Doanh nghiệp Việt chậm đáp ứng tiêu chuẩn của thị trường Trung Quốc

Trung Quốc đã và sẽ tiếp tục đặt ra những yêu cầu cao hơn đối với tiêu chuẩn hàng hóa xuất khẩu và nhập khẩu, nhưng trên thực tế, tốc độ đáp ứng của phía Việt Nam còn chậm
Doanh nghiệp Việt chậm đáp ứng tiêu chuẩn của thị trường Trung Quốc
Theo ông Trần Quang Huy, Vụ trưởng Vụ Thị trường châu Á- châu Phi: Doanh nghiệp Việt chậm đáp ứng tiêu chuẩn từ thị trường Trung Quốc.

Đó là thông tin đưa ra tại “Hội nghị giao ban xúc tiến thương mại với hệ thống Thương vụ Việt Nam ở nước ngoài tháng 4/2023” với chủ đề “Triển vọng xuất khẩu hàng hóa Việt Nam sang thị trường Trung Quốc trong bối cảnh mới” do Bộ Công thương tổ chức sáng 28/4 tại Hà Nội.

Trung Quốc hiện đối tác thương mại lớn nhất và thị trường xuất khẩu lớn thứ 2 của Việt Nam, sau Mỹ. Quý I/2023, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam với Trung Quốc đạt trên 35 tỷ USD, trong đó, xuất khẩu của Việt Nam sang Trung Quốc đạt 11,5 tỷ USD, giảm 13,8% so với cùng kỳ năm 2022. Nhập khẩu của Việt Nam từ Trung Quốc đạt trên 23,5 tỷ USD, giảm 14,6% so với cùng kỳ năm 2022.

Theo ông Trần Quang Huy, Vụ trưởng Vụ Thị trường châu Á - châu Phi, thị trường Trung Quốc mở cửa trở lại từ đầu năm đã tạo thuận lợi cho hàng hóa xuất khẩu, nhưng thực tế xuất khẩu vẫn giảm theo sự suy giảm chung của kinh tế và sức mua của nhiều thị trường lớn. Thị trường này đã và sẽ tiếp tục đặt ra những yêu cầu cao hơn đối với tiêu chuẩn hàng hóa cả xuất khẩu và nhập khẩu.

"Dù thời gian qua, các ngành hàng, doanh nghiệp đã từng bước thay đổi và thích nghi nhưng tốc độ còn chậm", ông Huy nói.

Trong bối cảnh kinh tế thế giới phục hồi chậm, chính sách thắt chặt tiền tệ ở nhiều quốc gia làm suy giảm nhu cầu tiêu dùng của các đối tác thương mại lớn đã khiến tình hình xuất nhập khẩu của Việt Nam gặp nhiều khó khăn.

Số liệu của Bộ Công thương, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa quý I/2023 chỉ đạt 154,27 tỷ USD, giảm 13,3% so với cùng kỳ năm ngoái, trong đó xuất khẩu giảm 11,9%; nhập khẩu giảm 14,7%. Nửa đầu tháng 4/2023, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu đạt 26 tỷ USD, giảm 15% so với nửa cuối tháng 3/2023 và giảm 18% so với cùng kỳ năm 2022.

Đại diện Thương vụ Việt Nam tại Bắc Kinh (Trung Quốc), ông Lương Văn Tài cho biết, tháng 4/2023, Quốc vụ Viện Trung Quốc đã ban hành “Ý kiến về thúc đẩy ổn định quy mô và cơ cấu ngoại thương”, trong đó đáng chú ý là việc sửa đổi “Biện pháp quản lý thương mại cặp chợ biên giới” nhằm tạo môi trường, chính sách đa dạng hóa thương mại cặp chợ biên giới, tăng cường nhập khẩu từ các nước lân cận.

Đối với quy định về đăng ký doanh nghiệp sản xuất thực phẩm nước ngoài (Lệnh 248) yêu cầu doanh nghiệp nước ngoài hoàn thiện hồ sơ gia hạn trên Hệ thống thương mại một cửa (CIFER) dẫn đến thời gian gần đây, một số doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam (đặc biệt là doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản) chưa kịp đăng ký gia hạn doanh nghiệp trên Hệ thống CIFER của Hải quan Trung Quốc khiến hoạt động xuất khẩu của một số doanh nghiệp bị gián đoạn.

