Bình Định: Tháng 5 thời tiết nắng nóng gây ảnh hưởng đến tôm nuôi

Thời tiết nắng nóng kéo dài, một số diện tích nuôi tôm chân trắng có môi trường nước ao nuôi biến động, ảnh hưởng đến tôm nuôi. Trái lại, các đối tượng khác phát triển bình thường.
Bình Định Tháng 5 thời tiết nắng nóng gây ảnh hưởng đến tôm nuôi
Ảnh minh họa

5 tháng đầu năm, người nuôi tôm được hướng dẫn sử dụng con giống có nguồn gốc rõ ràng (được cấp giấy kiểm dịch hoặc giấy xét nghiệm trước khi đưa vào thả nuôi). Sử dụng chế phẩm vi sinh để cải thiện môi trường, áp dụng các biện pháp quản lý môi trường để phòng bệnh trong thời điểm nắng nóng. Các đối tượng khác (cá nước ngọt, các đối tượng nuôi lồng biển) phát triển bình thường. Hiện nay người nuôi tôm đang thu hoạch tôm nuôi vụ 1, giá tôm thương phẩm có xu hướng giảm (khoảng 80-85 nghìn đồng/kg cỡ tôm 100 con/kg).

Tháng 5/2021, diện tích nuôi trồng thuỷ sản cả tỉnh khoảng 3.362,9 ha (tương đương với năm 2020), trong đó: diện tích nuôi nước ngọt 1.500 ha, diện tích nuôi nước lợ 1.862,9 ha. Sản lượng nuôi trồng thủy sản toàn tỉnh ước đạt 2.081 tấn (tương đương mức cùng kỳ năm 2020); Trong đó, sản lượng tôm nuôi nước lợ đạt 1.108 tấn.

Các đối tượng nuôi thủy sản nước ngọt được thả trên toàn bộ diện tích. Diện tích thả nuôi cá nước ngọt trong tỉnh đến nay đạt khoảng 1.500 ha; Trong đó: diện tích nuôi cá quảng canh hồ chứa 1.355,8 ha; nuôi cá ao 143,2 ha; nuôi cá lót bạt 1,0 ha. Đối tượng nuôi gồm các loại: cá trắm, trôi, mè, chép, rô phi… Thể tích nuôi cá lồng trên hồ chứa trong toàn tỉnh là 30.000 m3, 501 lồng (tăng 50% so với cùng kỳ).

Về nuôi trồng thuỷ sản nước mặn: Nuôi cá biển 33.150 m3 (bằng mức cùng kỳ năm 2020). Ương nuôi tôm hùm giống 1.400 lồng/1.120 m3 (tương đương mức cùng kỳ năm 2020). Nuôi tôm hùm thương phẩm 1.400 lồng/15.000 m3 (giảm 17% so với cùng kỳ 2020), thu hoạch được 1,72 tấn.

Diện tích thả tôm nước lợ đến nay là 1.862,9 ha (tương đương với cùng kỳ 2020); Trong đó: diện tích thả tôm thâm canh, bán thâm canh là 492,1 ha; quảng canh cải tiến là 1.370,8 ha. Nuôi tôm công nghệ cao là 18,4 ha. Về bệnh tôm, chiếm diện tích không đáng kể (chỉ 0,1% diện tích nuôi). Sản lượng tôm thẻ chân trắng ước đạt 1.108 tấn.

Sản lượng tôm giống chân trắng đến nay đã sản xuất khoảng 2,4 tỷ con; Trong đó Công ty cổ phần chăn nuôi CP Việt Nam - Chi nhánh Bình Định 3 là 1,21 tỷ con, Công ty cổ phần Việt – Úc Bình Định là 1,19 tỷ con. Bên cạnh đó, tỉnh cũng đã sản xuất, dịch vụ khoảng 444.700 con cá giống nước ngọt các loại, gồm cá rô phi, trắm, trôi, mè, chép...

Thực hiện nhiệm vụ quan trắc môi trường, Chi cục Thủy sản Bình Định đã tiến hành quan trắc 02 đợt (kiểm tra các thông số: nhiệt độ, độ pH, độ mặn, độ kiềm, COD, NH3, NO3, PO4, NO2, Vibrio tổng số và tảo). Từ những kết quả quan trắc Chi cục đã cảnh báo, đề xuất, khuyến cáo các giải pháp kỹ thuật kịp thời đến người nuôi. Qua đó, người nuôi tôm cập nhật kết quả quan trắc để có kế hoạch trong việc điều chỉnh, quản lý môi trường nuôi.

Kiểm tra chất lượng thức ăn thủy sản, sản phẩm xử lý môi trường, thuốc thú y thủy sản và quản lý giống thủy sản, Chi cục đã kiểm tra, giám sát và theo dõi số lượng tôm thẻ chân trắng bố mẹ nhập và thải bỏ sau chu kỳ sản xuất. Số lượng tôm chân trắng bố mẹ nhập vào đến nay là 7.200 con; số lượng tôm bố mẹ thải bỏ sau chu kỳ sản xuất là 4.424 con.

Đến nay, trên địa bàn tỉnh Bình Định đã cấp 412 Giấy xác nhận nuôi trồng thủy sản lồng/bè, đối tượng thủy sản nuôi chủ lực. Trong đó, có 411 Giấy xác nhận đối với các cơ sở nuôi tôm Thẻ chân trắng/Sú thương phẩm (chiếm 18,6% tổng diện tích nuôi cả tỉnh) và 01 Giấy xác nhận đối với cơ sở nuôi cá lồng trong hồ chứa với thể tích là 21.600 m3 (chiếm 29,4% tổng thể tích nuôi lồng nước ngọt cả tỉnh).

Tháng 6/2021, Chi cục Thủy sản Bình Định tiếp tục triển khai quan trắc môi trường tại các vùng nuôi trồng thủy sản tập trung; Tiếp tục phối hợp Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Phòng Kinh tế của các huyện, thành phố nhằm tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến đến các tổ chức, cá nhân thực hiện các thủ tục hành chính về sản xuất nuôi trồng thủy sản (theo quy định của Luật Thủy sản 2017). Phối hợp với các đơn vị chức năng, chính quyền địa phương tổ chức kiểm tra, thanh tra các tổ chức, cá nhân chưa tuân thủ theo quy định. Đặc biệt, theo dõi, hướng dẫn các cơ sở nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao. Quản lý hoạt động sản xuất nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao; Thực hiện thủ tục để UBND tỉnh phê duyệt Quy hoạch phân khu xây dựng Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao phát triển tôm.

(Theo Fistenet)

Chia sẻ:


Bình luận bài viết

Tin cùng chuyên mục