Nghị định 38 đang làm tăng chi phí và tạo gánh nặng cho doanh nghiệp

(HQ Online)- Ý kiến trên được các doanh nghiệp đưa ra tại Hội thảo An toàn thực phẩm từ quy định đến thực tiễn quản lý vấn đề vướng mắc và kỳ vọng sửa đổi tại Nghị định sửa đổi Nghị định 38 do Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam tổ chức tại Hà Nội ngày 30/6.

“Hòn đá” ngáng chân

Phát biểu tại hội thảo, ông Nguyễn Hoài Nam, Phó Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) cho biết, Luật An toàn thực phẩm năm 2010 và Nghị định 38/2012/NĐ-CP ngày 25/4/2012 quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật An toàn Thực phẩm được ban hành đã góp phần tháo gỡ khó khăn của doanh nghiệp trong thực thi Pháp lệnh An toàn Thực phẩm trước đây. Tuy nhiên, sau hơn 4 năm thực hiện Nghị định 38/2012/NĐ-CP, cộng đồng các doanh nghiệp thực phẩm đã gặp phải một số vướng mắc, bất cập, làm tăng chi phí bất hợp lý và tạo gánh nặng hành chính đối với doanh nghiệp.

Theo ông Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, trong hoạt động quản lý chuyên ngành, các quy định về quản lý chất lượng sản phẩm, hàng hóa và an toàn thực phẩm hiện là mối quan tâm của nhiều doanh nghiệp. Thực tế cho thấy còn có nhiều vướng mắc, bất cập trong việc thực hiện các quy định này. Và theo ông Cung, tình trạng mất an toàn thực phẩm và yêu cầu bảo vệ người tiêu dùng là vấn đề nóng hiện nay, cần có nhiều giải pháp để ngăn chặn tình trạng này, trong đó có giải pháp tăng cường sự quản lý của nhà nước. Nhưng điều này không có nghĩa là duy trì quy định “Công bố phù hợp quy định an toàn thực phẩm”, bởi qua hơn 5 năm thực hiện quy định này cho thấy, đây không phải là giải pháp có tác dụng tăng cường quản lý nhà nước.

Cộng đồng doanh nghiệp đã nhiều lần, nhiều nơi, nhiều năm kêu về thủ tục “Chứng nhận phù hợp với quy định an toàn thực phẩm” nhưng vẫn chưa được giải quyết. Trong khi, quy định này không phù hợp với Luật vệ sinh an toàn thực phẩm cũng như Luật về tiêu chuẩn, quy chuẩn chất lượng. Và trong việc thi hành Nghị định 38 các doanh nghiệp đang vướng mắc ở 2 thủ tục hành chính. Cụ thể là, “Chứng nhận phù hợp với quy định an toàn thực phẩm” và “Chứng nhận phù hợp quy chuẩn”.

“Và theo tôi thủ tục Chứng nhận phù hợp với quy định an toàn thực phẩm không phù hợp với Luật Vệ sinh an toàn thực phẩm cũng như Luật về tiêu chuẩn, quy chuẩn chất lượng", ông Cung nhấn mạnh.

Theo đại diện của Hiệp hội Thương mại Hoa Kỳ tại Việt Nam (Amcham), Nghị định 38 đang quy định thủ tục đăng ký công bố hợp quy của các cá nhân, tổ chức có liên quan với cơ quan nhà nước có thẩm quyền và được cấp, cấp lại, cấp đổi “Giấy Tiếp nhận bản công bố hợp quy” có quy trình và tính chất như một hình thức cấp “Giấy phép con”. Đồng thời, cách quản lý như vậy cũng không phù hợp với thông lệ quốc tế, trong thủ tục hành chính thì hồ sơ quá nhiều, điều kiện không rõ ràng thậm chí rất tuỳ tiện, trình tự thủ tục quá nhiều. Cách thức quản lý như vậy vừa trái luật, vừa không hiệu lực và gây phiền hà, tốn kém rất nhiều cho doanh nghiệp. Đặc biệt là tạo nhiều quyền hạn cho cơ quan quản lý.

