Tháng 7/2019: Xuất khẩu nhuyễn thể 2 mảnh vỏ của Việt Nam tăng 42%

(vasep.com.vn) Quý I/2019, XK nhuyễn thể 2 mảnh vỏ của Việt Nam tăng nhẹ 0,6% chủ yếu nhờ XK tăng mạnh vào tháng 1, nhưng từ tháng 2 đến hết tháng 6 XK liên tục sụt giảm. XK nhuyễn thể hai mảnh vỏ đảo chiều tăng trong tháng 7. Bảy tháng đầu năm nay, XK mặt hàng này đạt gần 52 triệu USD, tăng nhẹ 0,24% so với cùng kỳ năm ngoái.

Tính đến hết tháng 7/2019, Việt Nam XK nhuyễn thể hai mảnh vỏ sang 55 thị trường, so với cùng kỳ năm 2018 xuất sang 45 thị trường. EU, Nhật Bản và Mỹ là 3 thị trường lớn nhất chiếm 90% giá trị XK nhuyễn thể hai mảnh vỏ của Việt Nam, trong đó EU chiếm 66% (so với cùng kỳ năm 2018 là 64%), Nhật Bản chiếm và Mỹ đều chiếm 12%.

Tháng 7/2019, nhờ XK nhuyễn thể hai mảnh vỏ sang 3 thị trường chính đồng loạt tăng trưởng 2 con số nên tổng XK mặt hàng này trong tháng 7 năm nay tăng 42%. XK nhuyễn thể hai mảnh vỏ sang Nhật Bản tăng trưởng mạnh nhất 63%, XK sang Mỹ tăng 48% và XK sang EU tăng 32%.

Bảy tháng đầu năm, XK nhuyễn thể 2 mảnh vỏ sang 3 thị trường chính đều tăng trưởng dương nhờ tăng trưởng mạnh trong tháng 7. XK mặt hàng này sang EU tăng 1,7% đạt 33,6 triệu USD. Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha và Italy là 3 thị trường NK chính mặt hàng này của Việt Nam trong khối EU. Tính tới tháng 7 năm nay, XK nhuyễn thể 2 mảnh vỏ sang Tây Ban Nha tăng 14%, sang Bồ Đào Nha giảm 7,9%, sang Italy giảm 1,9% so với cùng kỳ năm ngoái. XK sang Nhật Bản và Mỹ 7 tháng đầu năm nay tăng lần lượt 42% và 6,5%.

Nhu cầu nhuyễn thể hai mảnh vỏ trên thị trường thế giới vẫn tốt, ngày càng có thêm nhiều người tiêu dùng ưa chuộng sản phẩm này. Sản lượng nuôi nhuyễn thể hai mảnh vỏ đang gia tăng nhờ áp dụng công nghệ nuôi mới như nuôi vùng khơi. Mặt hàng này khác với các loại thủy sản khác vì được tiêu thụ chủ yếu ở thị trường nội địa, nên lượng giao thương trên thế giới còn hạn chế, tuy nhiên xu hướng có thể sẽ thay đổi khi sản phẩm được chế biến thành hàng giá trị gia tăng mới.

Do vậy, dự báo giá nhuyễn thể hai mảnh vỏ sẽ vẫn cao và sẽ tiếp tục tăng trên các thị trường. Trong các loài 2 mảnh vỏ, ngao thường có giá cao nhất vì sản lượng nuôi thấp hơn so với loài khác. Trung Quốc gần như chi phối phân khúc sản phẩm này, chủ yếu XK sang thị trường Nhật Bản và Hàn Quốc. Do vậy, ngao Việt Nam vốn đã không có sản lượng cao và ổn định nên khó cạnh tranh với Trung Quốc

Việt Nam hiện đang XK chủ yếu các sản phẩm ngao trắng, ngao nâu luộc đông lạnh sang các thị trường EU, Mỹ. Ngao luộc đông lạnh được xuất sang Tây Ban Nha với giá dao động từ 1,3 – 1,9 USD/kg, C&F; thịt ngao slice đông lạnh xuất sang Nhật Bản có giá khoảng 2 USD/kg, C&F.

Chia sẻ:


Bình luận bài viết

Tin cùng chuyên mục