(vasep.com.vn) 9 tháng đầu năm nay, XK thủy sản của Việt Nam đạt 6,6 tỷ USD, giảm 22,6% so với cùng kỳ năm ngoái. XK giảm sâu trong giai đoạn nửa đầu năm (-27%), từ tháng 6, tăng trưởng âm thu hẹp dần, riêng trong tháng 9, doanh số XK chỉ còn thấp hơn 5% so với cùng kỳ.
Do vậy, tổng kim ngạch XK thủy sản trong quý III chỉ thấp hơn 12% so với quý III/2022 – cũng là mức giảm ít nhất trong 3 quý đầu năm.
Tổng thể bức tranh XK cho thấy, 9 tháng đầu năm nay, các mặt hàng chính gồm tôm, cá tra, cá ngừ đều có doanh số XK giảm mạnh hơn so với các loài khác. Trong đó, XK cá tra giảm mạnh nhất (-31%), tôm giảm 26%, cá ngừ giảm 24%. Trong khi đó, mực, bạch tuộc, cua ghẹ, nhuyễn thể có vỏ giảm từ 10-18%, các loại cá biển khác chỉ thấp hơn 8% so với cùng kỳ năm 2022.
Nhóm 3 sản phẩm chủ lực gồm tôm, cá tra, cá ngừ đều có tín hiệu tích hơn trong quý III, với kim ngạch XK cao nhất và mức tăng trưởng âm thấp nhất từ đầu năm. Sau khi giảm 28% trong quý II, sang quý III, XK tôm chỉ thấp hơn 13% so với cùng kỳ. Trong khi cá tra có doanh số thấp hơn 12% và cá ngừ giảm gần 8%, so với 2 con số tương ứng là -41% và -31% trong quý II.
XK các sản phẩm cá biển khác có xu hướng ngược lại: giảm sâu nhất trong quý III (-15%), sau khi tăng 2% trong quý I và giảm 9% trong quý II. Thiếu nguyên liệu, những vướng mắc liên quan đến kiểm soát theo quy định IUU có thể là một trong những nguyên nhân khiến XK hải sản khó khăn hơn.
Tín hiệu khả quan nhất là mặt hàng cua, ghẹ (chủ yếu là ghẹ) có kim ngạch XK tăng vượt bậc trong quý III, gấp hơn 1,5 lần so với quý II và tăng 2% so với cùng kỳ năm ngoái.
XK thủy sản sang những thị trường tiêu thụ lớn như Mỹ, EU, Trung Quốc, Hàn Quốc đều giảm từ 17- 34%, trong khi XK sang Nhật Bản giảm ít hơn (-13%). Trong các khối thị trường lớn, Trung Đông được đánh giá là điểm đến hấp dẫn của doanh nghiệp Việt trong 2 năm gần đây, trước những biến động chiến tranh, lạm phát, khủng hoảng giá năng lượng. Trong quý III, riêng khối thị trường này có được mức tăng trưởng dương NK thủy sản từ Việt Nam, với mức 2% so với cùng kỳ năm 2022, và lũy kế 9 tháng đầu năm cũng có mức giảm thấp nhất, giảm 8%. Khối thị trường ASEAN và CPTPP giảm lần lượt 15% và 20% so với cùng kỳ.
Kết quả XK các thủy sản trong quý III có sự khởi sắc so với những tháng đầu năm, nhưng chưa có sự đột phá mạnh mẽ để nhìn thấy một xu hướng ổn định trong thời gian tới, vì mặt bằng so sánh nửa đầu năm 2022 đã ở mức thấp, sau khi tăng cao nửa đầu năm 2022.
Mức độ hồi phục doanh số XK thủy sản trong thời gian tới phụ thuộc phần nhiều vào 2 thị trường chính: Mỹ và Trung Quốc. Cả 2 thị trường này đều có những tín hiệu khả quan về mặt nhu cầu. Các đơn hàng từ 2 thị trường này đang tăng trở lại, nhưng giá XK vẫn ở mức thấp hơn so với cùng kỳ năm ngoái. Ví dụ, giá trung bình XK cá tra phile đông lạnh sang thị trường Mỹ trong 9 tháng đầu năm nay liên tục ở mức thấp hơn 25-40% so với cùng kỳ năm 2022. Ngoài các loài cá thịt trắng khác như cá tuyết, cá minh thái, cá rô phi, thì XK cá tra sang Mỹ phải cạnh tranh với chính lượng hàng tồn từ năm 2022. Các chuyên gia dự đoán ít nhất tới năm 2024, cơ hội phục hồi mới khả quản hơn, khi áp lực về tồn kho không còn lớn nữa.
Với thị trường Trung Quốc, không chỉ Việt Nam, mà nhiều nước XK khác cũng đang trông chờ vào sự khôi phục ổn định sau Covid, đặc biệt là sau dịp Lễ vào mùa thu này – thời điểm mà nhu cầu của Trung Quốc thường tăng cao. Chính vì nhiều nguồn cung nhắm tới thị trường này nên giá mua của các nhà NK Trung Quốc thấp. Tuy nhiên, đây vẫn là điểm đến tiềm năng cho các nhà XK Việt Nam, đặc biệt sau khi Trung Quốc cấm NK hải sản từ Nhật Bản.
Với diễn biến hồi phục dần dần từ các thị trường, dự báo XK thủy sản quý IV có thể mang về khoảng 2,4 tỷ USD tương đương cùng kỳ năm ngoái, đưa kim ngạch XK cả năm 2023 lên 9 tỷ USD, thấp hơn 17% so với năm 2022.
Chi tiết hơn về diễn biến XK từng ngành hàng thủy sản 9 tháng đầu năm và dự báo quý IV, xin mời đăng ký Báo cáo Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam, quý III/2023.
Liên hệ: nguyentrang@vasep.com.vn; ĐT: 0906 151 556