(vasep.com.vn) XK mực, bạch tuộc của Việt Nam 5 tháng đầu năm nay đạt 243,3 triệu USD, tăng nhẹ 1,7% so với cùng kỳ năm ngoái. XK sang các thị trường chính như Hàn Quốc, Nhật Bản, Mỹ duy trì mức tăng trưởng hai con số tuy nhiên XK sang các thị trường chính còn lại như EU, ASEAN, Trung Quốc lại giảm khá mạnh.
5 tháng đầu năm nay, XK mực, bạch tuộc Việt Nam chỉ tăng trong hai tháng 1 và 3/2019, các tháng còn lại đều giảm. Tháng 5 năm nay, XK mực, bạch tuộc của Việt Nam giảm với tốc độ tương đương hồi tháng 2 là 13%. Tháng 5/2019, XK mực, bạch tuộc Việt Nam sang Mỹ và Nhật Bản tăng lần lượt 48% và 16,5%. XK sang Hàn Quốc và EU giảm nhẹ lần lượt 3% và 9%. XK sang ASEAN, Trung Quốc giảm mạnh lần lượt 43% và 65% so với cùng kỳ năm ngoái.
Trong tổng cơ cấu mực, bạch tuộc XK của Việt Nam, bạch tuộc chiếm tỷ trọng cao hơn với 52,8%, còn lại mực chiếm 47,2%. Việt Nam vẫn chủ yếu XK các sản phẩm mực, bạch tuộc sống/tươi/đông lạnh (chiếm tỷ trọng 72%), các sản phẩm chế biến vẫn chưa nhiều (chiếm 28%).
Trong tổng cơ cấu các sản phẩm mực, bạch tuộc XK, bạch tuộc khô/muối/ sống/tươi/đông lạnh (HS 03) tăng trưởng mạnh nhất 28%; mực khô/nướng (HS 03) giảm mạnh nhất 28% so với cùng kỳ năm 2018.
Hàn Quốc vẫn là thị trường NK mực, bạch tuộc lớn nhất của Việt Nam, chiếm tỷ trọng 43% tổng XK mực, bạch tuộc của Việt Nam đi các thị trường. 5 tháng đầu năm nay, XK mực, bạch tuộc sang Hàn Quốc đạt 104 triệu USD, tăng 19% so với cùng kỳ năm 2018. Sau khi tăng trưởng liên tục trong 4 tháng đầu năm nay, XK mặt hàng này sang Hàn Quốc trong tháng 5 giảm nhẹ 3,4%. Nhu cầu tiêu thụ ổn định cộng với lợi thế thuế quan từ Hiệp định Thương mại Tự do giữa Việt Nam và Hàn Quốc (VKFTA) góp phần hỗ trợ cho hoạt động XK mực, bạch tuộc Việt Nam sang thị trường này.
Nhật Bản, thị trường NK mực, bạch tuộc lớn thứ 2 của Việt Nam, NK hơn 61 triệu USD mực, bạch tuộc từ Việt Nam trong 5 tháng đầu năm nay, tăng 11,3% so với cùng kỳ năm 2018. Sau khi giảm trong tháng 4/2019, XK mực, bạch tuộc của Việt Nam sang Nhật Bản đã tăng trở lại 16,5% trong tháng 5.
So về thuế, hiện các sản phẩm bạch tuộc chế biến NK từ Thái Lan và Philippines vào Nhật Bản đang có lợi thế với mức thuế 0%, trong khi đó từ Việt Nam và Indonesia là 1,8%, và từ Trung Quốc 6,9%. Hiệp định CPTPP chính thức có hiệu lực từ đầu năm nay sẽ tạo thuận lợi cho XK mực, bạch tuộc sang Nhật Bản trong thời gian tới.
EU là thị trường NK mực, bạch tuộc lớn thứ 3 của Việt Nam, chiếm 11,4% tổng giá trị XK mực, bạch tuộc của Việt Nam đi các thị trường. XK mặt hàng này sang thị trường EU 5 tháng đầu năm nay đạt 27,7 triệu USD, giảm 12,3% so với cùng kỳ năm ngoái. Italy, Tây Ban Nha, Hà Lan là 3 thị trường NK mực, bạch tuộc lớn nhất của Việt Nam trong khối EU. XK sang Tây Ban Nha và Hà Lan tăng lần lượt 15% và 57% trong khi XK sang Italy giảm 21% so với cùng kỳ năm 2018.
Trong nhóm sản phẩm mực, bạch tuộc, Việt Nam XK chủ yếu các sản phẩm mực sang thị trường EU, chiếm từ 75% - 86% tổng giá trị XK mực, bạch tuộc của Việt Nam sang EU.
Tác động từ thẻ vàng của thị trường EU là một trong những nguyên nhân khiến XK mực, bạch tuộc Việt Nam sang thị trường này chưa thể tăng.
Việt Nam hiện đang là 1 trong 10 nguồn cung mực, bạch tuộc lớn nhất cho thị trường EU, chiếm khoảng 1,5% tổng kim ngạch NK. Việt Nam là nước XK mực chế biến đứng thứ 4 vào Châu Âu, chiếm trên 6% tổng giá trị NK mặt hàng này của EU.
Trong bối cảnh, Hiệp định Thương mại Tự do giữa Việt Nam và EU (EVFTA) chuẩn bị có hiệu lực, XK mực, bạch tuộc Việt Nam sang EU sẽ được giảm bớt khó khăn do được hưởng những ưu đãi về thuế. Theo cam kết trong EVFTA, một số sản phẩm mực, bạch tuộc chế biến đang có mức thuế cơ bản khá cao (20%) sẽ được giảm ngay về 0% … Hầu hết các sản phẩm mực, bạch tuộc đông lạnh đang có mức thuế cơ bản 6-8% sẽ được giảm ngay về 0%.
XK mực, bạch tuộc sang Trung Quốc giảm 50% đạt gần 10 triệu USD tính tới tháng 5 năm nay do Việt Nam phải cạnh tranh với nhiều nguồn cung giá rẻ trên thị trường này.
Dự báo XK mực, bạch tuộc của Việt Nam trong các tháng tới sẽ tiếp tục duy trì đà tăng trưởng dương.