Từ đầu năm đến nay, do thời tiết ít thuận lợi, nắng nóng kéo dài, không đảm bảo môi trường, nên tôm nuôi không phát triển, xảy ra dịch bệnh ở một số vùng nuôi. Ngành NN-PTNT yêu cầu các địa phương chủ động phối hợp để kiểm tra, hướng dẫn người nuôi xử lý, ngăn ngừa dịch bệnh trên tôm, tránh lây lan và có giải pháp ổn định các vùng nuôi.
Ông Lê Thanh Sang, nuôi tôm ở phường Hòa Hiệp Nam (TX Đông Hòa) cho biết: Năm nay, gia đình tôi thả nuôi 3 hồ với diện tích gần 2ha tôm thẻ chân trắng. Hai vụ nuôi vừa qua, do thời tiết bất lợi, nắng mưa thất thường nên tôm phát triển chậm. Vụ thứ nhất, khoảng 2 tháng nuôi thì xuất hiện tôm bệnh, tôm chết lai rai nên gia đình quyết định thu hoạch. Do tôm nuôi chưa đạt kích cỡ nên giá bán thấp, lỗ vốn gần 10 triệu đồng. Đến vụ nuôi thứ hai, thời tiết tiếp tục gây bất lợi, làm giảm sức đề kháng, tôm nuôi kém phát triển. Sau khoảng 3 tháng nuôi, mặc dù tôm không bị bệnh nhưng không đạt kích cỡ, sản lượng thu hoạch thấp. May mắn là vụ này lãi khoảng 15 triệu đồng. Hiện gia đình đang thả nuôi vụ ba với khoảng 1,4ha, đến nay đã hơn 1,5 tháng, tôm phát triển bình thường.
Theo ông Nguyễn Bút, nuôi tôm ở xã Hòa Tâm (TX Đông Hòa), từ đầu năm đến nay, một số vùng nuôi ở hạ lưu sông Bàn Thạch xảy ra tình trạng tôm nuôi kém phát triển, thậm chí một số diện tích tôm nuôi bị bệnh. “Gia đình tôi thả nuôi 2 hồ với diện tích gần 1,4ha. Mặc dù cả hai vụ nuôi, tôm không bị bệnh, nhưng phát triển chậm, lãi rất ít. Nguyên nhân có thể là do thời tiết bất lợi nên sức đề kháng và sức ăn yếu nên tôm không lớn. Ngoài ra, do ảnh hưởng dịch COVID-19, chỉ tiêu thụ nội địa nên giá bán tôm thấp hơn các năm trước từ 15.000-20.000 đồng/kg”, ông Bút nói.
Theo Sở NN-PTNT, từ đầu năm đến nay, diện tích thả nuôi tôm nước lợ trên địa bàn tỉnh khoảng 1.570ha, chủ yếu ở TX Đông Hòa, TX Sông Cầu và huyện Tuy An. Nguyên nhân xảy ra dịch bệnh trên tôm nuôi ở một số vùng nuôi là do thời tiết bất lợi, môi trường biến động nên làm giảm sức đề kháng của thủy sản nuôi, tạo điều kiện cho mầm bệnh xâm nhập gây bệnh. Mặt khác, hiện nay môi trường nhiều vùng nuôi ở Phú Yên đang bị suy thoái, ô nhiễm bởi hoạt động nuôi, chất thải hữu cơ tích tụ, tồn đọng trong vùng nuôi không được rửa trôi.
