Chủ tịch Hiệp hội VASEP: Kỷ niệm 25 năm thành lập Hiệp hội là cơ hội để các doanh nghiệp thành viên thắt chặt mối quan hệ, xích lại gần nhau hơn nữa

(vasep.com.vn) Tại Hội nghị toàn thể Hội viên năm 2023 và kỷ niệm 25 năm ngày thành lập Hiệp hội tổ chức ngày 12/6/2023, bà Nguyễn Thị Thu Sắc, Chủ tịch Hiệp hội VASEP, TGĐ Công ty TNHH Hải Nam đã có bài phát biểu khai mạc Hội nghị. Chủ tịch VASEP cũng nêu ra những thách thức và chiến lược ưu tiên trong hoạt động của Hiệp Hội trong thời gian tới để vượt qua thách thức và tiếp tục thành công trong tương lai. Dưới đây là nội dung bài phát biểu của Chủ tịch VASEP tại Hội nghị.

Chú thích ảnh

Từ cuối năm 2022, Hiệp hội và các doanh nghiệp đã xác định ngành thủy sản sẽ có một năm 2023 cực kỳ khó khăn khi tình hình lạm phát thế giới ngày một trầm trọng, nhu cầu tiêu dùng giảm rõ rệt, hàng tồn kho còn nhiều, xuất khẩu thủy sản khó có thể tăng trưởng trở lại trong thời gian ngắn, và những kết quả cụ thể đã cho thấy sự sụt giảm liên tục của xuất khẩu thủy sản trong những tháng đầu năm 2023.

Trong 5 tháng đầu năm, xuất khẩu thủy sản Việt Nam chỉ đạt hơn 3,2 tỷ USD tiếp tục giảm mạnh gần 30% so với cùng kỳ 2022 và giảm sâu từ 10 - 50% tại tất cả các thị trường xuất khẩu chính, trong đó thị trường giảm mạnh nhất là thị trường Mỹ hơn 50% so với cùng kỳ, thị trường EU giảm gần 32% và Trung Quốc giảm hơn 25%. Các mặt hàng chính của xuất khẩu thủy sản Việt nam đều giảm 2 con số, cụ thể tôm giảm gần 36%, cá tra giảm gần 40% và cá ngừ giảm hơn 30%.

Hai thị trường chính của xuất khẩu thủy sản Việt Nam là Mỹ và Trung Quốc đã có sự sụt giảm mạnh nhất. Tại thị trường Mỹ, do ảnh hưởng của tình hình lạm phát cao, lãi suất tăng, nhiều ngân hàng tuyên bố phá sản, quốc gia suýt rơi vào tình trạng vỡ nợ… đã tác động rất lớn đến sức cầu của nền kinh tế và ảnh hưởng đến mức tiêu thụ thủy sản của chúng ta. Trong tháng 5, hoạt động sản xuất của Trung Quốc đã giảm xuống mức thấp nhất kể từ khi nước này kết thúc chính sách “zero Covid” do nhu cầu trong nước yếu, tỷ lệ thất nghiệp gia tăng và tình hình ảm đạm trong lĩnh vực bất động sản.

Sự suy giảm của thị trường Trung Quốc đã tác động không nhỏ đến các thị trường khác, đặc biệt là Đức, đối tác lớn của Trung Quốc và cũng là quốc gia có nền kinh tế lớn nhất châu Âu. Sự suy giảm của Đức đã đem đến nhiều khó khăn cho các nước khác trong khu vực EU.

Bên cạnh đó, cuộc chiến tranh quân sự giữa Nga và Ukraine chưa có dấu hiệu kết thúc mặc dù kéo dài hơn 1 năm, khủng hoảng khí hậu diễn ra tại nhiều khu vực trên thế giới, tình hình lạm phát tăng cao và các chính sách thắt chặt tiền tệ sẽ tiếp tục tác động đến kinh tế thế giới trong thời gian tới và gây ra nhiều rủi ro cho chuỗi cung ứng toàn cầu và những biến động về giá lương thực – thực phẩm.

Nhiều dự báo cho rằng nhu cầu thủy sản của các thị trường có thể sẽ còn tiếp tục giảm trong quý 3/2023 thay vì phục hồi từ Quý III như những dự báo trước đây.

Bên cạnh những khó khăn từ thị trường nhập khẩu, gần đây chúng ta đã nghe nói nhiều đến Tôm Ecuador, Ấn Độ trong cộng đồng Doanh nghiệp Tôm của chúng ta với sự lo lắng về khả năng cạnh tranh với giá thành nuôi tôm. Chúng ta cũng đã nhận diện những thách thức về hiệu quả nuôi cá tra khi đối mặt với chi phí thức ăn tăng cao bên cạnh nguồn giống chất lượng thiếu ổn định. Thẻ vàng IUU trong hải sản khai thác cũng đang là một hạn chế lớn cho sự tăng trưởng xuất khẩu thủy sản.

Tôi nêu lên những điều này không phải để “than nghèo kể khổ” mà tôi muốn chúng ta nhìn vào thực tế để xác định những vấn đề chiến lược ưu tiên trong hoạt động của Hiệp Hội trong thời gian tới cũng như cùng nhau thảo luận trao đổi và vạch ra những chương trình, kế hoạch, biện pháp hữu hiệu để giải quyết các vấn đề, vượt qua thách thức và tiếp tục thành công trong tương lai.

