Thượng viện Mỹ tán thành hủy bỏ Chương trình giám sát cá da trơn

(vasep.com.vn) Ngày 25/5/2016, tại kỳ họp của Thượng viện Hoa Kỳ, các Thượng nghị sỹ đã bỏ phiếu thông qua Nghị quyết hủy bỏ Chương trình Giám sát cá da trơn của Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ. Với tỷ lệ phiếu thuận áp đảo 55:43 Thượng viện Hoa Kỳ đã nhất trí với Nghị quyết hủy bỏ Chương trình Giám sát cá da trơn do Thượng Nghị sỹ John McCain bảo trợ trong Chương trình rà soát lại các Luật đã ban hành của Quốc hội Hoa Kỳ (Congressional Review Act, gọi tắt là CRA).

Trong phiên họp sáng 25/5 theo giờ Việt Nam, phe ủng hộ dự luật đứng đầu là Thượng nghị sỹ John McCain của đảng Cộng hòa đã giành được 57 phiếu ủng hộ thủ tục tranh luận và bỏ phiếu về dự thảo nghị quyết trên, bất chấp sự cản phá quyết liệt của Thượng nghị sỹ Thad Cochran cũng thuộc đảng Cộng hòa, đại diện cho bang Mississippi cũng như đại diện một số bang sản xuất cá da trơn miền Nam nước Mỹ.

Mặc dù Nghị quyết này sẽ còn phải được đưa qua Hạ viện Hoa Kỳ để bỏ phiếu thông qua rồi mới được đưa lên trình Tổng thống Barack Obama để ký Sắc lệnh ban hành, tuy nhiên đây là thành công bước đầu rất quan trọng, tạo đà cho việc tiếp tục vận động, đấu tranh tại Hạ viện.

Nếu được cả Hạ viện thông qua thì gần như chắc chắn Tổng thống Barack Obama sẽ ký Sắc lệnh ban hành việc hủy bỏ Chương trình Giám sát cá da trơn trong Luật Nông nghiệp 2014 vì Nhà trắng và đích thân Tổng thống Barack Obama đã khẳng định rằng, đây là chương trình lãng phí, không cần thiết và đề nghị không cấp ngân sách hoạt động cho chương trình này.

Từ năm 2008, Quốc hội Mỹ đã thay đổi Luật An toàn Thực phẩm để Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) giám sát cá tra và cá da trơn thay Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm (FDA). Tuy nhiên việc chuyển giao cơ quan giám sát từ FDA sang USDA sẽ được quy định trong tháng 4/2015.

Từ 7 triệu pao trong năm 2004, khối lượng cá tra philê đông lạnh NK vào Mỹ tăng vọt lên 215 triệu pao năm 2014. Mỗi năm, giá trị NK cá da trơn của nước này đạt trên 300 triệu USD. Sản xuất cá da trơn của Mỹ giảm một nửa, từ 630 triệu pao năm 2004 xuống còn 340 triệu pao năm 2012. Năm 2010, Mỹ chỉ sản xuất được hơn 200.000 tấn cá da trơn, trong khi sản lượng cá tra Việt Nam, đối thủ cạnh tranh của cá tra Mỹ, đạt hơn 1 triệu tấn và tiếp tục tăng trong những năm tiếp theo.

Năm 2011, Hiệp hội Thủy sản Mỹ (NFI) công bố danh sách 10 loài thủy sản được tiêu thụ nhiều nhất tại thị trường Mỹ. Năm đó, cá tra là loài có mức thăng hạng mạnh nhất, từ vị trí thứ 9 lên thứ 6 và được xếp thứ 6/10 loài thủy sản được ưa chuộng tại Mỹ năm 2011. Việc Việt Nam có khả năng sản xuất cá tra chất lượng với chi phí thấp đã tạo áp lực lớn cho người nuôi cá Mỹ.

Vì vậy, người nuôi cá da trơn Mỹ ủng hộ chương trình thanh tra của USDA và cho rằng hoạt động thanh tra của FDA quá lỏng lẻo. Tuy nhiên, hệ thống của FDA chỉ cần khoảng 700.000 USD trong khi USDA tiêu tốn khoản ngân sách 14 triệu USD mỗi năm.

Ngày 30/4/2014, Cục Thanh tra An toàn vệ sinh thực phẩm (FSIS) thuộc Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) đã ký bản ghi nhớ số 225-14-0009 với Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm (FDA) thuộc Bộ Y tế Mỹ nhằm tăng cường sự hợp tác về an toàn thực phẩm và phòng chống gian lận, đồng thời nâng cao hết mức hiệu quả về sử dụng nhân lực và nguồn lực trong xem xét và thanh tra các loài cá và sản phẩm từ cá thuộc bộ Siluriformes. Hoạt động này được thực hiện theo yêu cầu của Luật Nông nghiệp 2014.

Người nuôi cá da trơn Mỹ ủng hộ chương trình này nhưng đa số đại biểu Mỹ lại phản đối. Trong đó có sự phản đối quyết liệt từ Hiệp hội Thủy sản Mỹ (NFI), thượng nghị sỹ McCain và Văn phòng trách nhiệm giải trình chính phủ Mỹ (GAO). Theo NFI, chương trình này không hướng đến an toàn thực phẩm mà là quyết tâm loại trừ hàng NK. Đạo luật Farm Bill 2014 nhằm làm cho chương trình thanh tra không bị chồng chéo, tuy nhiên điều này vẫn xảy ra mà cụ thể là giữa USDA và FDA. Theo GAO, chương trình của USDA lãng phí gấp 8 lần các chương trình thanh tra khác.

Bất chấp sự phản đối, ngày 25/11/2015, Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ (FSIS) thông báo quyết định triển khai Chương trình Giám sát cá da trơn đối với cá Tra NK vào Mỹ. Quy định này bắt đầu có hiệu lực từ tháng 3/2016 (90 ngày sau khi đăng Công báo Liên bang). Mốc thời gian có hiệu lực cũng là thời điểm bắt đầu giai đoạn chuyển đổi 18 tháng đối với các nhà sản xuất trong nước và nước ngoài. Quyết định này được đưa ra và có hiệu lực trong thời gian quá gấp đã gây hoang mang cho các DN XK cá tra sang thị trường Mỹ.

Để tránh gây gián đoạn XK cá tra sang thị trường Mỹ, Bộ NN và PTNT, Bộ Công Thương và một số cơ quan liên quan đã phối hợp với VASEP thực hiện các giải pháp, hạn chế tối đa ảnh hưởng tới sản xuất và xuất khẩu cá tra, basa sang thị trường Hoa Kỳ.

Và ngày 25/5/2016, các Thượng nghị sỹ đã bỏ phiếu thông qua Nghị quyết hủy bỏ Chương trình Giám sát cá da trơn của Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ. Với tỷ lệ phiếu thuận áp đảo 55:43 Thượng viện Hoa Kỳ đã nhất trí với Nghị quyết hủy bỏ Chương trình Giám sát cá da trơn. Đây là một tin vui cho các DN XK cá tra sang thị trường Mỹ, đồng thời giảm áp lực cho các nhà XK cá tra Việt Nam trước nhiều rào cản khó khăn tại thị trường này. Tính đến hết tháng 4/2016, Mỹ vẫn là đối tác lớn nhất của cá tra Việt Nam với giá trị XK đạt 115,1 triệu USD, tăng 7,2% so với cùng kỳ năm trước.

Chia sẻ:


Bình luận bài viết

Tin cùng chuyên mục