Việc cấp mã số cho cơ sở NTTS cũng giống như cấp "giấy khai sinh" cho các đối tượng thủy sản nuôi chủ lực của các địa phương. Từ mã số này sẽ xác định được chủ cơ sở nuôi và nguồn gốc sản phẩm, qua đó, tăng cường hiệu lực quản lý Nhà nước, nâng cao giá trị sản phẩm và đáp ứng yêu cầu về xuất khẩu.
Lãnh đạo tỉnh Bạc Liêu thăm mô hình nuôi tôm ở huyện Đông Hải. Ảnh: CTV
Yêu cầu bắt buộc
Theo quy định của Luật Thủy sản 2017: tôm sú, tôm thẻ chân trắng cùng với một số đối tượng thủy sản nuôi khác, các cơ sở nuôi phải đăng ký và được cấp mã số cơ sở nuôi. Đây là quy định bắt buộc nhằm đáp ứng yêu cầu về truy xuất nguồn gốc của thị trường nhập khẩu. Việc cấp mã số nuôi còn góp phần nâng cao giá trị tôm nuôi khi có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng.
Trên thực tế, việc đăng ký vùng nuôi, đánh mã số ao nuôi đã được triển khai từ lâu. Nghị định số 26/2019/ND-CP ngày 8/3 2019 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Thủy sản đã nêu rất rõ vai trò của địa phương về công tác cấp mã số cơ sở nuôi tôm.
Theo thống kê từ Tổng cục Thủy sản, riêng khu vực ĐBSCL có 494.635 cơ sở nuôi tôm nước lợ thuộc đối tượng phải thực hiện đăng ký và cấp giấy xác nhận. Tuy nhiên, 8 tỉnh ven biển ĐBSCL có nuôi tôm nước lợ mới cấp được 1.790 cơ sở. Đối với cá tra, việc cấp mã số vùng nuôi được thực hiện tốt hơn, đến nay có 1206/6.500 ao nuôi trong toàn vùng được cấp mã số cơ sở nuôi.
Bạc Liêu đang xây dựng trở trung tâm công nghiệp ngành tôm của cả nước nền việc đẩy mạnh cấp mã số vùng nuôi được xem là một trong những giải pháp nâng cao chuỗi giá trị ngành hàng tôm của tỉnh nói riêng ngành tôm Việt Nam nói chung trên thị trường thế giới.
Chia sẻ về vấn đề này, ông Tạ Hoàng Nhiệm - Chủ tịch Hiệp hội tôm tỉnh Bạc Liêu cho biết, những năm gần đây, yêu cầu của các thị trường nhập khẩu, nhất là các thị trường khó tính rất quan tâm đến công tác truy xuất nguồn gốc.
Nếu không đáp ứng đủ các điều kiện này, có khả năng một số thị trường sẽ không nhập khẩu tôm Việt Nam nói chung, tôm của tỉnh Bạc Liêu nói riêng. Lúc ấy, số lượng tôm nuôi không có mã số sẽ có nguy cơ đối mặt với việc không có thị trường tiêu thụ.
Nhận thấy được tính chất quan trọng cũng như lợi ích lâu dài của vấn đề cấp mã số vùng nuôi, nhất là khi sản lượng tôm nuôi của Bạc Liêu cần đầu ra rất lớn, các doanh nghiệp, hợp tác xã trên địa bàn tỉnh đã bắt đầu quan tâm đến việc xin cấp mã số vùng nuôi.
Chi cục Thủy sản tỉnh Bạc Liêu cho biết, tính từ năm 2019 đến nay đã có 850 cơ sở nuôi tôm được cấp mã số vùng nuôi với diện tích trên 1.200ha. Chỉ trong tháng 6/2022, ngành chức năng tỉnh Bạc Liêu đã tiếp nhận và kiểm tra, thẩm định cấp giấy xác nhận cho 9 cơ sở nuôi tôm (huyện Đông Hải) với diện tích 26,9 ha, gồm 53 ao nuôi.
Như vậy, đến nay, ngành chức năng đã cấp giấy xác nhận cho 836 cơ sở với tổng diện tích gần 1.266 ha, gồm 4.111 ao nuôi.
