Không chỉ sản xuất con giống, Viện Nghiên cứu Nuôi trồng thủy sản III còn nghiên cứu, chuyển giao các quy trình nuôi mới có tính đột phá và ứng dụng cao trong thực tế.
Nhiều công nghệ nuôi mới
Theo TS Mai Duy Minh (Viện Nghiên cứu Nuôi trồng thủy sản III - gọi tắt là Viện), không chỉ làm chủ công nghệ sản xuất con giống nhận tạo, Viện còn nghiên cứu, chuyển giao các quy trình nuôi mới có tính đột phá và được ứng dụng rộng rãi vào thực tiễn sản xuất.
Chẳng hạn như quy trình nuôi thương phẩm tôm thẻ chân trắng được Trung tâm quốc gia Giống hải sản miền Trung (đơn vị trực thuộc Viện) xây dựng trong các mô hình ao đất chuyển sang ao lót bạt và phát triển sang công nghệ tuần hoàn nước (RAS). Đây là một công nghệ tiên tiến trong nuôi trồng thủy sản, giúp tiết kiệm nước và giảm thiểu tác động đến môi trường.
Thời gian qua, mô hình nuôi tôm thẻ trong ao đã được phát triển mạnh ở khu vực miền Trung và lan tỏa ra nhiều tỉnh thành trên cả nước, đánh dấu mốc phát triển của nghề nuôi tôm thẻ chân trắng tại Việt Nam. Đến nay, mô hình nuôi tuần hoàn (RAS) đã được Viện áp dụng có thể đạt năng suất trên 30kg/m3, đem lại hiệu quả kinh tế cao, giảm thiểu rủi ro.
Bên cạnh đó, ốc hương là loài đặc sản biển có giá trị kinh tế cao. Trước đây, chúng là sản phẩm được khai thác ngoài tự nhiên với số lượng hạn chế nên rất ít người được thưởng thức. Ngược lại, ngày nay ai cũng có thể thưởng thức hương vị đặc trưng của ốc hương nhờ vào sự phát triển theo chuỗi kỹ thuật nuôi của Viện từ sản xuất giống, nuôi thương phẩm bằng đăng lồng, ao đất, bể xi măng cho đến mô hình nuôi RAS giúp tăng năng suất rất cao, từ 10 - 12kg/m2.
“Đối với nuôi ốc hương, chúng tôi đã xây dựng hệ thống nuôi thủy sản tuần hoàn tái sử dụng nước, dùng thức ăn công nghiệp. Hiện nay, sản phẩm thức ăn công nghiệp nuôi ốc hương được người dân đón nhận, góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường, giảm công lao động, nâng cao hiệu quả kinh tế. Hơn nữa, các nhà khoa học của Viện cũng đã sáng chế ra máy đa năng phục vụ quá trình cải tạo, vệ sinh đáy ao, san thưa và thu hoạch ốc hương hiệu quả”, TS Mai Duy Minh cho biết.
Quy trình nuôi thương phẩm cá chẽm Lates calcarifer (Bloch, 1790) trong lồng sử dụng thức ăn công nghiệp; quy trình kỹ thuật nuôi thương phẩm sá sùng (Sipunculus nudus) trong ao đất của Viện cũng đã được Bộ NN-PTNT công nhận tiến bộ kỹ thuật; quy trình nuôi cá mú Trân Châu, hàu đơn đã được chuyển giao cho các đơn vị trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa và mở rộng chuyển giao cho nhiều tổ chức, cá nhân ở các địa phương khác.
Các quy trình sản xuất giống một số loài cá tầm và nuôi thương phẩm cá hồi vân, cá tầm trong bể nước chảy và trong lồng trên hồ chứa cũng đã tạo làn sóng phát triển nuôi cá nước lạnh trong khu vực miền Trung - Tây Nguyên, tạo ra khoảng 70% sản lượng cá nước lạnh trong cả nước, góp phần đáng kể phát triển kinh tế - xã hội của vùng. Đây là sản phẩm từ kết quả nghiên cứu của các chương trình do Bộ NN-PTNT và các địa phương Khánh Hòa, Lâm Đồng giao Viện thực hiện từ năm 2012 đến nay.
Từ các tiến bộ kỹ thuật trên, thông qua xây dựng các mô hình trình diễn khuyến nông, các lớp tập huấn, các tư liệu và băng hình về kỹ thuật phát lên các phương tiện thông tin đại chúng, các tiến bộ kỹ thuật của Viện đã được chuyển giao, nhân rộng, ứng dụng vào thực tế sản xuất.