Câu hỏi đặt ra là: Chúng ta có nên suy nghĩ bằng lòng với kết quả xuất khẩu năm 2023 bằng năm 2019 không? Tôi nghĩ là chúng ta có thể làm được hơn thế khi chúng ta cùng đồng lòng, tích cực tìm các giải pháp để vượt qua những khó khăn hiện nay và phát triển.

Mới đây, Ủy Ban Tôm Vasep đã khởi động chương trình “ Vì một ngành Tôm phát triển bền vững” và bước đầu đã có những tác động tích cực đến thị trường nguyên liệu Tôm. Ủy Ban Cá Nước Ngọt cũng bắt đầu xây dựng chương trình quảng bá cá tra cùng với hoạt động liên kết cùng đánh giá lại để có biện pháp cải thiện tình hình cung ứng con giống, thức ăn, tỷ lệ thành công cho con cá tra. Ủy Ban Hải Sản cũng đang đóng góp tài chính để thuê tư vấn quốc tế cho vấn đề Thẻ Vàng IUU. Những hoạt động này cho thấy chúng ta đang đi cùng nhau để đi được xa hơn.

Và Hội nghị toàn thể Hội viên năm 2023 hôm nay sẽ là cơ hội tốt để chúng ta tiếp tục  cùng nhau chia sẻ thông tin, trao đổi kinh nghiệm, xác định những khó khăn để xây dựng chiến lược phát triển phù hợp và tiên phong trong điều kiện mới nhằm tăng sức cạnh tranh, chủ động hơn trong kinh doanh, cùng khẳng định vị trí và tiềm lực phát triển của ngành thủy sản Việt Nam trên thị trường thế giới. Tôi mong rằng qua Hội nghị này, nhiều sáng kiến sẽ được đưa ra, những nghĩ suy phải được nêu ở đây.

Chúng ta có tiếp tục phát triển lớn mạnh, giữ vững vị trí trên thị trường thế giới hay không, bên cạnh nỗ lực của cộng đồng Doanh nghiệp và Hiệp hội, sự tham gia của toàn chuỗi cung ứng và sản xuất là sự đồng hành, quan tâm và chỉ đạo sát sao của Chính phủ, Bộ NN&PTNT và các cơ quan Bộ ngành chắc chắn sẽ giúp thủy sản Việt Nam vượt qua khó khăn, ngày càng phát triển lớn mạnh và bền vững.

Hội nghị toàn thể hội viên năm nay được tổ chức đúng vào ngày thành lập Hiệp Hội, cũng là dịp đánh dấu cột mốc 25 năm xây dựng và phát triển của Hiệp hội với sự đồng hành của toàn thể doanh nghiệp hội viên cũng như sự hỗ trợ tích cực từ Chính phủ và các cơ quan quản lý Nhà nước. Mặc dù 25 năm không phải thời gian quá dài nhưng mang lại nhiều ý nghĩa lớn lao, đánh dấu mốc son trưởng thành của Hiệp hội, ngày một khẳng định thêm vị thế của Hiệp hội trong lòng các Doanh nghiệp hội viên và các đối tác trên thị trường quốc tế. Thời gian 25 năm đủ để Hiệp hội chứng kiến những thăng trầm của ngành thủy sản, đúc kết được những kinh nghiệm và đưa ra chiến lược phát triển phù hợp góp phần cùng các doanh nghiệp đưa ngành thủy sản Việt Nam phát triển lớn mạnh. Những thành tựu đạt được của Hiệp hội còn nhờ vào sự đồng lòng và ủng hộ của các thành viên Hiệp hội, sự chia sẻ và đoàn kết giữa các doanh nghiệp thủy sản để làm nên những cột mốc quan trọng cho ngành thủy sản từ doanh số 1 tỷ USD cho đến 11 tỷ USD, đưa ngành thủy sản Việt Nam trở thành quốc gia xuất khẩu thủy sản lớn thứ 3 trên giới và hướng đến mục tiêu xuất khẩu 20 tỷ USD.

Hôm nay, chúng ta vô cùng phấn khởi và tự hào về một chặng đường xây dựng và phát triển Hiệp hội, một chặng đường với nhiều sự thay đổi lớn về tầm vóc, vị trí của Hiệp hội. Tất cả chúng ta đều ghi nhận và trân trọng những thành quả đã đạt được của Hiệp hội để từ đó chúng ta có thêm niềm tin và động lực bước tiếp, đưa con thuyền VASEP ra biển lớn để chinh phục thêm nhiều mục tiêu mới.

Tôi hy vọng rằng Hội nghị toàn thể 2023 và kỷ niệm 25 năm thành lập Hiệp hội sẽ là cơ hội để các doanh nghiệp thành viên Hiệp hội xích lại gần nhau hơn nữa, thắt chặt mối quan hệ dựa trên việc củng cố niềm tin giữa các thành viên Hiệp hội, chúng ta cùng nhìn lại chặng đường đã đi qua để tiếp tục sát cánh cùng nhau hướng đến mục tiêu chung là xây dựng Hiệp hội vững mạnh góp phần phát triển ngành thủy sản Việt Nam theo hướng bền vững.

Chia sẻ:


Bình luận bài viết

Tin cùng chuyên mục

  • Trang chủ - Right- BOTTOM
  • Trang chủ - Right - BOTTOM