơ hội trước mắt, song không thể không lo lắng, sốt ruột khi ngày càng nhiều thị trường đòi hỏi truy xuất nguồn gốc nhưng tỷ lệ diện tích tôm nuôi được cấp mã số còn ít. Hiện nay tất cả thị trường tiêu thụ đều đã đòi hỏi việc truy xuất nguồn gốc sản phẩm thuận lợi, rõ ràng. Tôm, một dạng thực phẩm cao cấp, thơm ngon bổ dưỡng càng được người tiêu dùng quan tâm, đòi hỏi kỹ lưỡng nội dung này.
Đầu năm 2019, tôm Việt vào Hoa Kỳ phải khai báo nguồn gốc từng lô hàng theo chương trình SIMP của họ. Mã số vùng nuôi, ao nuôi phải cung ứng trước và trước khi lô hàng xuất bến phải báo cho họ chi tiết xuất xứ lô hàng. Các thị trường lớn khác cũng tương tự như EU, Nhật Bản và gần đây là Trung quốc. Đây là một đòi hỏi chính đáng và không phải là hàng rào bảo hộ và các nhà cung cấp phải thực thi để bảo đảm hoạt động sản xuất kinh doanh của mình thông suốt. Đặc thù ngành nuôi tôm của ta là nhỏ lẻ, manh mún; ý thức người nuôi còn hạn chế… nên khi căn cứ Nghị định 26/2019/NĐ-CP ngày 8/3/2019 của Chính phủ hạn chót là ngày 25/04/2020 các cơ sở nuôi trồng thủy sản chủ lực (tôm sú, tôm thẻ chân trắng, cá tra) phải tiến hành thủ tục đăng ký xác nhận nuôi trồng, Tổng cục Thủy sản (TCTS) đã và đang gặp tất nhiều khó khăn khi triển khai thực thi Nghị định này. Khó khăn nêu trên, nếu nhìn tận tường không chỉ là khách quan, mà còn do nội tại khi xây dựng các quy định thủ tục đăng ký mà chưa lường hết tình hình thực tế.
Thủ tục cần giấy chủ quyền sử dụng đất, chính chủ, có chức năng nuôi trồng thủy sản hoặc có hợp đồng thuê dài hạn. Giấy đất của các hộ nuôi tôm đang nằm ở ngân hàng nhất là giai đoạn tôm bị dịch bệnh nghiệm trọng (2010-2015), cha mẹ chia cho con chưa tách thửa; đất chưa chuyển mục đích sử dụng qua nuôi trồng dù đã có chủ trương chung… là rào cản chủ quan. Ý thức các hộ nuôi, dù có đủ điều kiện đăng ký, nhưng không tích cực đăng ký vì các chủ hộ nuôi này không thấy quyền lợi của mình và phải làm thủ tục ở trung tâm hành chính công thì quá xa xôi… coi như là lý do khách quan.
Để khắc phục, Chi cục Thủy sản các địa phương đã có nhiều nỗ lực tuyên truyền và hỗ trợ các hộ nuôi tôm làm thủ tục đăng ký trong năm qua. Theo thông tin, Chi cục Thủy sản Sóc Trăng tích cực nhất. Qua đó Sóc Trăng có tỉ lệ hộ nuôi đăng ký mã số cao nhất, nhưng vẫn còn thấp! Tôi không viết ra con số này ở đây, bởi tôi kỳ vọng con số này đang tăng dần. Chúng ta cũng biết lúc nào cá minh thái trúng vụ, các tổ chức kinh doanh cá minh thái ở EU đã bao lần sử dụng đòn bẩn này bêu xấu cá tra của ta để tranh giành thị phần cá thịt trắng ở EU. Họ cũng nhiều lần đạt kết quả mong muốn.
Thiết nghĩ, hiện nay TCTS đang nỗ lực tối đa tìm giải pháp để thúc đầy công tác cấp mã số cơ sở nuôi tôm. Nhất là trong bối cảnh giao thời, có thể cho các chủ cơ sở nuôi tôm “nợ” một số thủ tục về giấy đất, song song các cơ quan chức năng liên quan sẽ hỗ trợ tích cực để hoàn thiện bổ sung thủ tục đó. Ý thức hộ nuôi về trách nhiệm của mình không chỉ qua tuyên truyền suông, các doanh nghiệp chế biến nên chung tay với ngành để tháo gỡ khó khăn phức tạp này, trong đó các doanh nghiệp chế biến sẽ hưởng lợi không nhỏ. Sự chung tay thể hiện ở việc nhằm khuyến khích các hộ nuôi thu mua tôm có thưởng thêm trong giá mua tại các cơ sở nuôi đã được cấp mã số chẳng hạn. Còn tôm các hộ nuôi chưa có mã số thì bán vào các thị trường nhỏ lẻ sẽ được mua với giá thấp hơn.
Tóm lại, ngành tôm đang đứng trước thời cơ tăng tốc. Tuy nhiên, để bảo đảm sự phát triển bền vững cần có sự chuẩn bị đồng bộ. Trong đó, một yếu tố cực kỳ quan trọng là truy xuất nguồn gốc. Việc này gắn liền công tác cấp mã số cơ sở nuôi. Tất cả ngành đang trông chờ cơ quan chức năng. Rõ ràng là chuyện quá khó, nhưng không thể chậm hơn. Các doanh nghiệp tôm, người đang đứng mũi chịu sào cho sự tăng trưởng này nên nêu lên tiếng nói và tốt hơn là ý thức sẻ chia công việc này với cơ quan chức năng, càng sớm càng tốt.