Cước tàu biển sang Mỹ tăng đến 1.750 USD, thách thức mới cho xuất khẩu

Cước tàu biển ở một số tuyến tăng hơn gấp đôi do căng thẳng tại Biển Đỏ tiếp diễn hoặc leo thang. Giá cước tăng sẽ ảnh hưởng lớn đến hoạt động xuất khẩu của Việt Nam.

Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (Vasep) cho biết: Xuất khẩu thủy sản của Việt Nam sẽ thêm nhiều khó khăn khi cước tàu biển bắt đầu tăng mạnh. Hàng loạt hãng vận tải lớn như: Yang Ming Line, One, Evergreen Line, HMM, Maersk… đã gửi thông báo sẽ thu thêm phụ phí từ tháng 1.2024 do phải thay đổi hải trình các tuyến châu Á - châu Âu, tránh đi qua kênh đào Suez và khu vực Biển Đỏ.

Cước tàu biển sang Mỹ tăng đến 1.750 USD, thách thức mới cho xuất khẩu- Ảnh 1.

Cước tàu biển tăng mạnh từ đầu năm 2024, nguy cơ ảnh hưởng đến hoạt động xuất khẩu của Việt Nam

Bắt đầu từ tháng 1.2024, các doanh nghiệp cho biết cước đi đến bờ Tây (Los Angeles, Mỹ) tăng 800 - 1.250 USD, tùy tuyến. Cụ thể, tháng 12.2023, giá cước ở mức 1.850 USD nay tăng lên 2.873 - 2.950 USD.

Cước từ Việt Nam đến bờ Đông (New York) ghi nhận tăng nhiều hơn từ 1.400 USD đến 1.750 USD tùy tuyến. Cụ thể, tháng 12.2023 giá ở mức 2.600 USD tăng lên 4.100 - 4.500 USD.

Cước tàu sang EU ghi nhận tăng mạnh, cụ thể đi Hamburg (Đức) tháng 12.2023 là 1.200 - 1.300 USD, thì sang đầu năm nay tăng lên 4.350 - 4.450 USD, tăng hơn gấp đôi.

Có 80% lượng hàng hóa đi bờ Đông nước Mỹ/Canada và EU đều qua kênh đào Suez. Do căng thẳng Israel - Hamas, nhóm nổi loạn Houthi (Yemen) tấn công các tàu đi vào Biển Đỏ để qua kênh đào này. Điều đó buộc các hãng tàu phải vòng qua mũi Hảo Vọng (Nam Phi), hành trình mất thêm 7 - 10 ngày, dẫn đến vòng quay của con tàu lâu hơn, phát sinh chi phí vận tải nhiều hơn (vòng quay 1 con tàu mất khoảng 2 tuần). Một số tuyến vận tải phải cắt bỏ chuyến hàng hàng tuần dẫn đến thiếu chỗ hoặc đưa thêm tàu vào khai thác làm tăng thêm chi phí.

"Cước tàu biển tăng sẽ là thách thức mới cho doanh nghiệp thủy sản trong năm 2024. Nếu căng thẳng tại vùng Biển Đỏ tiếp diễn hoặc leo thang, có thể dẫn đến hệ lụy là chi phí vận tải tăng, giá sản phẩm đầu vào cho nuôi trồng, chế biến thủy sản tăng, ảnh hưởng tới sức cạnh tranh và lợi nhuận của doanh nghiệp", Vasep cho hay.

Trước đó, ngày 28.12.2023, Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công thương), đã có công văn khuyến cáo các doanh nghiệp, hiệp hội ngành hàng tăng cường theo dõi, thường xuyên cập nhật tình hình đến các doanh nghiệp trong ngành nắm chắc thông tin để chủ động kế hoạch sản xuất và xuất nhập khẩu hàng hóa, tránh để phát sinh ùn tắc và các tác động bất lợi khác.

Theo báo Thanh niên

Chia sẻ:


Bình luận bài viết

Tin liên quan
Tin cùng chuyên mục