Tháng chín trời mưa và lòng người đang nóng…

Tháng 9 trời mưa, trời mưa không dứt. Tháng 9 thường là lúc có ngày mưa cao nhất trong năm. Tháng 9 này bão về khiến mưa miền Trung không ngớt. Sinh lũ lụt, khiến hàng trăm trường chưa thể khai giảng đúng ngày vì tắc đường, vì trường chưa dọn sạch kịp.

Tháng 9 này, ngoài khơi, trên thềm lục địa nhà, tàu láng giềng đông như đám ruồi, bu bãi Tư Chính, làm bình phong để tàu thăm dò nhởn nhơ hoạt động hơn hai tháng qua.

Thiên tai, địch hoạ thử thách sự chịu đựng của chúng ta. Gạt qua những vấn đề nóng bỏng đó thì quả là vô tâm, thiếu ý thức cộng đồng, quốc gia; thiếu sự quan tâm dân tộc, sinh tồn...

Trở lại chuyện trời mưa, chuyện nhỏ dễ lo. Nhất là chỉ lo cho con tôm, là việc làm, thu nhập, lẽ sống của hàng triệu người nuôi tôm, người lao động liên quan. Tháng 9, thời điểm kết thúc vụ chính và chuyển sang vụ hai trong năm. Thật ra người nuôi tôm thả tôm giống có tập trung nhưng không đồng loạt. Nhờ đó các cơ sở chế biến mới có nguyên liệu rải khá đều. Vụ hai đã bắt đầu trong tháng 8 và kéo dài đầu tháng 9. Do tránh mưa dầm, ảnh hưởng lúc thả tôm, tới tháng 11 người nuôi mới thả giống tiếp. Nói cách khác, lúc này người nuôi đã hạn chế thả giống. Dù bây giờ giá tôm thương phẩm tăng cao. Bình thường, đó sẽ là động lực để gia tăng nuôi, nhưng nay không xảy ra.

Nguyên nhân là mấy tháng qua tôm nuôi bị bệnh hoành hành. Những căn bệnh cũ có từ chục ngoài năm trước, nay quay lại làm khó biết bao người. Bệnh vi bào tử trùng đã trở lại từ 3 năm qua, ngay khi người nuôi có biện pháp phòng trừ bệnh hoại tử gan tuỵ chết sớm trên diễn ra nhiều năm trước đó. Bệnh phân trắng có rải rác năm rồi. Bây giờ hai bệnh cùng “phối hợp” phô trương sự tác hại. Có chuyên gia cho rằng hai bệnh này có liên quan, bệnh phân trắng có vi khuẩn trong nội tạng giống bệnh vi bào tử trùng, chỉ hơn là thêm ký sinh trùng trong ruột khiến hao tốn nhiều thức ăn mà tôm rất chậm lớn. Hai bệnh này đang có mặt các vùng nuôi lớn và việc phòng trị có vẻ kém hiệu quả. Dẫn đến người nuôi không an tâm thả giống mới thời gian qua. Cũng nghe nói là bệnh phân trắng cũng xuất hiện các vùng nuôi tôm Ấn Độ, gây thiệt hại không nhỏ. Ở Thái Lan cũng có, nhưng chưa nghe thông tin diễn biến ra sao.

Hôm VIETFISH diễn ra, có hội thảo một chuyên đề lo vi khuẩn kháng thuốc, đặt tên là siêu vi khuẩn. Không hiểu sao, bây giờ các dòng virus, vi khuẩn biến thể nhanh chóng và tỏ ra lợi hại. Virus cúm gia súc gia cầm biến thể, báo đài nói rất nhiều. Không biết mấy con vi khuẩn gây bệnh tôm đang đề cập có biến thể mới hay không mà các phác đồ phòng trị từng có tỏ ra kém hiệu quả. Tình hình này, Tổng cục Thuỷ sản (TCTS) và Cục Thú ý đang lo lắm. Trung tuần tháng 9 này sẽ có hội nghị triển khai bàn giải pháp đối phó, diễn ra ở vùng nuôi tôm miền Tây. Hãng C.P Việt Nam cũng nhân cơ hội này quảng bá hình ảnh, thông qua mời các chuyên gia bệnh học về tôm hội thảo nội dung trên, diễn ra sau hội nghị của TCTS. Tuy nhiên, hội thảo của C.P chỉ dành cho khách hàng lớn của mình.

Hiện trạng nuôi cho thấy vi khuẩn gây bệnh nói trên tiềm ẩn lớn trong khu vực nuôi tôm, trong nước cấp... Thậm chí vi khuẩn có trong con giống. Sự đe doạ này chưa bao giờ căng thẳng như hiện nay. Tôm nuôi nhiễm bệnh ngay từ nhỏ, dễ nhìn thấy từ năm tuần tuổi khi kiểm tra trọng lượng tôm. Các trại, hộ nuôi đã thả giống hàng ngày lo lắng cho tiền vốn mình có thể tan theo mưa gió. Họ đang kỳ vọng vào kết quả những hội thảo nói trên, dù là hơi trễ nhưng có còn hơn không. Và có để còn rút kinh nghiệm chuẩn bị cho mùa sau nữa.

Trở lại chuyện lớn, thiên tai địch hoạ nêu phần trên. Ngành tôm, tuy đang khó khăn. Thiếu tôm nguyên liệu một phần do trước đây giá thấp, dân không nuôi nhiều; một phần do bệnh tấn công bị thiệt hại. Giá tôm mua vào bây giờ đang khá cao nhằm có đủ nguồn trả nợ hợp đồng đã ký kết. Nói chung, các doanh nghiệp thủy sản không hẳn sung sức. Tuy nhiên, trách nhiệm xã hội, chia sẻ với đồng bào đang gặp khó khăn là nên làm. Nên chăng VASEP phát động các DN thuỷ sản chung tay, tiếp sức trên tinh thần miếng khi đói bằng gói khi no? Gởi quà tặng nơi nào, các hội viên VASEP vùng bị thiên tai tiếp tay chỉ điểm. Với địch hoạ, cũng nên phát động chia sẻ, góp một phần đến với ngư dân bám biển giữ chủ quyền như: hỗ trợ áo phao, cờ, góp tiền hỗ trợ một số thiết bị định vị mà tàu cá đang thiếu trầm trọng... Thậm chí, thể hiện qua một bức THƯ chung của toàn thể hội viên, bày tỏ sự phẫn nộ và tinh thần đoàn kết quyết tâm sát cánh gìn giữ quê hương, biển đảo, thềm lục địa... gởi lên Bộ ngành liên quan và các phương tiện truyền thông.

Tháng 9 trời mưa, nhưng lòng dân ta đang nóng. Do lo lắng nhiều chuyện nói trên. Ai cũng có trách nhiệm theo vị trí, phần việc của mình. Nhưng trên hết, những vấn đề mang tầm vóc quốc gia, dân tộc là trách nhiệm của từng công dân.

TS Hồ Quốc Lực - Nguyên Chủ tịch VASEP, Chủ tịch HĐQT FIMEX VN

Chia sẻ:


Bình luận bài viết

Tin cùng chuyên mục