Ngày 12/6/2023 đánh dấu cột mốc 25 năm thành lập Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP). Hành trình phát triển liên tục suốt 1/4 thế kỷ của một hiệp hội ngành hàng đã được cộng đồng doanh nghiệp và các cơ quan bộ ngành ghi nhận và đánh giá cao.
Kỷ niệm 25 năm ngày 12/6 năm nay cũng là dịp để các thành viên Hiệp hội cùng đánh giá lại những kết quả nổi bật mà cộng đồng DN đã đóng góp cho nền kinh tế quốc gia, tạo nên vị thế top 3 của ngành thủy sản Việt Nam trên thế giới, những cơ hội và lợi ích các doanh nghiệp hội viên nắm bắt được sau một thời gian dài cùng đồng hành trên con thuyền VASEP.
Hành trình chinh phục các đỉnh cao và khẳng định vị thế trên thế giới
Sau 25 năm hoạt động, với việc thực hiện tốt sứ mạng là liên kết-hỗ trợ các doanh nghiệp, kết nối với các nhà nhập khẩu, đồng hành với các cơ quan quản lý nhà nước và nông dân-ngư dân, VASEP đã cùng cộng đồng DN thủy sản thành viên lập nên một kỷ lục đáng ghi nhớ, lần đầu tiên vượt mốc 10 tỷ USD, chạm mốc XK 11 tỷ USD vào năm 2022, tăng hơn 12 lần so với năm 1998.
Hành trình 25 năm nỗ lực không ngừng nghỉ của các doanh nghiệp thủy sản dưới sự dẫn dắt và đồng hành của VASEP được thể hiện bằng sự đón nhận của trên 170 thị trường thế giới đối với sản phẩm thủy sản Việt, trong đó có những thị trường lớn và khó tính nhất như EU, Mỹ, Nhật Bản, Úc, Anh, Trung Quốc...
Con số 692 nhà máy có mã XK EU code trong tổng số 847 nhà máy quy mô công nghiệp được chứng nhận đủ điều kiện ATTP, đã thể hiện sự trưởng thành vượt bậc của ngành thủy sản Việt Nam.
Từ những ngày đầu khai phá thị trường với con số 19 nhà máy được cấp mã EU code, VASEP đã đồng hành cùng các DN hội viên và toàn ngành đạt được những cột mốc đáng nhớ, đưa doanh số XK tăng dần từ mốc 800 triệu USD năm 1998 lên 4,5 tỷ USD sau 10 năm (2008) và lên gần 9 tỷ USD sau 20 năm (2018), cán mốc 11 tỷ USD sau 25 năm.
Một phần cơ bản làm nên thành tích đó là sự tích cực mở rộng thị trường bằng những chương trình xúc tiến thương mại, các hội chợ quốc tế và trong nước hàng năm. Đặc biệt, VASEP và các doanh nghiệp đã và đang cùng nhau vượt qua các rào cản thương mại quốc tế để thúc đẩy xuất khẩu, tăng năng lực cạnh tranh và nâng cao vị thế thủy sản Việt Nam.
Trên hành trình vươn khơi đã có những cơn sóng cả đầy gian nan, nhưng sự đoàn kết đồng lòng, chung ý chí của các DN thủy sản dưới tay lái vững vàng của BCH VASEP và sự nhiệt tình hỗ trợ của anh chị em văn phòng, đã đưa con thuyền thủy sản Việt vượt qua bao cơn giông tố. Trong đó, những dấu ấn trên thương trường thủy sản quốc tế và của ngành thủy sản Việt Nam phải kể đến Vụ kiện chống bán phá giá (cá tra, tôm) tại Mỹ, sự phối hợp vững vàng, tính chuyên nghiệp của VASEP và các DN mang lại kết quả là đến nay chúng ta vẫn duy trì được vị trí ngành hàng tôm và cá tra trên thị trường lớn nhất thế giới này và giữ được thuế quan thuận lợi cho nhiều DN.
Có những cơn sóng ngầm, “âm ỉ và nguy hiểm” mà anh chị em làm thủy sản và hiệp hội phải đối diện và bền bỉ đi qua. Đó là hiện tượng truyền thông tiêu cực, truyền thông bôi xấu tại nước ngoài, làm ảnh hưởng đến uy tín và hình ảnh của sản phẩm thủy sản Việt Nam kéo dài từ nhiều năm, có thể sẽ vẫn còn tiếp diễn như một tất yếu của cạnh tranh trên thương trường. VASEP đã và đang từng bước phối hợp với Bộ NN và PTNT, Bộ Công Thương, Bộ Ngoại giao và các cơ quan đối ngoại ở các thị trường tích cực quảng bá, truyền thông, giới thiệu về sản phẩm thủy sản Việt Nam tại các Hội chợ Quốc tế, các sự kiện ngoại giao và các kênh truyền thông khác nhau, đang dần lấy lại hình ảnh và giá trị cho các mặt hàng thủy sản của Việt Nam.
