Thanh Hóa: Nuôi cá lồng trên hồ thủy lợi, thủy điện
Những năm gần đây, tận dụng lợi thế từ hơn 610 hồ chứa thủy lợi, thủy điện, người dân nhiều địa phương ở Thanh Hóa đã phát triển nghề nuôi cá lồng, góp phần tăng thu nhập, bảo vệ môi trường và tái tạo nguồn lợi thủy sản, với nhiều đối tượng nuôi như: Cá nheo, cá trắm đen, trắm cỏ, rô phi đơn tính, cá chép, cá điêu hồng,… Nhờ ưu thế có nguồn nước sạch, hàm lượng ôxy lớn nên cá lớn nhanh, ít bị bệnh. Nhờ đó, nghề nuôi cá lồng tại các lòng hồ đã mang lại hiệu quả, không chỉ cung cấp sản phẩm tại chỗ, cải thiện đời sống người dân, mà còn tăng thu nhập, giải quyết việc làm, góp phần xóa đói giảm nghèo.

Tại xã Trung Xuân (Quan Sơn), với các giống cá như trắm, rô phi, nheo, mới đây người nuôi thử nghiệm nuôi cá lăng – loài cá mới có nhiều ưu điểm. Xã Trung Xuân có khoảng 80 hộ tham gia với 90 lồng nuôi, sản lượng khoảng 15 tấn cá/năm, doanh thu ước đạt 1,5 tỷ đồng. Tại Quan Hóa, khu vực hồ thủy điện Trung Sơn cũng có gần 50 hộ nuôi cá lồng với hơn 110 lồng.
Nhằm quy hoạch phát triển bài bản, UBND tỉnh Thanh Hóa đã phê duyệt Đề án phát triển nuôi cá lồng đến năm 2025, định hướng đến 2030. Mục tiêu đến năm 2025 đạt 3.700 lồng, sản lượng 6.650 tấn, tạo việc làm cho hơn 5.800 lao động; đến năm 2030 đạt hơn 5.300 lồng, sản lượng 13.600 tấn.