Xuất khẩu thủy sản sang Australia tăng trên 60% nhờ lộ trình giảm thuế trong RCEP

Với các hiệp định thương mại tự do đa phương với Australia, đặc biệt là Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) có hiệu lực kể từ đầu năm 2022, hàng thủy sản của Việt Nam có khả năng cạnh tranh tốt hơn nhờ lộ trình giảm thuế...

Tháng 4/2022, xuất khẩu thủy sản sang Australia tăng 60,3% so với cùng kỳ.

Tháng 4/2022, xuất khẩu thủy sản sang Australia tăng 60,3% so với cùng kỳ.

Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương dẫn số liệu của Tổng cục Hải quan cho thấy, trong tháng 4/2022, xuất khẩu thủy sản của Việt Nam sang thị trường Australia đạt 35,5 triệu USD, tăng 60,3% so với tháng 4/2021.

Như vậy, từ đầu năm 2022 đến nay, xuất khẩu thủy sản của Việt Nam sang thị trường Australia luôn tăng trưởng mạnh so với cùng kỳ năm 2021.

Tính chung 4 tháng đầu năm 2022, xuất khẩu thủy sản của Việt Nam sang thị trường này đạt 128,1 triệu USD, tăng 53,8% so với cùng kỳ năm 2021.

Theo tính toán sơ bộ, tôm và cá các loại là các chủng loại thủy sản xuất khẩu chính của Việt Nam sang thị trường Australia.

Các tháng đầu năm 2022, cơ cấu chủng loại thủy sản xuất khẩu sang thị trường Australia có thay đổi khi tỷ trọng xuất khẩu tôm trong tổng trị giá xuất khẩu thủy sản sang thị trường này tăng, trong khi tỷ trọng xuất khẩu cá tra và cá chẽm giảm.

Tôm là chủng loại thủy sản có tỷ trọng lớn nhất trong tổng trị giá xuất khẩu thủy sản sang thị trường Australia, tăng từ 66% trong các tháng đầu năm 2021, lên 73% trong cùng kỳ năm 2022. Tỷ trọng cá tra giảm từ 13% xuống còn 11,6%; cá chẽm giảm từ 6,8% xuống còn 5,8%...

Cục Xuất nhập khẩu dự báo, xuất khẩu thủy sản của Việt Nam sang Australia sẽ tiếp tục tăng trong thời gian tới khi khả năng cạnh tranh của hàng thủy sản Việt Nam ngày càng tăng.

Với các hiệp định thương mại tự do đa phương với Australia, đặc biệt là Hiệp định RCEP có hiệu lực kể từ đầu năm 2022, hàng thủy sản của Việt Nam có khả năng cạnh tranh tốt hơn nhờ lộ trình giảm thuế.

Còn theo số liệu thống kê của Trung tâm thương mại Thế giới (ITC), Việt Nam là thị trường cung cấp thủy sản lớn nhất cho Australia trong 2 tháng đầu năm 2022 theo trị giá.

Tuy nhiên, tỷ trọng thủy sản của Việt Nam trong tổng nhập khẩu của thị trường này mới chỉ chiếm 24,2% tính theo trị giá.

Bổ sung thêm, theo Bộ Công Thương, Hiệp định RCEP có hiệu lực mở ra cơ hội cho doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản Việt Nam tham gia các chuỗi giá trị và sản xuất mới trong khu vực.

Đồng thời giúp doanh nghiệp có thể đẩy mạnh xuất khẩu các mặt hàng thủy sản vào thị trường các nước thành viên, đặc biệt là khi xuất khẩu đến các đối tác thương mại hàng đầu như: Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc… nhờ quy tắc xuất xứ được nới lỏng.

Theo Bộ Công Thương, hiện nay, Việt Nam xuất khẩu thủy sản sang hơn 160 thị trường trên thế giới, trong đó xuất khẩu sang các nước thành viên Hiệp định RCEP (chiếm 63,5% thị phần xuất khẩu thủy sản của Việt Nam) bao gồm ASEAN (6,7%) và Hàn Quốc (9,2%) ổn định, trong khi xuất khẩu sang Trung Quốc (16,5%) tăng trưởng mạnh nhất, xuất khẩu sang Nhật Bản (16,8%) cũng duy trì tăng trưởng khả quan.

Thành tựu trong những năm qua là những dấu ấn để khẳng định vị trí của ngành thủy sản Việt Nam, sẽ là một trong những ngành có đủ sức cạnh tranh và có thể xâm nhập mạnh hơn vào các quốc gia thành viên của RCEP.

Bảo Ngọc (Theo VnEconomy)

Chia sẻ:


Bình luận bài viết

Tin cùng chuyên mục