Kiến nghị xem xét thu thuế các chi phí cộng thêm vào trị giá hải quan

(vasep.com.vn) Ngày 20/3/2018, Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP) đã gửi Công văn số 42/2018/CV-VASEP tới Tổng cục Hải quan kiến nghị xem xét việc thu thuế các chi phí cộng thêm đối với phí CIC, DO, vệ sinh container theo công văn số 1237/TCHQ-TXNK ngày 8/3/2018 của Tổng cục Hải quan.

Vừa qua, VASEP đã nhận được phản ánh của các DN hội viên liên quan đến bất cập do thu thuế các chi phí cộng thêm vào trị giá hải quan theo công văn số 1237/TCHQ-TXNK ngày 8/3/2018 của Tổng cục Hải quan về phí CIC, DO, vệ sinh container.

Bất cập về mặt pháp lý

Tại Nghị định 08/2015/NĐ-CP của Chính phủ ngày 21/1/2015 quy định chi tiết và biện pháp thi hành luật Hải quan về thủ tục Hải quan, kiểm tra, giám sát, kiểm soát Hải quan tại Khoản 2 Điều 20 đã ghi rõ: Đối với hàng hóa nhập khẩu: Trị giá Hải quan hàng nhập khẩu là giá thực tế phải trả tính đến cửa khẩu nhập đầu tiên.”

Thông tư 39/2015/TT-BTC ngày 25/3/2015 của Bộ Tài chính quy định về trị giá Hải quan đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu tại Khoản 2 Điều 5 cũng quy định: Phương pháp xác định: Giá thực tế phải trả tính đến cửa khẩu nhập đầu tiên.”

Như vậy, cơ sở để xác định trị giá Hải quan là giá thực tế (bao gồm tiền hàng + cước, phí liên quan đến việc vận tải lô hàng đó tính đến cảng đầu tiên của Việt Nam).

Tại Điểm a, khoản 1, Điều 13 Thông tư 39/2015/TT-BTC cũng ghi rõ: “Chỉ điều chỉnh cộng nếu đáp ứng đủ các điều kiện do người mua thanh toán và chưa được tính trong trị giá thực tế đã thanh toán hay sẽ phải thanh toán”.

Để xem xét giá thực tế mà DN mua và thanh toán theo hợp đồng với đối tác nước ngoài đã bao gồm các khoản cước, phí liên quan đến việc vận tải lô hàng đó về Việt Nam hay chưa thì phải xem xét đến điều kiện mua hàng của lô hàng đó. Nếu điều kiện mua hàng đã bao gồm cước, phí tính trong lô hàng đó rồi thì không thể cộng thêm vào trị giá Hải quan (mà phải trừ ra nếu phí đó được DN thanh toán tại Việt Nam).

Như vậy, nếu DN ký hợp đồng mua hàng với các điều kiện đã bao gồm cước, phí vận tải như: CFR, CIF….thì rõ ràng tất cả các cước, phí…liên quan đến lô hàng là người bán đã tính hết vào giá bán của lô hàng đó để người mua thanh toán, và người bán đã thanh toán toàn bộ cước, phí có liên quan đến việc vận chuyển lô hàng đó đến cảng Việt Nam. Nếu cơ quan Hải quan cộng thêm 1 lần nữa các loại phí này vào trị giá Hải quan thì vô hình dung phí này đã được cộng vào giá 2 lần, không phản ánh đúng giá thực tế thanh toán. 

Trong trường hợp DN mua hàng với điều kiện đã bao gồm cước, phí rồi (CFR, CIF….), nhưng vẫn phải thanh toán cước, phí đó tại đầu Việt Nam thì khi tính trị giá Hải quan, cơ quan Hải quan phải trừ ra phần cước, phí mà DN phải thanh toán tại đầu Việt Nam. Đây là các khoản phải trừ theo qui định tại điểm c, khoản 2 điều 15 Thông tư 39/2015/TT-BTC.

Như vậy, các phí CIC, DO, vệ sinh container đều là các phí phát sinh sau khi hàng về cảng và thanh toán tại Việt Nam, không phải là phí mà DN trả khi hàng còn chưa đến cảng. Chỉ khi DN làm thủ tục nhận container thì hãng tàu mới thu các phí này. Do đó, căn cứ theo khái niệm trị giá Hải quan là các chi phí phải thanh toán trước khi hàng đến cửa khẩu nhập đầu tiên như các quy định nói trên thì các phí này không phát sinh trước khi đến cửa khẩu nhập đầu tiên mà phát sinh sau khi hàng đã đến cửa khẩu nên không phù hợp để tính vào trị giá Hải quan của lô hàng đó. Mặt khác, trong nhiều trường hợp lô hàng mua theo các điều kiện đã bao gồm cước, phí vận tải (CFR, CIF,…) thì việc tính các phí CIC, DO, vệ sinh container vào trị giá Hải quan chính là cộng thêm vào giá 2 lần các phí này.

