VASEP kêu gọi doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân chung tay ủng hộ đồng bào miền Trung

(vasep.com.vn) Ngày 16/10/2020, Hiệp hội Chế biến và XK Thủy sản Việt Nam (VASEP) đã gửi Thư ngỏ kêu gọi các tổ chức, doanh nghiệp thủy sản và các cá nhân chung tay đóng góp ủng hộ đồng bào miền Trung đang gặp khó khăn do bị bão lụt. Đây là hành động thiết thực của cộng đồng doanh nghiệp VASEP cùng tấm lòng hướng về khúc ruột miền Trung và ủng hộ đồng bào trong cơn hoạn nạn.

Ngay sau khi VASEP phát động chương trình này, Công ty Cổ phần Vĩnh Hoàn (Vinh Hoan Corp) đã gửi lời cảm ơn tới Hiệp hội vì đã kêu gọi đầy ý nghĩa tới những tổ chức và cá nhân có tấm lòng nhân ái. Công ty đã đóng góp 500 triệu đồng cứu trợ với mong muốn chia sẻ yêu thương đến những những gia đình miền Trung đang gặp nhiều khó khăn.

Cho tới ngày 23/10/2020, ngoài Vinh Hoan Corp, nhiều DN thủy sản hội viên, tổ chức và cá nhân vẫn tiếp tục chung tay cùng VASEP để hưởng ứng chương trình ý nghĩa này.

Từ giữa tháng 9 đến nay, ba trận bão và hai áp thấp nhiệt đới xảy ra liên tiếp trên biển Đông, gây mưa lớn trên 1.000mm từ ngày 6 - 13/10, riêng tỉnh Quảng Trị lượng mưa lên đến 1.000 - 2.000 mm, đặc biệt tại Thừa Thiên Huế mưa tới 1.900 - 2.300 mm. Một số trạm vượt tổng lượng mưa lịch sử năm 1999 như: Bạch Mã: 2.869mm, Hồ Khe Ngang: 2.276mm, A Lưới: 2.290mm, tại Thượng Nhật cường suất mưa lớn nhất lên tới 719mm/ngày.

Lũ lớn xảy ra trên toàn bộ 14 tuyến sông chính, trong đó 10 tuyến sông ở mức báo động 3 đến trên báo động 3 xấp xỉ 2 m tại các tỉnh từ Quảng Bình đến Quảng Nam, đặc biệt trên sông Bồ, tỉnh Thừa Thiên Huế và sông Hiếu, sông Ô Lâu, tỉnh Quảng Trị đã vượt mực nước lũ lịch sử.

Hiện nay, một áp thấp nhiệt đới đang hoạt động trên biển Đông, dự báo sẽ gây mưa rất lớn (từ 300-800mm) cho các tỉnh miền trung, nguy cơ lũ chồng lũ với các tỉnh vừa bị thiệt hại nặng nề.

Theo đánh giá của Bộ NN&PTNT, lũ lên cao gây ngập lụt sâu trên diện rộng làm nhiều vùng dân cư bị chia cắt, giao thông bị cô lập, hàng chục người chết và mất tích, hàng trăm căn nhà bị sập đổ, hư hỏng, ngập nước, khoảng hơn 7 triệu người dân trong khu vực lâm vào cảnh khó khăn; hàng nghìn ha lúa, hoa màu bị thiệt hại; mất trắng hàng nghìn gia súc, gia cầm, hàng trăm ha diện tích thủy sản; cùng nhiều tuyến đường, cầu cống và nhiều công trình thủy lợi, điện lực, viễn thông bị hư hỏng sập trôi... thiệt hại vẫn chưa thể ước tính hết. Tình hình mưa lũ này khiến cho toàn bộ lưu vực 6 tỉnh Trung Trung bộ vượt mốc lịch sử, ngập sâu 212 xã, 240.000 hộ dân bị ảnh hưởng.

Cho thời điểm này, tại Quảng Bình, trận lũ đã làm sạt lở nhiều đoạn đường tỉnh lộ 526; hàng trăm mét bờ biển và bờ kè các quán, lán tại bãi biển Đá Nhảy, xã Thanh Trạch, khối lượng đất sạt lở khoảng 250m3...; nhiều công trình ngầm tràn, kè, cống, cột điện, đê, đường giao thông, trường học... bị hư hỏng gãy đổ và thiệt hại trong dân chưa thể thống kê hết. Hoạt động khai thác tàu thuyền thủy sản ngưng hoàn toàn.

Tại Huế, do ảnh hưởng của bão số 5 và mưa lớn kéo dài, tại nhiều địa phương ven biển đã xuất hiện tình trạng sạt lở đê, bờ kè, bờ biển ngày càng nghiêm trọng.

Tại cuộc họp triển khai công tác ứng phó diễn biến bão số 8 ngày 21/10, tại Hà Nội của Ban Chỉ đạo TW về Phòng, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường đề nghị, trước khả năng mưa lớn tiếp diễn tại các tỉnh miền Trung từ ngày 25 - 26/10, các địa phương ven biển miền Trung cần tập trung rà soát, triển khai các biện pháp bảo đảm an toàn cho hồ đập. Sẵn sàng phương án di dân vùng có khả năng chịu ảnh hưởng của mưa lũ, lũ quét, sạt lở đất… Theo Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường, tất cả hệ thống hồ chứa miền Trung đã cơ bản đầy nước. Do đó an toàn hồ chứa cần đặt trong tầm kiểm soát chặt chẽ nhất. Đặc biệt là các hồ nhỏ, nếu không chú ý, để xảy ra sự cố thì sẽ là thảm hoạ.

Đợt mưa lũ vừa qua là thiệt hại lớn nhất trong lịch sử 10 năm trở lại đây dù các cơ quan TW và địa phương chủ động ứng phó nhưng thiệt hại vẫn nặng nề.

Hiện tại, toàn bộ các hoạt động khai thác, chế biến thủy sản của các nhà máy thủy sản tại miền Trung vẫn đang ngừng hoạt động, hàng ngàn ha mặt nước nuôi trồng thủy sản đã bị mất trắng. Không chỉ người dân, ngư dân mà các DN chế biến thủy sản tại các địa phương này cũng đang gặp rất nhiều khó khăn. 

Chia sẻ:


Bình luận bài viết

Tin cùng chuyên mục

  • Trang chủ - Right- BOTTOM
  • Trang chủ - Right - BOTTOM