(vasep.com.vn) Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ cam kết luôn sát cánh, chia sẻ, động viên, tiếp thu tối đa các ý kiến của các tổ chức hiệp hội, cộng đồng doanh nghiệp để xây dựng và phát triển cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân hùng mạnh và đoàn kết.
Điều này được Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh trong phát biểu tại buổi gặp mặt giữa Thường trực Chính phủ với đại diện giới doanh nhân Việt Nam diễn ra chiều ngày 11/10/2023 tại Hà Nội.
Theo Thủ tướng, ngày 13/10 hằng năm - Ngày Doanh nhân Việt Nam là dịp để chúng ta cùng tri ân, vinh danh các doanh nghiệp, doanh nhân có đóng góp vào sự nghiệp đổi mới và phát triển đất nước. Đội ngũ doanh nhân và cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam đóng vai trò hết sức quan trọng trong sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước.
Các doanh nghiệp, doanh nhân có mặt ở hầu hết các ngành nghề, lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, hoạt động không chỉ trong nước mà nhiều doanh nghiệp, doanh nhân đã gây được tiếng vang, khẳng định giá trị thương hiệu vươn tầm ra khu vực và thế giới, góp phần đưa thương hiệu Việt ra toàn cầu và nâng cao vị thế nước ta trên trường quốc tế. Bên cạnh hoạt động sản xuất kinh doanh, đội ngũ doanh nhân cũng luôn thể hiện trách nhiệm xã hội.
Dự báo những khó khăn, thách thức của kinh tế thế giới và tình hình trong nước, Thủ tướng cho biết thời gian tới, Chính phủ sẽ tổ chức triển khai hiệu quả Nghị quyết 41 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát huy vai trò đội ngũ doanh nhân Việt Nam trong thời kỳ mới, tập trung vào 8 nhóm nhiệm vụ, giải pháp.
Thứ nhất, tiếp tục ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng, ổn định được các cân đối lớn của nền kinh tế.
Thứ hai, tiếp tục đẩy mạnh cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh công bằng, thông thoáng, bình đẳng và minh bạch; bãi bỏ các rào cản, quy định về điều kiện kinh doanh không cần thiết, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính.
Thứ ba, tiếp tục tháo gỡ những điểm nghẽn trong huy động nguồn lực, sản xuất kinh doanh; tiếp tục tạo thuận lợi, tăng tiếp cận tín dụng cho người dân, doanh nghiệp; hướng tín dụng vào các lĩnh vực ưu tiên, động lực tăng trưởng; tạo dựng và củng cố niềm tin, tâm lý, cảm hứng kinh doanh;
Thứ tư, thúc đẩy phát triển mạnh mẽ các loại thị trường, an toàn, lành mạnh, minh bạch như: thị trường vốn, bất động sản, lao động đặc biệt là thị trường lao động chất lượng cao
Thứ năm, Chính phủ yêu cầu các Bộ, ngành, địa phương rà soát lại các vướng mắc khó khăn hiện nay của các doanh nghiệp; có kế hoạch xử lý kịp thời, hiệu quả, giải quyết dứt điểm các vướng mắc đã tồn tại từ lâu gây cản trở cho hoạt động của doanh nghiệp.
Thứ sáu, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công để nguồn vốn này thực sự trở thành động lực quan trọng cho tăng trưởng kinh tế.
Thứ bảy, đẩy mạnh triển khai có hiệu quả và thực chất Luật Hỗ trợ Doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Thứ tám, tăng cường triển khai hiệu quả các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, đặc biệt là các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp sớm phục hồi và hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới mô hình kinh doanh dựa trên xu thế chuyển đổi số, chuyển đổi năng lượng, chuyển đổi xanh, các mô hình kinh doanh bao trùm, tuần hoàn…
Tại buổi Gặp mặt của Thường trực Chính phủ với đại diện Doanh nhân, một số vấn đề của ngành thủy sản cũng được đề cập đến như gỡ thẻ vàng IUU, chương trình tín dụng ưu đãi đối với ngành thủy sản…Đại diện VASEP và cộng đồng DN thuỷ sản cũng có mặt tại Trụ sở Chính phủ để tham dự buổi Gặp mặt.