Nâng cao hiệu quả nghề nuôi thủy hải sản ở Ninh Thuận

Với lợi thế có bờ biển dài hơn 100 km, gần chục năm qua, nghề sản xuất giống và nuôi thủy hải sản thương phẩm có giá trị cao như tôm hùm, tôm sú, tôm thẻ chân trắng, ốc hương… tại các xã ven biển của tỉnh Ninh Thuận phát triển khá nhanh. Chuyện nông dân có lãi tiền tỷ mỗi năm là bình thường.

Từ lợi thế vị trí địa lý chung quanh là núi bao bọc, nên vùng biển ở Ninh Thuận ít bị ảnh hưởng nhiều khi môi trường khí hậu thay đổi, kể cả có mưa bão… nên nông dân sản xuất và nuôi thủy hải sản tại các vịnh thuộc khu vực C1 và C2 , TP Phan Rang - Tháp Chàm, các huyện Ninh Hải, Ninh Phước đã và đang có lợi nhuận cao.

Theo thống kê của Chi cục Thủy sản Ninh Thuận, toàn tỉnh hiện có 118 bè/628 lồng nuôi tôm hùm, sản lượng thu hoạch bình quân gần 40 tấn/năm; khoảng 400 ha đìa nuôi tôm thẻ chân trắng… Theo Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Đặng Văn Tín, nghề nuôi tôm hùm xanh đang phát triển mạnh và đem lại thu nhập cao, vì giống tôm hùm bông sống trong môi trường tự nhiên ngày càng khan hiếm, giá mua giống đắt, thời gian nuôi để tôm hùm bông trưởng thành kéo dài hơn một năm làm cho chi phí tăng.

Tuy giá bán ra tôm hùm bông từ 1,2 đến 1,7 triệu đồng/kg có giá trị kinh tế cao nhưng không ổn định vì thị trường tiêu dùng tôm hùm giá cao giảm nhiều, dẫn đến nông dân lãi ít, nên nhiều hộ đã chuyển sang nuôi tôm hùm xanh. Hiện tại, nguồn giống tôm này có nhiều, dễ nuôi, giá mua giống thấp, giá bán ra khi thu hoạch khá ổn định từ 700-750 nghìn đồng/kg, thời gian tôm nuôi trưởng thành ngắn, năng suất cao, nông dân lãi nhiều hơn, do đó nhiều hộ nuôi rất phấn khởi đầu tư mở rộng thêm lồng bè để nuôi.

Thăm bè nuôi tôm hùm xanh của ông Phan Văn Hoa ở phường Đông Hải, TP Phan Rang – Tháp Chàm, đang xuất bán đợt đầu trong tháng 5-2018 khoảng 5 nghìn con với giá từ 700-750 nghìn đồng/kg. Dự kiến tổng doanh thu hơn 3,5 tỷ đồng. Qua 15 năm kinh nghiệm nuôi tại khu vực C1 và C2 ở vùng ven biển thuộc địa phận TP Phan Rang – Tháp Chàm, ông Hoa chia sẻ: Mấy năm trước, tôi nuôi thử nghiệm vài lồng để tìm hiểu điều kiện môi trường và thấy nguồn thức ăn cho tôm hùm xanh dễ kiếm; chỉ cần thường xuyên làm vệ sinh lồng bè, tôm rất nhanh lớn và không bị bệnh, nên đã nhân rộng lên 40 lồng nuôi xen kẽ thời gian cách nhau một tháng/10 lồng. Theo đó, mỗi năm xuất bán bốn đợt, sau 9-10 tháng nuôi, tôm đạt trọng lượng bình quân 3 kg/con, thương lái đến mua tận bè. Sau khi trừ các khoản chi phí, lãi từ 600-900 triệu đồng, cao gấp hai đến bốn lần so với nuôi các loài thủy sản khác.