Là địa phương có nhiều thế mạnh về NTTS nhất là nuôi thủy sản lồng bè của tỉnh Quảng Ninh, nhưng theo ghi nhận, tính đến tháng 8/2022, Chi cục Thủy sản tỉnh mới chỉ thực hiện cấp giấy xác nhận NTTS lồng bè cho 62 cơ sở trên địa bàn huyện Văn Đồn.
Bao gồm Công ty TNHH Quan Minh và 61 hồ nuôi cá nhân, tổng số 532 lồng bè, diện tích nuỗi tiến 336 ha, tập trung nhiều nhất ở các xã Bản San, Đông Xá và Hạ Long.
Số hóa mặt nước
Ông Đỗ Đình Minh - Chi Cục trưởng Chi cục Thủy sản Quảng Ninh cho biết, trong thời gian tới, tỉnh sẽ tăng cường thẩm định, cấp các mã vùng nuôi, mã cho cơ sở chế biến an toàn. Đồng thời, xây dựng các mô hình liên kết sản xuất, nuôi trồng làm nền tảng để sản phần thủy sản Quảng Ninh có thể tiếp cận các thị trường khó tính song mang lại giá trị cao.
Đặc biệt, Sở NNPTNT sẽ rà soát hoàn thiện các thông số không gian biển, tích hợp vào quy hoạch chung, tiến tới số hóa mặt nước. Còn đại diện Công ty CP XNK Quảng Ninh cho biết, việc cấp mã vùng NTTS sẽ đáp ứng được yêu cầu về chất lượng, độ an toàn và truy xuất nguồn gốc sản phẩm.
Bên cạnh đó, việc cấp mã vùng NTTS còn làm thay đổi nhận thức, hành động của người dân, doanh nghiệp trong việc năng cao năng suất, diện tích, chất lượng và đầu ra cho sản phẩm.
Hiện Bạc Liêu có 135.000 ha NTTS và gần 150.000 ha trồng lúa. Trong đó, có hơn 100.000 ha NTTS và lúa phải thực hiện cấp mã số vùng trồng, vùng nuôi. Đây là một thách thức không hề nhỏ, nhất là các HTX, người dân trồng lúa và nuôi tôm.
Mặc dù, việc cấp mà số vùng trồng, vùng nuôi trong thời gian qua tại Bạc Liêu có tăng, nhưng tỷ lệ còn thấp so với thực tế diện tích NTTS và trồng lúa.
Nguyên nhân chủ yếu do việc triển khai tuyên truyền, hướng dẫn thủ tục đăng ký nuôi, trồng đến người dân còn chậm. Các địa phương và người dân chưa hiểu rõ mục đích, lợi ích của việc đăng ký cấp mà số cho vùng trồng, vùng nuôi cơ sở trồng, nuôi nên việc các mã số cho 2 đối tượng nuôi trông chủ lực của tỉnh là con tôm, cây lúa còn thấp.
Để công tác này thực hiện hiệu quả, Sở NNPTNT Bạc Liêu đang quyết liệt triển khai các giải pháp cấp mã số vùng trồng, vùng nuôi như: Phối hợp với các huyện, thị xã, thành phố đẩy mạnh công tác tuyên truyền, tổ chức hướng dẫn tập huấn cho cán bộ ở các xã, phường, thị trấn và người dân ở các vùng trồng lúa, nuôi tôm, cơ sở chế biến và xuất khẩu về các quy định và yêu cầu kỹ thuật của nước nhập khẩu.
Hướng dẫn nông dân các vùng trồng, các cơ sở đóng gói thiết lập vùng trồng và cơ sở đóng gói, lập và lưu hồ sơ, quản lý sinh vật gây hại; vùng nuôi, đặc biệt là nuôi tôm phải đăng ký mã số vùng nuôi, cơ sở nuôi theo yêu cầu xuất khẩu, đảm bảo truy xuất nguồn gốc, vệ sinh ATTP.
