MÙA TÔM MẶN

Năm 2020, đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) trải qua trận xâm nhập mặn, đánh giá khốc liệt hơn đợt mặn 4 năm trước. Năm 2016, khoảng tháng 3 mới thấy rõ diễn tiến xâm nhập mặn, lần này ngay đầu tháng 12 năm trước, mặn đã về.

Mặn đã vào sâu nội địa, cá biệt có nơi cả trăm km khiến nhiều địa phương thiếu nước ngọt sinh hoạt, nổi cộm là Bến Tre.

Nhiều nơi có cách ứng phó hạn mặn, theo kinh nghiệm, theo hoàn cảnh, theo ý chí chính quyền địa phương. Như ngăn chặn các sông, kênh nhánh, đợi nước ròng hoặc nước kém lúc không còn độ mặn trong nước thì bơm nước vào chứa bên trong. Nơi không làm được thì lấy ghe ra sông, cũng tìm nơi không mặn, bơm nước vào ghe mang về xài hay tưới vườn. Có 5 tỉnh ven biển đã công bố thiên tai. Thủ tướng đi giám sát tình hình, đã phải chi tiền cho các tỉnh này.

Mặn ảnh hưởng đời sống, sản xuất... Mặn làm các vườn cây bạc tỷ xum xuê nay héo lá nếu không tìm được cách khắc phục kịp thời. Mặn làm hàng chục ngàn hecta lúa đang trổ bông bị nghẹn đồng, làm thức ăn cho trâu bò. Ở các tỉnh miền Trung thì nắng nóng cũng làm khô nứt các cánh đồng, làm các trang trại cây công nghiệp lao đao, làm các cánh rùng trở nên khô khốc dễ bị sự cố.

Trong khó khăn mới thấy sự năng động. Các nhà kỹ thuật nhanh tay. Có các máy lọc nước ngọt khoảng nửa có tác dụng rất hay. Bởi có thể cung ứng cho cả trăm gia đình hay cứu một vườn cây trung bình. Có những gia đình may mắn có nguồn nước ngầm không bị nhiễm mặn đã ngày đêm cung ứng miễn phí nước ngọt cho bà con ai có nhu cầu. Có nhiều xe chở nước ngọt do các đơn vị quân đội, doanh nghiệp vận chuyển cung ứng vùng khó khăn, miễn phí… Thật là nghĩa cử cao đẹp, đáng tuyên dương!

Ngành nuôi tôm, tưởng xâm nhập mặn không gây ảnh hưởng gì, bởi bản chất tôm thẻ chân trắng đang nuôi là từ biển. Mặn lên sớm, các con sông cung nước nuôi có độ mặn gấp đôi cùng kỳ năm rồi, khoảng 20 phần ngàn. Thời tiết nóng, thuận lợi cho tôm sinh trưởng, cho nên một bộ phận người nuôi đã thả giống sớm. Việc thả giống còn theo “thói quen” từng vùng. Phía Bắc sông Hậu thả giống sớm trong năm, phát triển khá ổn định, đang vào giai đoạn thu hoạch. Phía Nam sông Hậu thả giống trễ hơn, từ đầu năm và kéo dài tới rớt hột mưa. Vùng Bạc Liêu và Cà Mau, có diện tích nuôi quảng canh, quảng canh cải tiến rất lớn có cách thả giống riêng của mình. Thông thường sẽ cải tạo sau lúc cuối mùa nắng và thả nuôi kéo dài cả năm.

Vùng Sóc Trăng, theo số liệu từ cơ quan chức năng, đến thời điểm này thả giống trên 6.000 hecta, chiếm gần 15% diện tích nuôi. Sóc Trăng là tỉnh có diện tích nuôi tôm thâm canh lớn nhất nước, gần 25.000 hecta. Với tỉ lệ thả nuôi này, không đáp ứng dự báo của các hãng cung ứng tôm giống lớn. Khiến có những mức khuyến mãi mua tôm giống cao ngất ngưởng, mua 1 tặng 1/2, thậm chí mua 1 tặng 1.

