Trung Quốc: Hàng tươi, sống chiếm 1/3 giá trị thủy sản nhập khẩu

(vasep.com.vn) Hai tháng đầu năm 2023, Trung Quốc NK trên 561 nghìn tấn thủy sản, trị giá gần 2,7 tỷ USD, giảm 3% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, riêng thủy sản tươi/sống/ướp lạnh đạt gần 48 nghìn tấn, trị giá 887 triệu USD, chiếm 33% tổng giá trị NK thủy sản của nước này.

NK thủy sản của Trung Quốc trong tháng 1/2023 giảm 19% so với cùng kỳ vì trùng vào kỳ nghỉ Tết Nguyên đán. Sang tháng 2, hoạt động NK đã sôi động hơn, cùng với việc mở cửa thị trường hoàn toàn sau dịch Covid.

Trong tháng 2, thị trường này đã NK 307 nghìn tấn thủy sản, trị giá 1,34 tỷ USD, tăng 32% về khối lượng và 20% về giá trị so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, riêng thủy sản tươi/sống/ướp lạnh đạt trên 22 nghìn tấn, trị giá 405 triệu USD, tăng lần lượt 19% và 9% so với cùng kỳ năm ngoái.

Các loài thủy sản chính được NK dạng sản phẩm tươi/sống/ướp lạnh gồm: tôm hùm, cua, cá hồi, tôm sú, tôm chân trắng cỡ lớn, cá chình, bào ngư…Những dòng sản phẩm này phục vụ cho các kênh nhà hàng, khách sạn, du lịch và phân khúc tiêu thụ của những gia đình có thu nhập khá ở Trung Quốc. Nhu cầu thủy sản tươi/sống thường sẽ tăng cao vào các dịp nghỉ lễ, Tết, mùa du lịch…

Hai tháng đầu năm nay, XK thủy sản của Việt Nam sang Trung Quốc đạt 127 triệu USD, giảm 12% so với cùng kỳ năm ngoái, chủ yếu giảm trong tháng 1. Riêng trong tháng 2, XK thủy sản Việt Nam sang Trung Quốc đạt trên 102 triệu USD, tăng 24% so với tháng 2/2022.

Trung Quốc Hàng tươi sống chiếm 13 giá trị thủy sản nhập khẩu

Những sản phẩm Việt Nam XK nhiều nhất sang Trung Quốc trong 2 tháng qua gồm: cá tra phile đông lạnh, chiếm 41%, cá tra tươi/ướp lạnh (nguyên con) chiếm 16%, cá khô các loại (trừ cá tra, cá ngừ) chiếm 16%, tôm chân trắng sống/tươi/ướp lạnh chiếm 7%, tôm sú sống/tươi/ướp lạnh chiếm 6%, mực khô chiếm 6%...Riêng XK tôm hùm sang Trung Quốc đầu năm nay giảm sâu 91% nên chỉ chiếm 1% tổng XK thủy sản sang Trung Quốc.

Việt Nam đang là nguồn cung cấp thủy sản đứng thứ 7 cho thị trường Trung Quốc. Top 6 nước cung cấp lớn nhất gồm: Ecuador, Nga, Canada, Mỹ, Ấn Độ và Na Uy.

Xét về khối lượng thì Nga đang XK nhiều nhất thủy sản sang Trung Quốc (chiếm 23%) nhưng về giá trị thì Ecuador dẫn đầu, chiếm 19%.

Riêng tôm của Ecuador XK sang Trung Quốc trong 2 tháng đầu năm nay đã đạt trên 95 nghìn tấn, trị giá 500 triệu USD, khối lượng tăng 18% so với cùng kỳ, nhưng giá trị giảm 3%.

Sau Covid, Trung Quốc đang từng bước bình thường hóa hoạt động SX kinh doanh và thương mại. Trung Quốc đặt mục tiêu tăng trưởng kinh tế 5% trong năm 2023 với chiến lược mở rộng cửa hơn nữa với kinh tế thế giới. Những thay đổi tích cực của thị trường Trung Quốc là tín hiệu lạc quan về sự phục hồi kinh tế và nhu cầu tiêu dùng của người dân Trung Quốc.

Doanh nghiệp thủy sản Việt Nam cũng kỳ vọng nhiều hơn ở thị trường Trung Quốc khi đất nước này hồi phục trở lại trong thời gian ngắn. Dự báo XK thủy sản sang Trung Quốc sẽ tăng dần trong những tháng tới, đối với tất cả các phân khúc sản phẩm, trong đó có những phân khúc là thế mạnh như cá tra và các loài thủy hải sản tươi sống.

Chia sẻ:


Lê Hằng
Giám đốc Truyền thông VASEP
Email: lehang@vasep.com.vn
Điện thoại 024. 37715055 - ext.204

Bình luận bài viết

Tin liên quan
Tin cùng chuyên mục