Ông Nguyễn Văn Lâm, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và thú y (Sở NN-PTNT), cho biết: Từ đầu năm đến nay, tình hình bệnh trên tôm nuôi nước lợ ở Phú Yên xảy ra rải rác tại các vùng nuôi. Tổng diện tích tôm nuôi bị bệnh khoảng 48ha (TX Đông Hòa gần 39,5ha, TX Sông Cầu khoảng 2,5ha, huyện Tuy An hơn 6ha), chiếm khoảng 2,9% so với diện tích thả nuôi; trong đó, bệnh hoại tử gan tụy cấp hơn 30ha, bệnh đốm trắng gần 18ha. Đến nay, tỉnh đã hỗ trợ gần 28.600kg Sodium Chlorite 20% cho các địa phương để tổ chức tiêu độc, khử trùng môi trường vùng nuôi và xử lý, khống chế các ổ dịch ngăn ngừa phát sinh tại các vùng nuôi. Chi cục Chăn nuôi và thú y đang phối hợp với các địa phương tiếp tục triển khai công tác phòng chống dịch bệnh trên thủy sản nuôi, nhất là trong giai đoạn nắng nóng kéo dài từ tháng 5/2021 đến nay.
Tiếp tục có giải pháp ổn định vùng nuôi
Ông Nguyễn Văn Long, Phó Cục trưởng Cục Thú y (Bộ NN-PTNT), cho biết: Dự báo trong thời gian tới, nguy cơ dịch bệnh xảy ra trên tôm nuôi rất cao. Nguyên nhân là người nuôi tôm bắt đầu tăng diện tích thả nuôi vụ mới, trong khi đó thời tiết đang giao mùa, một số địa phương xảy ra tình trạng xâm nhập mặn nên dịch bệnh trên thủy sản nuôi tiếp tục có diễn biến phức tạp. Hiện các loại mầm bệnh nguy hiểm còn lưu hành ở nhiều vùng nuôi; các yếu tố bất lợi như nhiệt độ, độ mặn tăng cao, thời tiết biến đổi theo hướng cực đoan… có thể tác động xấu làm tôm nuôi chậm lớn, sức đề kháng yếu, mầm bệnh dễ xâm nhập gây bệnh cho tôm nuôi.
Theo PGS.TS Võ Văn Nha, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản III, chất lượng nước là yếu tố cực kỳ quan trọng trong nuôi thủy sản, quyết định hiệu quả kinh tế thông qua việc sử dụng thức ăn, tốc độ sinh trưởng và tỉ lệ sống của thủy sản nuôi. Việc duy trì chất lượng nước tốt rất cần thiết cho sự tồn tại và phát triển tối ưu của các đối tượng thủy sản nuôi. Đây chính là khâu quan trọng và có ý nghĩa quyết định đến sự thành công trong nuôi trồng thủy sản, đặc biệt trong nuôi thâm canh, nuôi công nghiệp.
Ông Nguyễn Tri Phương, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT, cho biết: Sở NN-PTNT đang chỉ đạo các đơn vị trực thuộc tiếp tục phối hợp với các địa phương tổ chức tập huấn về công tác phòng chống dịch bệnh cho động vật thủy sản; giám sát, nắm bắt thông tin tình hình dịch bệnh thủy sản để kịp thời hướng dẫn, hỗ trợ hóa chất sát trùng xử lý, khống chế ổ dịch triệt để tránh lây lan. Đồng thời, các đơn vị trực thuộc tiếp tục phối hợp với các địa phương tổ chức kiểm tra, kiểm soát con giống thủy sản nhập về địa phương, xử lý nghiêm các trường hợp con giống không rõ nguồn gốc, không có giấy chứng nhận kiểm dịch và xét nghiệm bệnh. Các địa phương cần có biện pháp xử lý nghiêm các trường hợp xả thải ao nuôi thủy sản bị bệnh ra môi trường mà chưa xử lý làm lây lan dịch bệnh.
Để thực hiện mục tiêu kép của ngành Thủy sản, bao gồm cả ngành tôm, chúng ta cần nỗ lực hơn nữa, quyết tâm cao hơn nữa. Các địa phương cần tăng cường chuyển giao khoa học kỹ thuật để nhân rộng các mô hình nuôi 2, 3 giai đoạn, nuôi sử dụng chế phẩm sinh học, nuôi tuần hoàn khép kín, nuôi tôm an toàn sinh học, nuôi công nghệ cao... và các mô hình liên kết sản xuất hiệu quả giúp người nuôi, doanh nghiệp giảm thiệt hại và chủ động sản xuất.
Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến
|
(Theo báo Phú Yên)