Đề xử lý các vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ việc đăng ký, cấp mã số cơ sở nuôi tằm nước lợ, ông Trần Đình Luân, Tổng Cục trưởng Tổng cục Thủy sản (Bộ NNPTNT) cho biết, đơn vị đã và đang nỗ lực triển khai một số nội dung như: Tiếp tục tuyên truyền, phổ biến các quy định về đăng ký, cấp giấy xác nhận mã số trên các phương tiện thông tin đại chúng để người nuôi năm được và tự giác thực hiện.
Nông dân chăn nuôi tôm công nghệ cao ở Bạc Liêu. Ảnh: CTV
Giới thiệu các địa phương có mô hình hay, kinh nghiệm tốt như Sóc Trăng, Quảng Ninh... để các địa phương khác học tập, nhân rộng. Đồng thời, tăng cường thành tra, kiểm tra, xử lý các vi phạm trong đăng ký NTTS. Nhanh chóng tháo gỡ các vương mặc liên quan đến quy định về hồ sơ, giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, đồng thời rà soát, đề xuất nội dung sửa đổi, bổ sung quy định tại Nghị định số 26 2019 ND-CP cho phù hợp.
Nhấn mạnh vai trò của các bên sớm đẩy mạnh việc cấp mã số vùng nuôi, ông Hồ Quốc Lực, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Thực phẩm Sao Ta nhận định, các doanh nghiệp chế biến nên chung tay với ngành để tháo gỡ khó khăn bằng cách khi thu mua tôm doanh nghiệp có thể thưởng thêm trong giá mua tại các cơ sở nuôi đã được cấp mã số, còn các hộ nuôi chưa có mã số thì bán vào các thị trường nhỏ sẽ được mua với giá thấp hơn.
Từng bước tháo gỡ khó khăn
Thứ trưởng Bộ NNPTNT Phùng Đức Tiến từng chia sẻ: Riêng về truy xuất nguồn gốc của ao nuôi tôm đang chịu ảnh hưởng của Luật Đất đai, do đó cần có những kiến nghị để sửa lại Luật Đất đai. Bên cạnh đó, đây không chỉ là việc của riêng Bộ NNPTNT mà còn là của Bộ Tài nguyên và Môi trường.
"Bộ NNPTNT sẽ chủ động mời Bộ Tài nguyên và Môi trường cùng bàn để phổ biến tới các địa phương tháo gỡ khó khăn, nhằm đảm bảo truy xuất nguồn gốc cho ngành tôm, từ đó, đảm bảo các tiêu chí, yêu cầu của thị trường", ông Tiến khẳng định.
Nhằm tháo gỡ khó khăn trong công tác triển khai cấp mã số cơ sở nuôi tôm, ông Trần Đình Luân nhấn mạnh: "Với tinh thần giảm tối đa những điều kiện để các hộ nuôi có thể đăng ký và được cấp mã số vùng nuôi. Cần thực hiện song song các nhiệm vụ, vừa điều chỉnh lại quy định của pháp luật, bên cạnh đó đôn đốc chính quyền các địa phương vào cuộc cùng các cơ quan chuyên môn, hướng dẫn cấp huyện, xã giúp cho bà con hoàn thiện việc đăng ký cấp mã số cơ sở nuôi".
Còn theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP) cùng cộng đồng doanh nghiệp đề nghị, cần tích cực phối hợp, tuyên truyền, hướng dẫn các cơ sở nuôi tôm xuất khẩu thực hiện nghiêm việc đăng ký, cấp mã số theo quy định tại Luật Thủy sản, các văn bản quy định chi tiết và đáp ứng yêu cầu từ thị trường nhập khẩu. Với các doanh nghiệp và người nuôi tôm, cần thực hiện nghiêm việc đăng ký, cấp mã số theo quy định tại Luật Thủy sản.
Song song với đó, chính người nuôi tôm cũng cần phải nhận thức rõ lợi ích và tầm quan trọng và cấp thiết của việc đăng ký, cấp mã số cơ sở nuôi. Cùng với Nhà nước, doanh nghiệp, tạo điều kiện cho công tác xuất khẩu, đảm bảo an toàn thực phẩm cho sản phẩm tôm, từ đó khẳng định thương hiệu cho ngành hàng tôm của Việt Nam trên thị trường thế giới.
Bảo Ngọc (Theo Dân Việt)