Những năm gần đầy, mô hình nuôi cá chình thương phẩm đã được Viện nghiên cứu, ứng dụng và chuyển giao trên khắp cả nước. Bên cạnh các mô hình RAS được nhiều doanh nghiệp ở miền Trung và miền Bắc tiếp nhận, các mô hình nuôi cá chình quảng canh trong ao cũng đã được Viện triển khai, tạo sinh kế cho nhiều hộ dân ở miền núi phía Bắc, miền Trung - Tây Nguyên và vùng ĐBSCL.
Hiện thức ăn công nghiệp nuôi cá chình cũng được Viện nghiên cứu và ứng dụng, bước đầu đem lại hiệu quả trong sản xuất, giảm thiểu tác động xấu đến môi trường khi sử dụng thức ăn tươi trong giai đoạn ương và nuôi thương phẩm.
Thúc đẩy phát triển mô hình kinh tế xanh
Với mục tiêu phát triển kinh tế xanh, tuần hoàn, đảm bảo bền vững, Viện đã phát triển và nhân rộng các mô hình nuôi ghép các đối tượng khác nhau trong cùng một hệ thống nuôi.
Điển hình cho nhóm nghiên cứu này là nghiên cứu nuôi ghép đa đối tượng đã được nhận giải thưởng Vifotec của Bộ Khoa học và Công nghệ. Tiếp đến là nghiên cứu nuôi ghép hải sâm với ốc hương trong ao bằng thức ăn công nghiệp đã được chuyển giao nhân rộng ở các tỉnh khu vực miền Trung và ngoài nước (Philippines, Sri Lanka).
Theo TS Mai Duy Minh, hải sâm chung sống với ốc hương sẽ duy trì môi trường đáy ao tơi xốp, sạch ổn định, tạo điều kiện thuận lợi cho ốc hương sinh trưởng nhanh, đạt tỉ lệ sống cao, tăng giá trị sản phẩm trên một đơn vị diện tích nuôi. Đây là mô hình được bạn bè quốc tế và người nuôi thủy sản nước ta đánh giá rất cao.
Tôm hùm cũng là đối tượng nuôi truyền thống ở miền Trung. Viện đã nghiên cứu, phát triển nhiều quy trình công nghệ được Bộ NN-PTNT công nhận như: Quy trình ương tôm hùm (Panulirus ornatus) giống trong lồng; quy trình kiểm soát Vibrio alginolyticus gây bệnh đỏ thân trên tôm hùm (Panulirus spp.) nuôi lồng; quy trình kiểm soát Rickettsia like bacteria (RLB) gây bệnh sữa trên tôm hùm (Panulirus spp.) nuôi lồng; giải pháp kỹ thuật điều trị bệnh sữa và bệnh đỏ thân trên tôm hùm nuôi lồng; quy trình nuôi tôm hùm trên cạn trong hệ thống tuần hoàn (RAS) kết hợp sử dụng thức ăn công nghiệp.
Ngoài ra, nhiều quy trình công nghệ khác cũng nuôi khác của Viện đã được Bộ NN-PTNT công nhận, được các doanh nghiệp và người nuôi ứng dụng thành công vào thực tiễn sản xuất nuôi thủy sản, qua đó khẳng định vị thế và những đóng góp to lớn của Viện trong việc phát triển nghề nuôi trồng thủy sản Việt Nam. Chẳng hạn như quy trình kiểm soát Vibrio spp. gây bệnh hoại tử gan tụy cấp (AHPND) trên tôm thẻ chân trắng (Litopenaeus vannamei); quy trình công nghệ nuôi thương phẩm hải sâm cát (Holothura scabra) trong ao; quy trình sản xuất giống và nuôi giun cát (giun nhiều tơ) Perinereis nuntia var. brevicirris…
“Chúng tôi đã nghiên cứu ra thức ăn công nghiệp nuôi được tôm hùm bông và tôm hùm xanh. Quy trình công nghệ nuôi tôm hùm trong RAS bằng thức ăn công nghiệp cũng đã được chúng tôi tư vấn, chuyển giao cho một số đơn vị, doanh nghiệp, chẳng hạn như Công ty TNHH Thủy sản Đắc Lộc (Phú Yên)”, TS Mai Duy Minh chia sẻ và cho biết thêm, đây là mô hình đầy triển vọng trong thời tới, góp phần phát triển nghề nuôi tôm hùm bền vững tại Việt Nam. |
Theo Báo Nông Nghiệp Việt Nam