Không riêng gì nuôi tôm nước lợ, nuôi trồng thủy sản nước ta hiện nay gặp phải rất nhiều khó khăn, rủi ro do biến đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường cùng với đó người nuôi tôm vẫn còn thói quen tự tiện sử dụng các chế phẩm sinh học nên khó kiểm soát, đưa đến rủi ro cao và chi phí nuôi tôm của Việt Nam cao hơn so với một số nước khác. Nguyên nhân là do nhiều yếu tố như: tôm giống, thức ăn qua nhiều khâu trung gian tăng từ 20% đến 30% so với giá gốc, tỉ lệ ao nuôi trúng chưa cao, việc kiểm tra các chất cấm, chất hạn chế dư lượng ở tất cả thị trường lớn ngày càng chặt chẽ từ tần suất kiểm tra đến cách kiểm tra… Đó là những thách thức đòi hỏi người nuôi tôm phải vượt qua để đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của thị trường.
Để giải quyết bài toán nêu trên, người nuôi tôm cần áp dụng quy trình nuôi sạch, có chứng nhận quốc tế nhằm thâm nhập vào các hệ thống phân phối thủy sản cao cấp, nâng tầm tôm Việt trên thị trường thế giới. Tiến sĩ Hồ Quốc Lực - Chủ tịch HĐQT Công ty CP Thực phẩm Sao Ta Sóc Trăng nhận định, thách thức của ngành tôm Việt Nam hiện nay là một số cường quốc tôm coi trọng mục tiêu tăng trưởng mạnh việc cung ứng tôm và thời tiết thuận lợi dẫn đến dự báo con tôm của các nước: Ấn Độ, Ecuador, Indonesia, Thái Lan đều tăng, dẫn đến sức mua cũng tăng, khả năng cao hơn năm 2018. Cùng với đó là thị trường Hoa Kỳ và một số nước thuộc EU tồn kho, tuy nhiên không lớn lắm, tôm cỡ lớn từ Ấn Độ các năm quá nhiều, xu thế thị trường thiếu tôm cỡ nhỏ, nhu cầu thị trường tăng trưởng tự nhiên từ 3% đến 5%...
Chính vì những khó khăn, thách thức nêu trên, ngành chuyên môn và người nuôi tôm nên thực hiện giải pháp là kiểm soát chặt chẽ các chế phẩm nuôi tôm, nhân rộng những mô hình mới thành công trong nuôi tôm như nuôi tôm hai giai đoạn nhằm giảm rủi ro. Đồng thời, tìm kiếm các giải pháp tiết kiệm trong nuôi tôm như nuôi tôm hai giai đoạn tiết kiệm điện nước, cải tiến hệ thống quạt giảm hao phí điện, tính toán mức thức ăn phù hợp giảm tỷ lệ chuyển đổi và giảm ô nhiễm môi trường, thành lập các tổ hợp tác để có thể có đầu mối mua vật tư nuôi tôm số nhiều, giá thấp hơn và vấn đề quan trọng nhất là kiểm soát chặt chẽ việc lưu thông trên thị trường giống tôm tốt, chất lượng.
TS Hồ Quốc Lực cho rằng, cần phải tổ chức lại sản xuất theo xu thế tích tụ đất, hình thành các trại, hợp tác xã nuôi đạt chuẩn chất lượng quốc tế cũng như thị trường yêu cầu như ASC, BAP… bởi tôm có các chứng nhận sẽ dễ vào các hệ thống phân phối cao cấp, giá tiêu thụ tốt, có cơ hội nâng tầm tôm Việt Nam. Cùng với đó, Chính phủ có giải pháp đầu tư nguồn vốn cho nuôi tôm sao cho người nuôi dễ tiếp cận hơn.
Bà Bùi Thị Huỳnh Hoa, đến từ Công ty CP Vi sinh ứng dụng cho rằng, để nuôi tôm nước lợ bền vững, giảm rủi ro, giảm chi phí… thì người nuôi tôm cần áp dụng giải pháp là "Nói không với kháng sinh" và nên áp dụng những công nghệ vi sinh đột phá nhằm giảm được chi phí sản xuất. Ngoài những yếu tố như sử dụng nhân công hiệu quả, thiết kế mô hình tối ưu, chọn thức ăn, chọn nguồn tôm giống, quản lý thức ăn… người nuôi cần hiểu rõ cơ chế, thành phần, tác dụng cụ thể nhất của những chế phẩm bổ sung (vi sinh, khoáng chất, vitamin, dinh dưỡng…). Song song đó, người nuôi phải chủ động trong khâu phòng bệnh trên tôm, theo dõi sát diễn biến trong ao nuôi, xử lý đúng cách khi tôm nuôi gặp vấn đề và chủ động khắc phục hậu quả.
Bà Hoa chia sẻ, để xử lý ô nhiễm môi trường ao nuôi, giúp nước trở nên trong sạch, thích hợp cho con tôm sinh trưởng thì cần dùng chế phẩm sinh học đủ mạnh, chứa nhiều vi sinh vật có nhiều tính năng khác nhau được tuyển chọn trong các phòng thí nghiệm vi sinh vật có uy tín và chế phẩm sinh học được lựa chọn phải đa năng, có khả năng phân giải các chất hữu cơ làm sạch môi trường, có khả năng chuyển hóa làm giảm các chất độc, có khả năng sinh các chất kháng sinh tự nhiên chống các vi sinh vật gây bệnh thường gặp ở tôm.
Ngoài ra, người nuôi tôm cần phải hiểu rõ bản chất, thành phần và tác dụng của các chế phẩm bổ sung bằng cách tự trang bị kiến thức cơ bản về cơ chế, tác dụng của chế phẩm bổ sung bằng việc đọc kỹ hướng dẫn sử dụng, đặc biệt là kiểm tra kỹ thành phần, sản phẩm phải được chứng nhận và cấp phép lưu hành bởi các cơ quan có thẩm quyền. Song song đó, trước và sau khi sử dụng phải thấy được bằng mắt thường sự thay đổi của môi trường trong ao nuôi tôm và con tôm nuôi trong ao, đánh giá được hiệu quả khi dùng chế phẩm đó…
Ngày nay, việc nuôi tôm không áp dụng khoa học kỹ thuật mà cứ dựa vào cách nuôi truyền thống, dựa vào may rủi trước tình hình biến đổi bất thường của khí hậu là điều mà người nuôi tôm nên tránh. Do vậy, người nuôi tôm cần lựa chọn cho mình cách nuôi đúng hướng bằng việc áp dụng các mô hình nuôi phù hợp tại hộ, cũng như sử dụng các vật tư bổ trợ cần thiết trong suốt quá trình thả nuôi tôm như khoáng chất, vitamin… và với cách phòng trị bệnh cho tôm, phải có sự nhất quán để bảo vệ môi trường nuôi bền vững, giảm rủi ro, giảm chi phí, đảm bảo lợi nhuận tối đa trong tình hình khó khăn của ngành nuôi tôm như hiện nay…
(Theo Báo Sóc Trăng)