Đẩy mạnh xuất khẩu tôm trước các Hiệp định thương mại tự do

Việt Nam vừa ký kết hàng loạt các Hiệp định Thương mại Tự do song phương và đa phương với nhiều quốc gia, mở ra cơ hội rất lớn cho các ngành nghề thế mạnh của nước ta trong việc mở rộng thị trường. Trong đó, ngành thủy sản và con tôm được ưu tiên hơn do giá trị kinh tế cao, nhu cầu lớn. Làm sao để con tôm Việt Nam có chỗ đứng vững chắc hơn trên sân chơi quốc tế?

2 hồ tôm trên 20ha đất sản xuất nông nghiệp của ông Thế ở huyện Kim Sơn, tỉnh Ninh Bình cho thu hoạch hàng trăm triệu đồng mỗi năm. Song thị trường ông hướng tới chỉ là bán trong nước chứ chưa đủ điều kiện để xuất khẩu loại thủy sản này.

Ông Trần Văn Thế – Nông dân nuôi tôm Kim Sơn, Ninh Bình nói: Chưa có đủ điều kiện để hướng con tôm ra nước ngoài vì nguyên nhân ở đây là đa phần dân chúng tự phát ra để chăn nuôi thôi. Nếu mà đã có cái hướng tới như vậy thì nó phải có sắp xếp từ xã, cấp thấp nhất. Hướng dẫn, mở đường cho chúng tôi thì mới biết được cái hướng đi đấy.

Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản, tôm là loại thủy sản  có tiềm năng phát triển cao nếu được chú trọng đầu tư đúng mức. Song hiện tại, chúng ta cũng đang gặp phải một số hạn chế trong đầu ra cho con tôm – từ tôm sú tới tôm thẻ chân trắng – ngay chính tại những thị trường truyền thống như Châu Âu và Hoa Kỳ.

Ông Nguyễn Xuân Cường – Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn cho biết: Một khi chúng ta đã chấp nhận sân chơi của thị trường quốc tế thì đương nhiên phải đối đầu với những chuyện này. Đây là một chuyện diễn ra bình thường, chúng ta phải chuẩn bị tâm thế. Đây không phải lần đầu tiên mà là lần thứ 11 Mỹ kiện bán phá giá chúng ta thì chúng ta phải có đầy đủ chế tài, có các giải pháp để tiếp tục đấu tranh để đảm bảo một cách minh bạch, bình đẳng trên cái hội nhập quốc tế về mặt thương mại.

Bên cạnh đó, hiện tại người nuôi tôm, hiệp hội và các bộ ngành liên quan đang không ngừng tìm kiếm thị trường mới. Hàn Quốc cam kết cấp hạn ngạch thuế quan 10.000 tấn tôm cho Việt Nam trong năm đầu tiên và đạt 15.000 tấn sau 5 năm với thuế suất nhập khẩu 0% sau khi Hiệp định thương mại tự do giữa 2 nước có hiệu lực. Đây cũng là mức thuế suất mà Liên minh kinh tế Á – Âu áp đặt lên con tôm của Việt Nam.

Anh Nguyễn Văn Luật – Nông dân Kim Sơn, Ninh Bình bày tỏ: Tôi nghĩ khi mà Nhà nước đã ký kết được Hiệp định Thương mại Tự do mà xuất khẩu được con giống cũng như thực phẩm sang các nước ngoài, mà thuế đã giảm xuống 0% thì sẽ là một thuận lợi rất tốt cho những người đầu tư vào chăn nuôi.

Ông Đinh Hồng Thái – Chủ tịch Hội Nông dân Ninh Bình nói: Phải đảm bảo được cái khâu sản xuất, từ đầu vào đến đầu ra một cách theo quy chuẩn. Từ việc lựa chọn trồng cây gì, nuôi con gì đến việc lựa chọn giống. Cái khâu thứ hai, cũng phải nâng cao cái kỹ năng cho bà con về xây dựng cái thương hiệu, nhãn hiệu hàng hóa. Cái thứ ba, đó là liên kết giữa Nhà nước, nhà khoa học, nhà nông và nhà doanh nghiệp.

Đề án Tái cơ cấu ngành nông nghiệp đang được Bộ Nông nghiệp và phát triển Nông thôn tích cực triển khai – trong đó tập trung vào việc nâng cao đời sống của người nông dân. Và con tôm là một mắt xích quan trọng để phát triển nền kinh tế nước nhà, nâng tầm thủy sản của nước ta trong khu vực và trên thế giới.

(Theo ANTV)

Chia sẻ:


Bình luận bài viết

Tin cùng chuyên mục
  • T1
  • bc_tom
  • Báo cáo ngành tôm