Vì sao diện tích thả nuôi tôm không nhiều như dự kiến? Có nhiều lý giải như: tình hình lây lan Covid-19 trên thế giới chưa có dấu hiệu dừng làm việc tiêu thụ trên thế giới sẽ giảm sút, giá tiêu thụ sẽ giảm theo. Có thể không mang hiệu quả tốt cho người nuôi. Nhưng một nguyên nhân khác hết sức quan trọng gây chùn tay thả nuôi tôm là tình hình các ao nuôi đã thả giống. Thông thường thời tiết nóng, vi khuẩn gan tụy phát triển mạnh hơn, thời tiết lạnh vào mùa mưa hoặc cuối năm virus đốm trắng sẽ bùng phát nhiều hơn. Khái quát như vậy, nhưng hiện nay virus đốm trắng đang tấn công mạnh các ao tôm từ một tháng rưỡi tuổi. Các chủ nuôi tôm Sóc Trăng và một số tỉnh đang thấm thía tác hại này.

Chưa một báo cáo rõ ràng tình hình, chắc do diện tích thả nuôi chưa nhiều; chưa một nghiên cứu nào virus đốm trắng vì sao “trỗi dậy” lúc này. Chỉ là giả thiết, do mặn cao làm biến đổi hệ sinh thái vùng ao tôm; nắng nóng và chênh lệch nhiệt độ ngày đêm còn khá cao so năm rồi (năm rồi nhiệt độ chênh lệch ngày đêm chỉ khoảng 6-7 độ, hiện tại cao hơn khoảng 2 độ) khiến sức đề kháng của tôm bị giảm. Hệ sinh thái biến đổi, khiến vi khuẩn (và virus) có cơ hội phát triển tấn công tôm nuôi trong hoàn cảnh tôm nuôi sức khoẻ suy giảm khiến ao tôm bị sự cố, phải thu sớm, thiệt hại.

Luồng gió độc này kéo dài nhiều tuần, khiến ngoài chợ có nhiều tôm non rao bán; khiến các cơ sở chuyên mua, chế biến tôm cỡ nhỏ (100-250 con mỗi kg) cho Trung quốc nhộn nhịp hơn. Và dĩ nhiên nỗi buồn từ người nuôi mênh mang hơn, bởi biết tỏ cùng ai!

Do tình hình ảnh hưởng từ Covid-19, các nhà máy tôm đang lo lắng phòng chống tình hình lây nhiễm dịch trong công nhân, lo lắng tình hình tiêu thụ, tình hình giao hàng. Nay thêm lo lắng tình hình dịch bệnh này kéo dài, người nuôi hạn chế thả nuôi tôm thì hai tháng nữa, theo thông lệ là vào vụ thu hoạch, khởi đầu mùa tôm... làm sao có đủ tôm chế biến. Không riêng các nhà máy tôm, các doanh nghiệp trong chuỗi giá trị con tôm cũng trong tâm trạng không vui này. Dù sao thời vụ thả tôm còn dài, thêm 2 tháng nữa. Đó chỉ là thời vụ cho vụ chính. Ngoài ra còn vụ phụ.

Tuy nhiên, việc thả giống chậm là hợp lý. Bởi nuôi làm sao giảm thiểu tối đa rủi ro. Khi mùa mưa bắt đầu, nhiệt độ không còn quá nóng, chênh lệc ngày đêm giảm và nhất là độ mặn của nước giảm đi phần nào sẽ khiến người nuôi an tâm hơn cho phương châm làm một vụ ăn chắc. Đó là hoàn cảnh nuôi các hộ nhỏ lẻ. Riêng các trang trại có điều kiện khắc phục các khó khăn như nhiệt độ, độ mặn thì việc thả nuôi sớm là khả thi và thả nuôi nhiều vụ mỗi năm.

Nói gì thì nói, “luồng gió độc” đang diễn ra đã gây tác hại không nhỏ. Thực ra không ít kế hoạch bị đảo lộn. Minh chứng là rất nhiều ao tôm đã chuẩn bị xong, nghe tình hình này nên tạm ngưng thả giống. Hiệu ứng domino, các nhà máy chế biến sẽ có khoảng thời gian thiếu hụt nguyên liệu, dẫn tới giá tôm tươi thất thường, đắt đồng ế chợ... Mùa tôm mặn năm nay khởi đầu thấy... mặn. Hy vọng Covid-19 sớm lụi tàn, hy vọng mùa mưa tới sớm hơn, thời tiết sớm dịu mát hơn để người nuôi an tâm thả giống thời gian tới. Và hy vọng lớn hơn, Covid-19 sớm tan, thế giới vui mừng, tiêu thụ tôm mạnh hơn, giá cũng tốt hơn!

TS. Hồ Quốc Lực - Nguyên Chủ tịch VASEP, Chủ tịch HĐQT FIMEX VN

Chia sẻ:


Bình luận bài viết

Tin cùng chuyên mục
  • bc_tom
  • Báo cáo ngành tôm