Ngành chăn nuôi, thủy sản khẩn trương tái thiết sau bão, lũ

Thiệt hại do bão số 3 và hoàn lưu sau bão gây thiệt hại nặng nề đối với ngành nông nghiệp, đặc biệt là ngành chăn nuôi, thủy sản. Công tác tái thiết đang được Bộ NN&PTNT quyết liệt chỉ đạo…

Cơ bản đã khôi phục, cần bắt tay ngay vào tái thiết

Sau 1 tuần tổ chức Hội nghị phối hợp hỗ trợ khôi phục sản xuất chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản sau cơn bão số 3, ngày 28/9, Bộ NN&PTNT phối hợp với UBND TP Hải Phòng tổ chức Hội nghị trao tặng, hỗ trợ phục hồi sản xuất và nuôi trồng thủy sản các tỉnh, thành phố sau bão, lũ.

Chủ trì hội nghị, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến nhấn mạnh, Hội nghị nhằm đánh giá thiệt hại và bàn giải pháp phục hồi ngành chăn nuôi, thủy sản - 2 lĩnh vực chiếm tỉ trọng tương đối lớn với ngành nông nghiệp.

Trực tiếp đi thăm, chia sẻ, động viên và tặng con giống cho người dân bị thiệt hại do bão số 3 tại huyện Kiến Thụy và quận Dương Kinh (Hải Phòng), Thứ trưởng Phùng Đức Tiến cho rằng công tác phục hồi sau bão lũ cơ bản đã xong, bây giờ phải bắt tay ngay vào tái thiết. "Đây là nghiệm vụ cấp bách, cần phải làm ngay và luôn!", Thứ trưởng Tiến nhấn mạnh.

Số liệu cập nhật của Bộ NN&PTNT đến ngày 27/9/2024 cho thấy, trong lĩnh vực nông nghiệp đã có hơn 284 nghìn ha lúa bị ngập úng, thiệt hại; hơn 61 nghìn ha hoa màu bị ngập úng, thiệt hại; hơn 39 nghìn ha cây ăn quả bị hư hại; gần 190 nghìn ha rừng bị thiệt hại; hơn 35 nghìn ha và gần 12 nghìn lồng bè nuôi trồng thủy sản bị hư hỏng, cuốn trôi; hơn 44 nghìn con gia súc, hơn 5,6 triệu con gia cầm bị chết.
Ước tỉnh tổng thiệt hại ban đầu lên tới hơn 81,5 nghìn tỷ đồng, trong đó Quảng Ninh thiệt hai nhiều nhất, gần 25 nghìn tỷ đồng, Hải Phòng hơn 12 nghìn tỷ đồng, Lào Cai gần 6,7 nghìn tỷ đồng, Yên Bái hơn 5,7 tỷ đồng.... Hiện các địa phương đang tiếp tục rà soát, đánh giá và cập nhật thống kê thiệt hại.

 

Thứ trưởng Phùng Đức Tiến thăm, tặng vật tư thiết bị cho các hộ dân bị thiệt hại sau bão, lũ tại TP. Hà Phòng. Ảnh: Bộ NN&PTNT.

Tại hội nghị, Cục trưởng Cục Thủy sản Trần Đình Luân cho biết, ước thiệt hại về nuôi trồng thủy sản do bão số 3 và mưa lũ sau bão khoảng 6.180 tỷ đồng.

"Đây là con số thiệt hại rất lớn, có những trường hợp mất trắng không còn gì. Ngay trong ngày 09/09, Cục đã tham mưu Bộ NN&PTNT ban hành công văn gửi các tỉnh phía Bắc về việc khẩn trương tổ chức các giải pháp khắc phục hậu quả và khôi phục sản xuất sau bão số 3", ông Luân nói.

Cục Thủy sản đã đưa ra các giải pháp khôi phục sản xuất, trong đó, đặc biệt quan tâm đến vấn đề hỗ trợ vật liệu làm lồng, bè, con giống, thức ăn, sản phẩm xử lý môi trường nuôi trồng thủy sản cho người dân bị thiệt hại nhằm khôi phục sản xuất.

Đồng thời, tổ chức quan trắc, giám sát môi trường nuôi trồng thủy sản tại các vùng bị ảnh hưởng do bão, kịp thời thông tin tới người dân về chất lượng nước nuôi trồng thủy sản, đảm bảo người dân khôi phục sản xuất sớm.

Trong lĩnh vực chăn nuôi, ông Phạm Kim Đăng, Phó Cục trưởng cục Chăn nuôi cho hay, trong bão, lũ vừa qua có 5 địa phương thiệt hại nhiều nhất là: Hải Phòng, Quảng Ninh, Yên Bái, Hà Nội và Thái nguyên.

