Để ổn định ngành tôm, cần tất cả các bên liên quan vào cuộc

Năm 2023 là một năm khó khăn chung của ngành thủy sản. Tuy nhiên, riêng với ngành tôm thì có thêm các khó khăn phát sinh mới và các khó khăn này có thể kéo dài.

Để ổn định ngành tôm cần tất cả các bên liên quan vào cuộc

Qua số liệu thống kê của Hải quan, chúng ta cũng thấy là xuất khẩu tôm đang bị sụt giảm mạnh. Nguyên nhân chính của sự sụt giảm này là do giá giảm sâu, trong khi đó khối lượng XK cũng giảm nhưng ở mức thấp hơn.

Sự phục hồi của ngành thủy sản, trong đó có tôm, phụ thuộc nhiều vào sự phục hồi của thị trường, còn thời gian phục hồi thì phục thuộc vào tình hình kinh tế của các nước. Nhưng so với các mặt hàng khác, mặt hàng tôm gặp nhiều khó khăn hơn vì trong những năm qua có một số nước như Ecuador, Ấn Độ nổi lên với sản lượng nuôi lớn và nhờ đó giá thành tôm của họ tốt hơn nhiều so với tôm Việt Nam. Ví dụ, Ecuador những năm trước sản lượng nuôi của họ chỉ ở mức 300 ngàn tấn, nhưng bây giờ đã lên trên 1 triệu tấn và sắp tới có thể lên tới 1,5 triệu tấn. Giá thành sản xuất tôm của Ecuador chỉ bằng 60% -70% so với giá sản xuất tại Việt Nam.

Trong khi đó, nhu cầu của thị trường bão hòa, khiến cho các nước đó ngày càng hạ giá bán. Do vậy, DN tôm Việt Nam không thể cạnh tranh được. Đặc biệt người nuôi tôm không chịu đựng nổi giá bán thấp, trong khi giá sản xuất lại tăng.

Trước tình hình đó, các doanh nghiệp Việt Nam rất khó cạnh tranh được với các nước này về giá. Vì trên thực tế, nếu doanh nghiệp hạ giá bán để cạnh tranh thì giá nguyên liệu sẽ giảm và người nuôi tôm sẽ gặp khó khăn.

Do đó, để ngành tôm có thể duy trì và phát triển thì chúng ta cần có biện pháp khắc phục. Việc này đòi hỏi tất cả các bên liên quan đều phải tham gia vào, ví dụ như Chính phủ phải có chính sách hỗ trợ người dân nuôi tôm, ngân hàng có chính sách tạo điều kiện thuận lợi cho bà con vay vốn, các công ty thức ăn phải điều chỉnh lại giá bán thức ăn… Có như vậy, con tôm Việt Nam mới có thể cạnh tranh được với các nước đối thủ.

Bên cạnh đó, việc dự báo với ngành tôm rất quan trọng và mang tính sống còn. Chình vì vậy, VASEP ngoài những thông tin về tình hình trong nước, cần cập nhật thêm các thông tin về tình hình của các nước đối thủ như giá cả, sản lượng nuôi, xuất khẩu của Ấn Độ, Ecuador, Indonesia… cũng như cập nhật diễn biến của các thị trường NK như Mỹ, Hàn Quốc, Nhật Bản, EU, Australia… cho doanh nghiệp.

Nhìn chung, trong thời gian qua, VASEP đã làm được nhiều việc có kết quả tốt. Có thể kể một số hoạt động có hiệu quả như vụ kiện chống bán phá giá. Hoạt động phản biện chính sách, kiến nghị lên Chính phủ và các cơ quan ban ngành để tháo gỡ vướng mắc cho doanh nghiệp đã thực hiện tốt, mong anh chị em văn phòng cố gắng phát huy.

Chia sẻ:


Bình luận bài viết

Tin liên quan
Tin cùng chuyên mục
  • bc_tom
  • Báo cáo ngành tôm