Thách thức thị trường cùng nhau vượt qua, cơ hội thị trường cùng nhau nắm bắt. Trong chặng đường hội nhập, VASEP đã thể hiện được vị thế và tiếng nói với quốc tế qua các quá trình đàm phán các Hiệp định Thương mại Tự do (FTA). VASEP đã luôn chủ động và tích cực trao đổi, đóng góp cho các thành viên đoàn đàm phán, đặc biệt là các FTA thế hệ mới. Qua đó, ngoài việc quan tâm đến các mức thuế và lộ trình giảm thuế, thì các “rào cản” trong TBT, SPS, các vấn đề về môi trường, xã hội, lao động của ngành thủy sản cũng luôn được xem xét và góp ý cẩn trọng. Việc áp dụng, tận dụng và tháo gỡ những vướng mắc trong quá trình thực hiện các FTA của DN luôn có sự đồng hành và hỗ trợ của VASEP, từ những vấn đề về quy tắc xuất xứ, form mẫu C/O đến những vấn đề cần tuân thủ như các qui định môi trường, lao động bằng những hoạt động truyền thông, đào tạo, hội thảo thường xuyên và liên tục cho cộng đồng doanh nghiệp…
Nội lực của DN rất lớn nhưng cũng có nhiều vấn đề nội tại trên con đường phát triển. Trong đó, không ít các qui định, chính sách, thủ tục hành chính bất cập, hoặc không phù hợp với thực tiễn của ngành, hoặc khác biệt với thông lệ quốc tế, với quy định pháp luật trong nước…đôi khi đó là những rào cản “trói chân” doanh nghiệp. Khi đó, VASEP đã làm tốt vai trò cầu nối, đại diện tiếng nói của doanh nghiệp, là đầu mối phối hợp, kiến nghị tới các cơ quan bộ, ngành hoặc Chính phủ để tháo gỡ những bất cập, vướng mắc cho doanh nghiệp, cho ngành.
Thông qua hoạt động góp ý, phản biện chính sách và sự đồng hành với Chính phủ, với Bộ NNPTNT và các Bộ nghành nhiều vấn đề liên quan đến kiểm dịch thủy sản nhập khẩu, kiểm tra an toàn thực phẩm, thuế thu nhập doanh nghiệp, lao động ngành chế biến thủy sản, qui chuẩn nước thải trong chế biến và nuôi trồng thủy sản…đã được tháo gỡ, cải thiện, giúp DN giảm bớt được nhiều gánh nặng chi phí, nguồn lực, nâng cao năng lực cạnh tranh.
Còn nhiều hơn thế những rào cản và áp lực mà DN và Hiệp hội đang và sẽ tiếp tục cùng nhau đối mặt, khắc phục để duy trì được đà phát triển mạnh mẽ của thủy sản Việt Nam trong những năm tới.
Đó là thẻ vàng IUU và những qui định thủ tục đối với hải sản khai thác XK sang thị trường EU; những qui định “IUU” của Nhật Bản và Hoa kỳ (SIMP), và xu hướng này có thể tiếp tục tại những thị trường khác…
Đó là vị thế trên đường đua đang bị “đe dọa” khi các nước sản xuất thủy sản khác đang nổi lên mạnh mẽ, đang từng bước chiếm vị thế cạnh tranh bằng nguồn cung lớn, giá thành rẻ hơn và bằng sự hỗ trợ tối đa của Chính phủ các nước. Ngay cả thế mạnh nổi trội của chúng ta là sản xuất hàng giá trị gia tăng cũng sẽ không thể giữ mãi khi các nước khác đang vận động nhanh và liên tục. Điển hình là Ecuador, Ấn Độ đang ngày càng chiếm lĩnh thị phần tôm lớn hơn, chi phối hơn tại các thị trường lớn là Mỹ, Trung Quốc, EU…
Năm 2023-2024: Khoảng lặng trước khi phục hồi
Đặc biệt, năm 2023 là một nốt trầm của ngành thủy sản Việt Nam trước những tác động của suy thoái kinh tế, lạm phát toàn cầu và những khó khăn sản xuất chế biến trong nước, cộng thêm áp lực cạnh tranh quá lớn từ Ecuador, Ấn Độ, Indonesia… Nhiều biến động tăng, nhiều biến động giảm đan xen, đang gây bất lợi cho DN thủy sản Việt Nam. Từ góc độ thị trường: nhu cầu giảm, tồn kho tăng, đơn hàng giảm, áp lực cạnh tranh tăng, giá nhập khẩu giảm…Từ góc độ nội tại: chi phí sản xuất tăng (giá thức ăn, con giống, lao động, điện, nước tăng), trong khi nguồn cung nguyên liệu nuôi trồng và khai thác giảm; khiến giá thành sản xuất tăng, lợi nhuận của hầu hết DN sụt giảm mạnh, thậm chí nhiều DN thua lỗ…
Kết quả XK thủy sản 5 tháng đầu năm nay thấp hơn 29% so với cùng kỳ năm ngoái chỉ đạt khoảng 3,4 tỷ USD. Kim ngạch XK thủy sản tháng 5/2023 đạt trên 808 triệu USD, cao nhất từ đầu năm tới nay, cho thấy tín hiệu thị trường đang tốt dần lên. Các mặt hàng chủ lực đang hạ dần mức độ sụt giảm so với cùng kỳ. XK sang các thị trường chủ lực như Mỹ, EU, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc đều đạt doanh số cao nhất từ đầu năm tới nay.