"Ngay sau khi bão xảy ra, từ ngày 10-16/9, Cục Chăn nuôi đã thành lập các đoàn công tác đi khảo sát, chỉ đạo khắc phục tại các tỉnh thiệt hại. Qua khảo sát cho thấy các trang trại đều bị tốc mái, đổ tường, hệ thống điện cung cấp cho trang trại bị gãy đổ hiện nay không thể cung cấp điện cho các trang trại. Có những trang trại không thể phục hồi được…", ông Đăng cho biết.

Bão số 3 được nhận định là siêu bão và các công trình phòng chông thiên tai, cơ sở hạ tầng không đủ sức chống chịu. Ảnh: Thanh Thanh.

Theo đại diện Cục Chăn nuôi, các, địa phương cần chủ động xây dựng kế hoạch phục hồi ngành chăn nuôi; Có kế hoạch cung cấp con giống, thức ăn, vật tư đầu vào phục vụ sản xuất; gia cố chuồng trại để phục hồi và phát triển sản xuất phục phù hợp với điều kiện ở địa phương.

Các địa phương cũng cần xây dựng kế hoạch nhu cầu nguồn giống vật nuôi, có phương án tiếp nhận con giống cung cấp cho người chăn nuôi khi được hỗ trợ con giống. Đặc biệt là xây dựng kịch bản về nguồn cung giống gia cầm 1 ngày tuổi để hỗ trợ cho các địa phương khôi phục ngành chăn nuôi.

Để khôi phục sản xuất thành công, hiệu quả, ông Nguyễn Văn Long, Cục trưởng Cục Thú y đề nghị các địa phương tổ chức thực hiện tổng vệ sinh, tiêu độc, khử trùng ngay sau khi đợt mưa, lũ kết thúc để tiêu diệt các loại mầm bệnh trong môi trường.

Đơn vị chuyên môn hướng dẫn người chăn nuôi vệ sinh, khử trùng khu vực chăn nuôi và dụng cụ chăn nuôi; thu gom, xử lý chất thải chăn nuôi, tiêu hủy xác động vật chết sau mưa lũ để giảm thiểu lây lan dịch bệnh và ô nhiễm môi trường. Chăm sóc, nâng cao sức đề kháng cho đàn vật nuôi bằng cách cung cấp đầy đủ thức ăn, bổ sung dinh dưỡng phù hợp với từng đối tượng nuôi, cũng như việc tiêm phòng vaccine đầy đủ đối với các bệnh phổ biến của từng loại vật nuôi…

Chọn đôi tượng phù hợp đế tái thiết

Phó chủ tịch UBND TP. Hải Phòng Nguyễn Đức Thọ cho biết để tái thiết, quan trong nhất bây giờ là cần có hướng dẫn, tập huấn. Ngoài ra, Bộ NN&PTNT cũng cần có định hướng, hướng dẫn địa phương có quy trình, hạ tầng để có thể ứng phó với những thiên tai khắc nghiệt, như với bão giật cấp 17 thì tiêu chuẩn chuồng trai, lồng bè như thế nào…

Thứ trưởng Phùng Đức Tiến nhấn mạnh: Cần làm ngay và luôn. Ảnh: Thanh Thanh.

Lãnh đạo UBND TP. Hải Phòng cũng đề nghị Bộ NN&PTNT tiếp tục nghiên cứu chính sách đề xuất Chính phủ hỗ trợ bà con sau thiên tai, để bà con yên tâm khôi phục sản xuất.

Là doanh nghiệp có bề dày hơn 20 năm nuôi trồng thủy sản, ông Ngô Hùng Dũng, Giám đốc Công ty CP Thủy sản Tân An chia sẻ, ông chưa thấy cơn bão nào gây thiệt hại nặng nề như cơ bão số 3 vừa qua. Gần 4.000 tấn hàu gần cho thu hoạch đã mất trắng. Không chỉ trên biển, doanh nghiệp có 2 cơ sở nuôi trong đất liền cũng bị thiệt hại hoàn toàn. Cơ sở cũng chỉ được cấp lại diện cách đây mấy ngày.

"Để khôi phục sản xuất, việc đầu tiên của doanh nghiệp là phải xây dựng lại chỗ ăn ở sinh hoạt cho người lao động. Sau đó mới khắc phục hạ tầng điện, ao nuôi, ao nào ít bị ảnh hưởng thì khắc phục trước và tính tới khôi phục sản xuất…", ông Dũng chia sẻ. Đồng thời cho biết, khó khăn đối với doanh nghiệp hiện nay là giữ chân người lao động trong lúc khó khăn như hiện nay, đồng thời phải bắt tay ngay vào sản xuất.