Tại các xã Thanh Hải, Vĩnh Hải, Phương Hải, Tri Hải, Tân Hải, Hộ Hải… thuộc huyện Ninh Hải; các xã Phước Dinh, Cà Ná thuộc huyện Thuận Nam rất thuận lợi cho việc nuôi tôm hùm, tôm thẻ chân trắng, cá bớp, ốc hương, hàu, cua, ghẹ. Từ đầu năm 2018 đến nay, người nuôi ốc hương, tôm hùm lồng bè ở huyện Ninh Hải thu hoạch hơn chục tấn sản phẩm. Mô hình nuôi cá bớp xen kẽ ở các vùng đã thu hoạch hơn 30 tấn. Hàu, cua, ghẹ được nuôi với diện tích khoảng 32 ha tập trung tại vùng đầm Nại với hình thức nuôi quảng canh cải tiến, đánh tỉa thả bù cho sản lượng 30 tấn… Nhiều hộ nông dân ở các xã Tân Hải, Phương Hải, Tri Hải… tận dụng 14 ha ao, đìa nuôi tôm bỏ hoang nhiều năm trước để nuôi cá mú cũng đã thu hoạch gần chục tấn, bán với giá từ 210-250 nghìn đồng/kg, người nuôi đều có lãi cao.

Tại khu vực nuôi tập trung ốc hương và tôm thẻ chân trắng trên cát theo hình thức thâm canh ở xã Phước Dinh, huyện Thuận Nam cho năng suất từ 20-30 tấn/ha. Với giá ốc hương bán ra từ 320-370 nghìn đồng/kg, nông dân nơi đây rất phấn khởi. Chỉ tính sản lượng thu hoạch của 28 ha nuôi thủy sản của hai huyện Thuận Nam và Ninh Hải trong năm tháng đầu năm 2018, nông dân Ninh Thuận thu hoạch khoảng 500 tấn.

 

Nông dân nuôi tôm hùm xanh phấn khởi khi thu hoạch sản lượng cao và bán được giá.

Ước tính trong năm tháng qua, toàn tỉnh đã sản xuất 16 tỷ con tôm giống, trong đó có 12,6 tỷ con giống tôm thẻ chân trắng và 3,4 tôm sú giống; hơn 58 triệu con ốc hương giống. Sản lượng sản xuất giống tôm thẻ chân trắng cao hơn 31% c so với cùng kỳ năm 2017.

Tuy nhiên, nghề nuôi tôm hùm tại khu vực C1 và C2 thuộc vịnh Phan Rang cũng gặp trở ngại mỗi khi thời tiết thay đổi. Nhiều hộ nuôi cho biết, riêng vịnh này nằm trong vùng biển hở, không có nhiều núi, đảo che chắn, nên vào mùa gió tây nam, xuất hiện nhiều ngày có sóng to và gió thổi mạnh làm cho kết cấu lồng bè dễ bị hư hỏng, người nuôi phải di chuyển lồng bè đến xã Nhơn Hải, huyện Ninh Hải để trú ẩn. Vì thế, mặc dù người nuôi rất muốn nhân rộng lồng để thả hằng năm tại đây, nhưng việc di chuyển lồng khá xa mỗi khi thời tiết biển thay đổi, nên số lồng nuôi tại vịnh Phan Rang chưa phát triển bằng nơi khác.

Thực tế, đây là thời điểm để nông dân bước vào vụ thả nuôi tôm thẻ chân trắng trên cát, tuy nhiên hiện nay, còn một số vùng nuôi tôm thương phẩm chưa chấm dứt các mầm bệnh trên tôm còn sót lại của những năm trước, nên theo khuyến cáo của ngành chức năng, người nuôi chỉ thả thưa trên diện tích nhỏ để thăm dò, chưa mạnh dạn thả vụ mới...

Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Ninh Thuận Dư Ngọc Tuân cho biết, từ nay đến cuối năm, đơn vị sẽ phối hợp các ngành liên quan, chính quyền địa phương để đẩy mạnh tuyên truyền định hướng người nuôi, đồng thời tích cực hỗ trợ người nuôi trong việc xử lý nguồn nước, cải tạo ao đìa, xét nghiệm con giống... giúp nghề nuôi thủy sản ở Ninh Thuận mang lại hiệu quả cao.

(Theo báo Nhân Dân)

Chia sẻ:


Bình luận bài viết

Tin cùng chuyên mục