Cá tra Việt Nam và lời bôi nhọ thiếu căn cứ

(vasep.com.vn) Đầu năm 2017, Đài truyền hình Cuatro TV, Tây Ban Nha đã phát sóng chương trình “El Punto de Mira” với nội dung chứa đựng thông tin không chính xác và có ý bôi nhọ hình ảnh của cá tra Việt Nam được nuôi trên dòng sông Mekong.

Phóng sự về cá tra Việt Nam nằm trong chương trình thời sự toàn cảnh 360o tập trung vào các phóng sự điều tra các vấn đề kinh tế - xã hội. Chương trình về cá tra lần này được giới thiệu do phóng viên Ricardo Pardo của Đài truyền hình hình Cuatro (nằm trong Tập đoàn truyền thông Telecinco) trực tiếp đến các cơ sở nuôi cá tra ở Đồng bằng sông Mekong thực hiện. Phóng sự đã đưa những hình ảnh họ tới quay theo mục đích và kịch bản có sẵn tại một số cơ cở nuôi trồng cá tra, có đối chiếu với một số cơ sở nuôi trồng tại Tây Ban Nha để thấy ở Tây Ban Nha chất lượng tốt hơn. Ngoài ra họ cũng điều tra về tình hình kiểm soát phân phối và tiêu thụ cá tra tại Tây Ban Nha, trong đó có việc một số nơi bán cá tra đội lốt cá khác để bán giá cao hơn.

Sau phóng sự này, chuỗi siêu thị bán lẻ châu Âu Carrefour đã tuyên bố sẽ ngừng bán cá tra tại các cửa hàng của Tây Ban Nha và Bỉ, cũng như trên các quầy tươi ở Pháp mặc dù EU đảm bảo không có vấn đề về sức khỏe với việc ăn cá. Điều đáng lo ngại chính là nhận thức tiêu cực về cá tra vẫn còn tồn tại, bất chấp việc ngành nuôi trồng cá tra đã phát triển đến mức chuyên nghiệp hóa và chất lượng sản phẩm đã được nhiều tổ chức quốc tế chứng nhận.

Như vậy, việc truyền thông nhằm bôi nhọ cá tra – đối thủ cạnh tranh mạnh mẽ nhất với các sản phẩm cá thịt trắng bản địa đã được thực hiện thành các chiến dịch ở nhiều nước Châu Âu từ năm 2010 đến nay lại tiếp tục.

Cuối năm 2016, tại “Diễn đàn chính sách thương mại - An toàn vệ sinh thực phẩm: Cơ hội và thách thức đối với DN XK Việt Nam” do Cục Xúc tiến Thương mại (Bộ Công Thương), ông Jean Charles Diener, Giám đốc - Người sáng lập OFCO Sourcing Việt Nam đã nhắc lại: Cá tra Việt Nam được công nhận có những thế mạnh về giá cả phải chăng, hương vị thơm, đã được rút xương và dễ chế biến, cạnh tranh mạnh mẽ với các sản phẩm cá thịt trắng bản địa. Nhưng chính vì tiêu chí giá rẻ đã khiến cá tra Việt Nam bị một số nhóm cạnh tranh lợi ích với cá tra tại Đức, Pháp, Tây Ban Nha truyền thông tiêu cực trong nhiều năm từ năm 2010.

Năm 2011, một kênh truyền hình tại Đức đăng tải một bộ phim tài liệu về cá tra, mô tả loài cá này là rẻ tiền, chất lượng thấp, được nuôi ở vùng nước ô nhiễm. Doanh số vào thị trường này sau đó đã sụt giảm tới 25%, Klaas Jan Mazereeuw từ Seafood Connection phát biểu vào năm 2013.

Năm 2012, nhập khẩu cá tra của châu Âu giảm 20%, và Mazereeuw nhận định các vấn đề về kháng sinh, chất lượng nước, thức ăn không bền vững và chất thải từ các ao nuôi có thể là nguyên nhân cho việc sụt giảm đó.

Sau sự việc cá tra Việt Nam lại tiếp tục bị bôi xấu, mới đây, ông Simon Bush, Giáo sư Nghiên cứu Chính sách Môi trường tại Wageningen University cho rằng: “Pangasius đã là chủ đề gây quan ngại về an toàn thực phẩm và an ninh môi trường, nhưng nếu xem xét kỹ thì các lời cáo buộc đó đều thiếu căn cứ.”

“Phân tích của chúng tôi cho thấy các cáo buộc quyết liệt về cá pangasius không phù hợp với kết quả của các nghiên cứu khoa học  đó là, cá tra có rủi ro về an toàn thực phẩm rất hạn chế và ảnh hưởng đến môi trường hạn chế. Trong thực tế, pangasius là một loại cá tương đối mới ở thị trường phương Tây, nhưng chiếm một phân khúc quan trọng trong lĩnh vực bán lẻ và các các điểm bán dịch vụ thực phẩm, do đó có lẽ đã trở thành nạn nhân của chính sự thành công của nó.

Trước nhiều thông tin tiêu cực xung quanh hoạt động nuôi cá tra hiện tại, Liên minh Nuôi trồng Thủy sản Toàn cầu (GAA) đảm bảo rằng cá tra được nuôi theo phương thức có trách nhiệm và tuân thủ các tiêu chuẩn an toàn thực phẩm khắt khe. Người tiêu dùng có thể yên tâm lựa chọn cá tra.

GAA cho rằng các nhà sản xuất cá tra được chứng nhận BAP phải trải qua các cuộc kiểm tra an toàn thực phẩm và xem xét mức độ liên quan tới môi trường nghiêm ngặt. Những nhà sản xuất này luôn chú trọng đến việc tuân thủ các yêu cầu này. GAA chỉ ra rằng các chiến dịch chống cá tra thường bắt nguồn từ các nhóm lợi ích cạnh tranh, rất dễ bóp méo sự thật. Những thông tin tiêu cực trong những chiến dịch chống cá tra đã bị các nghiên cứu khoa học và truyền thông phản đối.

Sau khi Đài truyền hình Tây Ban Nha phát sóng chương trình này và nhà bán lẻ Châu Âu quyết định ngừng bán cá tra Việt Nam các DN XK cá tra Việt Nam thực sự bất bình và không khỏi lo lắng. Các tổ chức chứng nhận quốc tế về chất lượng và môi trường như: BAP, ASC cũng đã lên tiếng không tán thành việc này. VASEP đã gửi thư phản đối những thông tin sai lệch của phóng sự của Đài Truyền hình Tây Ban Nha và chứng minh sự tiến bộ, tính an toàn trong mọi hoạt động nuôi đến chế biến cá tra tại Việt Nam.

Chia sẻ:


Bình luận bài viết

Tin cùng chuyên mục

  • T1
  • Trang chủ - Right- BOTTOM
  • Trang chủ - Right - BOTTOM