"Mùa Đông đang đến gần, nếu nuôi thủy sản chậm thì khả năng tăng trưởng của vật nuôi gần như không có. Trong điều kiện hiện nay nên nuôi hàu khi lượng phù du đang nhiều, khả năng 6 tháng có thể thu hoạch thay vì bình thường phải 8 tháng. Cá biển cùng nên nuôi loại cho thu hoạch 1 năm, loại cá có giá trị cao như cá song cũng phải mất 3 năm…", ông Dũng gợi ý.

Tại hội nghị, đại diện doanh nghiệp cũng xúc động chia sẻ trong hoàn cảnh khó khăn doanh nghiệp đã nhận được sự chia sẻ, hỗ trợ của các tổ chức, cá nhân khác. “Có nhưng đơn vị cung cấp giống hỏi chúng tôi kê khai cần bao nhiêu để hộ trợ, có đơn vị cung cấp thiết bị vật tư sẵn sàng khoanh nợ và tiếp tục cung cấp để chúng tôi phục hồi sản xuất…”- Ông Dũng chia sẻ.

Ông Ngô Hùng Dũng, Giám đốc Công ty CP Thủy sản Tân An chia sẻ tại hội nghị. Ảnh: Thanh Thanh.

Đại diện Công ty DBLP tái khẳng định hỗ trợ 1 triệu cây giống rong biển để giúp người dân nhanh chóng tái sản xuất. Ông Đỗ Linh Phương, Giám đốc điều hành, nhà sáng lập Công ty DBLP cho biết, nuôi rong biển sẽ không phải đầu tư lớn lại cho thu hoạch nhanh, doanh nghiệp cam kết đầu ra bởi hiện nay Việt Nam đang phải nhập 2 triệu tấn rong biển mỗi năm. "Cơn bão só 3 là mới chỉ bất đầù, cái chúng ta nhìn thấy được là tác động vậy lý, tiếp theo cần phải đầu tư sản xuất thị trường như thế nào để sống chung với biến đổi khí hậu…", đại diện doanh nghiệp bày tỏ quan điểm,

Thứ trưởng Phùng Đức Tiến cũng đặt biệt lưu ý các địa phương cần trồng cây gì, nuôi còn gì trong bối cảnh tái thiết sau bão và rong biển là một gợi ý.

"Từ nay đến cuối năm, chúng ta có đủ thời gian để nuôi một lứa lợn thịt, còn thời gian nuôi một đàn gia cầm, cũng như nuôi trồng thủy cầm chất lượng cao. Do đó, Bộ đã chỉ đạo Cục Thú y, Cục Chăn nuôi, Cục Thủy sản và Trung tâm Khuyến nông Quốc gia phối hợp với các địa phương để hướng dẫn triển khai…", Thứ trưởng cho biết và đề nghị trong mỗi lĩnh vực các đơn vị cử cán bộ kỹ thuật xuống địa phương để "cầm tay, chỉ việc".

"Chúng ta đã có hệ thống từ Trung ương đến địa phương; Giống, thức ăn, vật tư đã sẵn sàng. Nếu không làm là tại chúng ta!", Thứ trưởng Tiến nhấn mạnh.

Đồng thời yêu cầu: "Đã phòng chống, khắc phải tốt, cần phải khôi phục tốt". "Nông nghiệp có yếu tố vụ mùa, thị trường nên phải thực hiện nay và luôn với tinh thần nhanh chóng nhất, quyết liệt nhất, hiệu quả nhất", lãnh đạo Bộ NN&PTNT chỉ đạo quyết liệt tại hội nghị.

Các doanh nghiệp, mạnh thường quân trao hỗ trợ cho các địa phương bị thiệt hại hại sau bão, lũ. Ảnh: Thanh Thanh.

Đã cam kết hỗ trợ phải thực hiện, không "phông bạt"
Thứ trưởng Phùng Đức Tiến cho biết, đến thời điểm hiện tại các doanh nghiệp, mạnh thưởng quân đã hỗ trợ/ cam kết hỗ trợ cho ngành chăn nuôi, thủy sản gần 190 tỷ đồng. Con số này so với thiệt hại mà bão số 3 và mưa lũ gây ra không lớn nhưng thể hiện tinh thần tương thân tương ái, sự chung tay của các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân.
"Bộ sẽ tiếp nhận chung và phân bổ đúng địa chỉ, doanh nghiệp hỗ trợ địa phương nào cần ghi rõ số lượng, quy ra giá trị, đóng dấu xác nhận. Tinh thần "tương thân tương ái" là rất quan trọng, tuy nhiên đợt úng hộ miền Trung trước đây đã có tình trạng mà dư luận gọi là "phông bạt". Vì vậy đề nghị các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân đã cam kết thì phải thực hiện để có sản phẩm, vậy tư, con giống phục hồi sản xuất nhanh chóng…", Thứ trưởng Tiến đề nghị.

Theo Tạp chí Nhà đầu tư

Chia sẻ:


Bình luận bài viết

Tin cùng chuyên mục