Cần phân rõ tỷ lệ mạ băng đối với cá tra tiêu thụ nội địa và xuất khẩu!

(vasep.com.vn) Hiện nay, Cục Quản lý Chất lượng Nông lâm sản và Thủy sản (NAFIQAD) đang lấy ý kiến của các Cơ quan ban ngành, DN XK cá tra Dự thảo Quy chuẩn Quốc gia “Sản phẩm thủy sản - Cá tra phile đông lạnh”. Ngày 13/6/2016, Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP) đã gửi Công văn số 92/2016/CV-VASEP góp ý cho dự thảo. Tại công văn này, VASEP đại diện cho các DN XK thủy sản góp ý rất chi tiết từng nội dung từ: Phạm vi điều chỉnh, giải thích từ ngữ đến các quy định về kỹ thuật và quy định về quản lý.

Theo VASEP, dự thảo cần bổ sung thêm tên khoa học Pangasianodon hypophthalmus đối với sản phẩm cá tra phi lê đông lạnh tại phạm vi điều chỉnh của dự thảo do thị trường XK lớn nhất Mỹ yêu cầu phải có tên khoa học này.

Hiện nay, DN chế biến cá tra đang sản xuất 2 loại sản phẩm là: có xử lý phụ gia và không có xử lý phụ gia nên trong phần “Giải thích từ ngữ” cũng cần điều chỉnh bổ sung rõ ràng: “Cá tra phi lê đông lạnh là những miếng cá không xương có kích cỡ khác nhau được lấy từ phần thân của cá tra bằng cách cắt dọc theo xương sống, còn da hoặc không còn da, được cắt tỉa hoặc không cắt tỉa, được đưa nhiệt độ ban đầu xuống dưới điểm được cắt tỉa hoặc không cắt tỉa, có xử lý hoặc không xử lý phụ gia được duy trì nhiệt độ lạnh. Sau đó được cấp đông và bảo quản ở nhiệt độ -18oC hoặc thấp hơn.”

Phần cháy lạnh của miếng cá tra trên thực tế không có màu vàng nên trong phần giải thích từ ngữ: Cháy lạnh cần điều chỉnh như sau: “Có trên 10% diện tích bề mặt của một đơn vị sản phẩm có biểu hiện sự thất thoát quá mức về độ ẩm một cách rõ ràng như có màu trắng làm cho miếng cá bị xơ bề mặt che kín màu sắc của thịt cá”.

VASEP đề nghị Cơ quan soạn thảo cần giải thích thuật ngữ “Tạp chất” cho chính xác, phù hợp với điều kiện của Việt Nam vì Giải thích thuật ngữ trong dự thảo được dịch từ tiêu chuẩn của Codex: Codex Stand 190-1995 nhưng chưa thật phù hợp và chính xác cho sản phẩm này, theo giải thích tại dự thảo thì ngay cả nước có trong sản phẩm cá tra phi lê đông lạnh (như: nước mạ băng…) cũng bị coi là tạp chất (do không có nguồn gốc từ cá tra). Điều này là không phù hợp. Hơn nữa, một số từ ngữ được dịch không chuẩn xác gây khó hiểu cho người đọc như: “tạp chất là các chất” (không đúng vì nó là các đơn vị vật thể lạ chứ không phải là một chất); “có thể nhận ra mà không cần phóng đại” hoặc “phương pháp phóng đại”.

Về tỷ lệ mạ băng, VASEP đề nghị cần phân rõ sản phẩm tiêu thụ tại nội địa và sản phẩm XK để tránh hiểu nhầm sản phẩm XK nếu thị trường không quy định sẽ áp dụng tỷ lệ mạ băng 20%: Đối với sản phẩm nội địa: Lớp băng phẳng, bao kín sản phẩm, tỷ lệ mạ băng không được lớn hơn 20% khối lượng tổng của sản phẩm (khối lượng của sản phẩm sau khi loại bỏ vật liệu bao gói) còn đối với sản phẩm dùng để xuất khẩu: nếu thị trường nhập khẩu có quy định về tỷ lệ mạ băng thì áp dụng theo quy định của thị trường.

Với chỉ tiêu cảm quan, thực tế sản xuất và hiện các khách hàng đều cho phép một giới hạn chấp nhận đối với các sai lỗi này chứ không thể là không có. Ví dụ như trường hợp một số khách hàng chấp nhận đốm đỏ < 5 mm, cho phép < 3 %; chấp nhận có sự hiện diện của ký sinh trùng đường kính < 3 mm,  hoặc dài < 10 mm, cho phép 2%; cho phép sản phẩm sót xương < 5 mm hoặc đường kính < 2 mm, cho phép 1% của fillet có 1 xương. Do đó, VASEP đề nghị các sai lỗi về cháy lạnh, tạp chất, sót xương, đốm đỏ, ký sinh trùng; cơ thịt đàn hồi trong quy chuẩn phải có mức giới hạn cho phép.

VASEP cho rằng, không thể áp dụng 100% các quy định của Quyết định số 46/2007/QĐ-BYT vào quy định về chỉ tiêu vi sinh vật vì Quyết định 46/2007/QĐ-BYT này áp dụng cho rất nhiều nhóm chỉ tiêu và cho nhiều sản phẩm. Do đó có một số chỉ tiêu chưa phù hợp với sản phẩm cá tra phi lê đông lạnh, ví dụ như chỉ tiêu Clostridum perfringens chỉ phù hợp cho hàng hút chân không, không áp dụng đối với cá tra phi lê đông lạnh và nếu nêu như dự thảo thì sẽ gây hiểu nhầm và các cơ quan chứng nhận vẫn áp chỉ tiêu này khi kiểm tra. Còn chỉ tiêu Vibrio Parahaemolyticus nên thay thế là Vibrio Cholera để phù hợp với điều kiện thực tế.

Đối với dư lượng thuốc thú y; hàm lượng kim loại nặng; hàm lượng phụ gia thực phẩm phosphat, dự thảo cần đưa cụ thể chi tiết các chỉ tiêu nào và mức giới hạn cho phép MRL áp dụng riêng biệt cho sản phẩm cá tra phile đông lạnh. Về việc ghi nhãn cũng cần cụ thể hơn để DN dễ tra cứu và áp dụng khi thực hiện.

VASEP đề nghị Ban soạn thảo xem xét có cần nêu rõ yêu cầu phải chứng nhận và công bố hợp quy theo Thông tư 55/2012/TT-BNNPTNT hướng dẫn thủ tục chỉ định tổ chức chứng nhận hợp quy và công bố hợp quy thuộc phạm vi quản lý của Bộ NN và PTNT và việc chứng nhận và công bố hợp quy chỉ áp dụng đối với sản phẩm nội địa, không cần áp dung đối với sản phẩm XK vì hầu hết cản phẩm này XK và định kỳ cơ sở đã được NAFIQAD đến đánh giá thẩm tra điều kiện sản xuất và lấy mẫu kiểm tra. Và hiện tại công tác chứng nhận hợp quy của DN ngoài Thông tư 55/2012/TT-BNNPTNT còn bị chi phối bởi nhiều văn bản khác như Nghị định 38/2012/NĐ-CP, Nghị định 89/2006/NĐ-CP và các văn bản hướng dẫn có liên quan. Mặt khác, đối với sản phẩm XK thì DN chỉ cần tuân thủ theo yêu cầu của thị trường NK chứ không nhất thiết phải công bố và chứng nhận hợp quy vì sản phẩm này không tiêu thụ tại thị trường trong nước.

Chia sẻ:


Bình luận bài viết

Tin cùng chuyên mục