 

Như vậy, việc công bố giấy phép an toàn thực phẩm hoàn toàn là thủ tục hành chính, không đánh giá được sản phẩm có an toàn cho người sử dụng hay không. Đây thực chất là cơ chế xin – cho chứ không đóng vai trò quản lý được tình hình an toàn thực phẩm. Và thủ tục “công bố phù hợp quy định an toàn thực phẩm” là trái cả 3 Luật An toàn thực phẩm, Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật và Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật 2015.

Doanh nghiệp “nặng gánh”

Có cùng quan điểm, ông Đậu Anh Tuấn Trưởng ban pháp chế VCCI cho rằng, việc các doanh nghiệp phải thực hiện thủ tục cấp Giấy chứng nhận phù hợp với vệ sinh an toàn thực phẩm là chưa có cơ sở rõ ràng, thời gian thực hiện thủ tục quá lâu. Có doanh nghiệp cho biết họ mất 6 tháng để được cấp Giấy chứng nhận trong khi thông thường chỉ 7 ngày và Nghị định 38 cũng quy định thủ tục cấp phép phải xong trong tối đa 30 ngày làm việc (tương đương 1,5 tháng).

Trong nhiều năm qua, cộng đồng doanh nghiệp đã nhiều lần kiến nghị xem xét cấp giấy phép này bởi nặng tính chủ quan, thủ tục hành chính mà có quá nhiều thủ tục khi đã hậu kiểm chất lượng sản phẩm cuối cùng mà còn yêu cầu doanh nghiệp nộp hồ sơ cho từng loại nguyên liệu nhập khẩu làm tăng gánh nặng cả về tài chính lẫn thời gian cho doanh nghiệp.

Không những cộng đồng doanh nghiệp kiến nghị sửa đổi và Chính phủ cũng đã nhiều lần ra nghị quyết yêu cầu sửa đổi. Trong Nghị quyết số 19 đã yêu cầu bổ sung sửa đổi Nghị định này, Phó Thủ tướng và Bộ Y tế cũng đã yêu cầu rà soát sửa đổi, đơn giản hoá thủ tục nhưng đến bây giờ vẫn chưa sửa đổi. Thậm chí, trong Nghị định 38 sửa đổi thì điểm này vẫn chưa được rà soát.

Vì vậy ông Phạm Thanh Bình, Chuyên gia cấp cao của Dự án USAID GIG kiến nghị, trường hợp doanh nghiệp tự công bố thì việc có cần kiểm nghiệm hay không là do doanh nghiệp quyết định. Nếu doanh nghiệp có cơ sở để tin rằng sản phẩm đáp ứng QCVN (ví dụ sản phẩm đã mang nhãn hiệu nổi tiếng, sản phẩm được sản xuất từ nguồn nguyên liệu sạch, người nhập khẩu đã trực tiếp kiểm tra từ gốc…) và cam kết chịu trách nhiệm trước pháp luật nếu sản phẩm không đáo ứng quy định của pháp luật thì không nhất thiết phải kiểm nghiệm.

Về vấn đề phải kiểm tra từng lô hàng, theo ông Bình cần miễn kiểm tra đối với sản phẩm đáp ứng đầy đủ các tiêu chí: Đã công bố hợp quy, do người có lịch sử tuân thủ tốt pháp luật về an toàn thực phẩm nhập khẩu, mặt hàng quen thuộc, tại thời điểm làm thủ tục nhập khẩu không có các dấu hiệu, thông tin về rủi ro an toàn thực phẩm. Việc kiểm tra được thực hiện tại khâu lưu thông.

Miễn kiểm tra hoặc không kiểm tra tại khâu thông quan, thực hiện kiểm tra tại khâu lưu thông đối với sản phẩm, hàng hóa chế biến sâu, bao gói công nghiệp. Đặc biệt, là kiến nghị bãi bỏ quy định về hợp pháp hóa lãnh sự các chứng chỉ do trái với các hiệp định tự do thương mại mà Việt Nam đã ký kết (TF/WTO, EVFTA, TPP). 

Xuân Thảo 

Chia sẻ:


Bình luận bài viết

Tin cùng chuyên mục

  • Trang chủ - Right- BOTTOM
  • Trang chủ - Right - BOTTOM