Ninh Thuận được biết đến là trung tâm sản xuất giống thủy sản cả nước với năng lực sản xuất trên 43 tỷ con giống mỗi năm. Ngành thủy sản tỉnh đã và đang giữ vững thương hiệu “Tôm giống Ninh Thuận” bằng công tác đảm bảo kiểm soát, phòng, chống dịch bệnh trên con giống, nhằm góp phần nâng cao giá trị trong chuỗi sản xuất tôm của Việt Nam.
Với trên 450 cơ sở sản xuất giống đang hoạt động, để xây dựng các cơ sở sản xuất tôm giống an toàn dịch bệnh, ông Trương Khắc Trí, Chi Cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y cho biết: Thời gian qua, bên cạnh việc tổ chức tập huấn cho các cơ sở nuôi tôm thương phẩm trên địa bàn tỉnh để tuyên truyền phổ biến các quy định của Nhà nước về công tác phòng, chống dịch bệnh thủy sản, đồng thời tiến hành thu mẫu với tần suất 1 lần/tháng để kiểm tra, giám sát vùng nuôi, thu mẫu xét nghiệm các bệnh nguy hiểm như đốm trắng, đầu vàng, Taura, hoại tử cơ quan tạo máu và biểu mô và bệnh hoại tử cơ. Sau khi có kết quả xét nghiệm, Chi cục đã thông báo và hướng dẫn các cơ sở tổ chức các biện pháp phòng, chống dịch, phối hợp chặt chẽ với địa phương cấp hóa chất và tổ chức dập dịch kịp thời.
Tính từ đầu năm đến nay, đã xét nghiệm 8.712 chỉ tiêu bệnh mẫu gộp chung cho đợt sản xuất, từ các xét nghiệm trên đã phát hiện 5 mẫu dương tính với bệnh hoại tử gan tụy cấp tính, Chi cục đã thông báo đến các cơ sở sản xuất giống thực hiện cách ly, tìm hiểu nguyên nhân, tăng cường giám sát dịch bệnh, xử lý tiêu hủy ổ dịch theo quy định, không để dịch lây lan.
Đối với vùng nuôi ở huyện Ninh Hải, ngay từ đầu năm, Trạm Chăn nuôi và thú y huyện đã triển khai thực hiện các biện pháp giám sát các cơ sở sản xuất giống trên địa bàn quản lý. Ngoài ra, đối với các công ty, cơ sở đã được công nhận cơ sở an toàn dịch bệnh, Trạm thường xuyên giám sát về chất lượng giống, nhắc nhở, hướng dẫn thực hiện việc đảm bảo an toàn sinh học trong sản xuất và duy trì kết quả đã được công nhận.
Đã có 16 doanh nghiệp có quy mô sản xuất trên 1 tỷ post/năm đăng ký tham gia chương trình giám sát dịch bệnh để cấp chứng nhận cơ sở an toàn dịch bệnh thủy sản. Theo đó, 7 cơ sở sản xuất giống thủy sản được công nhận an toàn dịch bệnh đối với 3 bệnh nguy hiểm là bệnh đốm trắng, bệnh hoại tử cơ quan tạo máu và biểu mô và bệnh hoại tử gan tụy cấp tính.
Ngoài ra, công tác giám sát mầm bệnh nguy hiểm, chất lượng giống thủy sản khi vận chuyển ra khỏi địa bàn tỉnh cũng được tăng cường, kết quả đã kiểm dịch xuất bán 20,236 tỷ con tôm postlarvae giống; 3,755 tỷ con Naupliius thẻ chân trắng và 7230 con tôm bố mẹ.
Tuy nhiên, theo ông Trương Khắc Trí, một trong những khó khăn hiện nay chính là nguồn tôm bố mẹ chân trắng trong nước, trong tỉnh chưa có nhiều, chủ yếu nhập khẩu từ Singapore, Thái Lan, Hoa Kỳ, Indonesia (mỗi năm nhập khẩu 70.000-100.000 con tôm bố mẹ) kiểm soát về chất lượng ngay từ đầu vào còn phụ thuộc. Trong tỉnh đã có 2 công ty có dự án sản xuất tôm chân trắng bố mẹ nhưng số lượng sản xuất được chưa nhiều. Bên cạnh đó, nguồn tôm sú bố mẹ phụ thuộc vào khai thác tự nhiên chưa đảm bảo về mặt dịch bệnh và ngày càng cạn kiệt nguồn lợi và hiện chỉ có 1 công ty sản xuất tôm sú bố mẹ dòng chân đỏ do vậy không đủ cung cấp cho sản xuất.
Để khắc phục khó khăn, ngành Thủy sản cần phải đẩy mạnh xã hội hoá công tác nghiên cứu phục vụ phát triển sản xuất giống thủy sản, khuyến khích các thành phần kinh tế nghiên cứu, ứng dụng các công nghệ mới, công nghệ hiện đại; đồng thời, phát triển các dự án sản xuất giống tôm bố mẹ tại Ninh Thuận trên cơ sở thuần dưỡng con giống nhập khẩu, nhằm đạt mục tiêu đáp ứng số lượng tôm bố mẹ, sạch các bệnh nguy hiểm và kiểm soát được chất lượng, góp phần giữ vững được thương hiệu “Tôm giống Ninh Thuận”.
(Theo báo Ninh Thuận)