Bất cập về mặt thực tiễn

Các loại phí này khi thu, hãng tàu đều phát hành hoá đơn VAT. Như vậy nếu cơ quan Hải quan yêu cầu cộng thêm phí này vào trị giá tính thuế thì sẽ khiến số thuế VAT của phí này bị nhân đôi lên vì khi cộng vào trị giá tính thuế trên tờ khai Hải quan thì số thuế VAT trên tờ khai sẽ đội lên tương ứng.

Nhiều trường hợp, các loại phí này DN chỉ biết chính xác khi làm thủ tục nhận container tại hãng tàu, như vậy trước đó DN không thể biết chính xác trị giá các phí này là bao nhiêu để khai vào tờ khai và nếu có khai cũng như không có chứng từ đính kèm để chứng minh giá trị mà DN khai là đúng. Do đó, hậu quả là DN sẽ phải khai đi khai lại rất nhiều lần.

Với phí CIC/EIS: Phí này hiện nay đa phần chỉ phát sinh khi DN nhập hàng từ các nước trong khu vực Đông Nam Á.  Không phải hãng tàu nào cũng có phí này. Các hãng tàu lớn có lượng hàng xuất khẩu, nhập khẩu ở các nước cân đối thì không xảy ra trường hợp mất cân bằng container nên không phát sinh phí này. Như vậy, nếu phí này liên quan đến vận chuyển thì phải thuộc diện không chịu thuế VAT giống như cước tàu (tức là thuế VAT = 0%).  Nhưng trong thực tế, phí này đang chịu mức thuế VAT 10%. 

Với phí vệ sinh container: DN xác định được số tiền trước khi khai Hải quan. Nếu phí này liên quan đến vận chuyển thì phí này phải thuộc diện không chịu thuế VAT giống như cước tàu(tức là thuế VAT = 0%). Nhưng trong thực tế, phí này đang chịu mức thuế VAT 10%. Đối với phí vệ sinh container chuyên dụng (hay còn gọi là phí vệ sinh container công nghiệp), DN chỉ biết mức phí sau khi đã dỡ hàng và trả container rỗng (tức là sau khi hàng đã đến cảng nhập khẩu rồi).

Phí D/O: Nếu phí này liên quan đến vận chuyển thì phải thuộc diện không chịu thuế VAT giống như cước tàu (tức là thuế VAT = 0%). Nhưng trong thực tế, phí này đang chịu mức thuế VAT 10%. 

Ngày 20/3/2018, Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP) đã gửi Công văn số 42/2018/CV-VASEP tới Tổng cục Hải quan kiến nghị xem xét việc thu thuế các chi phí cộng thêm đối với phí CIC, DO, vệ sinh container theo công văn số 1237/TCHQ-TXNK ngày 8/3/2018 của Tổng cục Hải quan. Trong đó, VASEP kiến nghị:

(1) Đối với phí CIC/EIS: Hiện tại phí này có thuế VAT, cho nên nếu chưa có hướng dẫn quy định thuế VAT 0% cho loại phí này thì đề nghị Tổng cục Hải quan không truy thu và không kiểm tra sau thông quan đối với  phí này.

(2) Đối với phí vệ sinh container: các quy định cần phân biệt rõ nếu các loại phí này đã nằm trong giá mua với điều kiện bao gồm cước, phí rồi thì không được cộng thêm vào trị giá Hải quan, trong đó với phí vệ sinh container thông dụng nếu chưa có hướng dẫn nào đồng ý VAT 0% cho loại phí này thì không truy thu và không kiểm tra sau thông quan phí này như  quy định trong công văn số 1237/TCHQ-TXNK. Còn với phí vệ sinh chuyên dụng thì đề nghị không đưa vào trị giá tính thuế mà áp dụng theo luật thuế VAT như hiện nay.

(3) Đối với phí DO: đề nghị không cộng phí này vào trị giá tính thuế vì không liên quan đến cước tàu và phí này cũng đang áp dụng mức VAT 10%.

Chia sẻ:


Bình luận bài viết

Tin cùng chuyên mục

  • T1
  • Trang chủ - Right- BOTTOM
  • Trang chủ - Right - BOTTOM