Bên cạnh đó, áp lực cạnh tranh tại thị trường Trung Quốc cũng rất lớn vì các nhà xuất khẩu và các thương gia nhiều nước cũng tập trung vào thị trường này sau mở cửa. Đòi hỏi các cơ quan, lực lượng chức năng của Việt Nam và các doanh nghiệp cần nắm bắt rõ thông tin, triển khai đồng bộ các giải pháp để hàng hóa xuất khẩu thuận lợi vào thị trường này.

Các chuyên gia thương mại, đại diện thương vụ Việt Nam tại Trung Quốc đều khẳng định, thị trường gần 1,5 tỷ dân không còn dễ tính, yêu cầu cao với các mặt hàng nông sản, thực phẩm. Từ đó đặt ra yêu cầu với các doanh nghiệp cần nắm bắt nhanh nhạy thông tin, triển khai đồng bộ các giải pháp để hàng hóa xuất khẩu thuận lợi vào thị trường này.

Vừa qua, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đã nhận được thông báo của Cục An toàn thực phẩm xuất nhập khẩu, Tổng cục Hải quan Trung Quốc yêu cầu kiểm tra theo hình thức trực tuyến 5 doanh nghiệp chế biến nước ép trái cây đông lạnh có lô hàng vi phạm quy định an toàn thực phẩm.

Đại diện Chi nhánh Thương vụ Việt Nam tại Trung Quốc đã đề xuất nhiều giải pháp giúp doanh nghiệp Việt Nam để thúc đẩy xuất khẩu. Với rau quả, doanh nghiệp có thể nghiên cứu khả năng đầu tư, hợp tác với doanh nghiệp Trung Quốc thuộc lĩnh vực chế biến rau quả, vừa nâng cao hàm lượng giá trị xuất khẩu và bắt kịp xu thế thị trường.

Ông Đinh Thành Công, Công sứ Đại sứ quán Việt Nam tại Trung Quốc cho rằng, Trung Quốc còn nhiều tiềm năng để Việt Nam đẩy mạnh xuất khẩu, trong đó dư địa ở khu vực miền Tây và miền Đông của Trung Quốc chưa được khai thác hết. 

Tín hiệu thuận lợi là thời gian gần đây, các cơ quan chức năng của Việt Nam và Trung Quốc đã ký kết nhiều Nghị định thư về yêu cầu kiểm dịch đối với hàng loạt nông sản, hoa quả của Việt Nam, bao gồm sầu riêng, chanh leo, tổ yến, khoai lang.

Các loại nông sản, hoa quả vừa được mở cửa thị trường là những sản phẩm mà thị trường Trung Quốc có nhu cầu lớn, mở ra cơ hội lớn cho các doanh nghiệp Việt Nam, từng bước nâng cao thị phần và có chỗ đứng vững chắc tại thị trường này.

Mới nhất, hơn 80 tấn khoai lang của tỉnh Vĩnh Long đã được các doanh nghiệp xuất khẩu thành công sang thị trường tỷ dân, mở màn cho nhiều lô hàng xuất khẩu tiếp theo trong năm 2023.

Năm 2022, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam với Trung Quốc đạt 175,6 tỷ USD, tăng 5,5% so với năm 2021. Trong đó:
xuất khẩu sang Trung Quốc đạt 57,7 tỷ USD, tăng 3,2%, chiếm tỷ trọng 15,5% trong tổng kim ngạch xuất khẩu.

Nhập khẩu đạt 117,9 tỷ USD, tăng 6,6% so với 2021, chiếm tỷ trọng 32,8%, đưa mức nhập siêu của Việt Nam từ Trung Quốc lên 60,2 tỷ USD, tăng 10,2% so với năm 2021.

Theo Báo đầu tư

Chia sẻ:


Thu Hằng
Biên tập viên
Email: thuhang@vasep.com.vn
Điện thoại 024. 37715055 - ext.214

Bình luận bài viết

Tin liên quan
Tin cùng chuyên mục