Những con số trên chưa phải là cơ sở đầy đủ để nhận định xu hướng của những tháng tới, nhưng chúng ta vẫn có quyền hy vọng và lạc quan về góc độ thị trường trong nửa cuối năm. Lượng tồn kho giảm dần, mùa du lịch, mùa lễ hội cuối năm và các chương trình kích cầu ở các thị trường có thể sẽ thúc đẩy lượng NK tăng dần lên trong những tháng tới. Điểm mấu chốt bây giờ là chúng ta có sẵn sàng nguồn nguyên liệu và khả năng cạnh tranh để chớp lấy cơ hội thị trường hồi phục trước những nước khác hay không?
Bài toán đó, nhân dịp này, các DN VASEP sẽ ngồi lại cùng nhau, cùng tìm ra tiếng nói chung, giải pháp chung, cùng phản ánh truyền thông tới các cơ quan quản lý nhà nước và các thành phần trong chuỗi cung ứng thủy sản, để thúc đẩy XK và từ đó cùng bà con nông, ngư dân vượt qua năm 2023 đầy thách thức này.
Hướng tới một tương lai bền vững
Bối cảnh mới của thị trường quốc tế cũng như Việt Nam giai đoạn hậu covid, lạm phát, chiến tranh, biến động tiền tệ…đã làm thay đổi nhiều yếu tố liên quan cung – cầu – thương mại thủy sản trên thế giới…Do vậy, dịp này cũng là thời điểm VASEP và các thành viên Hiệp hội nhận diện rõ hơn những khó khăn, thách thức trong giai đoạn tới, cùng nhau suy nghĩ, bàn bạc về hướng đi mới, chiến lược mới, cách thức làm mới để thúc đẩy ngành thủy sản phát triển bền vững trong thời đại của công nghệ số và thương mại điện tử…
Những thách thức phía trước sẽ ngày càng nhiều hơn, khắc nghiệt hơn, mục tiêu mà ngành thủy sản Việt Nam vươn tới không phải là chính phục được nhiều thị trường mà là sự tăng trưởng bền vững, đòi hỏi một nền tảng vững mạnh cho cả chuỗi cung ứng, từ con giống, thức ăn, công nghệ nuôi, chế biến, tiêu thụ đến các vấn đề đảm bảo môi trường, trách nhiệm xã hội, phúc lợi người lao động…
Con tàu thủy sản Việt Nam sẽ tiếp tục mạnh mẽ vươn khơi và sẽ trưởng thành hơn, hiện đại hơn với vị thuyền trưởng tài ba, chuyên nghiệp là VASEP và cộng đồng doanh nghiệp như những thủy thủ luôn đoàn kết một lòng, chung một ý chí. Nhưng động cơ con tàu đó sẽ lớn hơn, mạnh hơn khi có sự hỗ trợ hơn nữa của Chính phủ, các bộ ngành, các hiệp hội, hội và các thành phần trong chuỗi cung ứng thủy sản. Khi đó, chúng ta có niềm tin vươn tới những đỉnh cao mới, khát vọng mới, không chỉ là mục tiêu kim ngạch XK thủy sản 12,5 tỷ USD – 14 tỷ USD năm 2025, hay 16 tỷ - 20 tỷ USD năm 2030 mà còn là uy tín, chất lượng, vị thế vững chắc của sản phẩm thủy sản Việt trên thị trường quốc tế!
CHÚC MỪNG VASEP 25 NĂM THÀNH CÔNG!