(vasep.com.vn) Theo báo cáo của Sở NN&PTNT một số địa phương ĐBSCL, đầu năm 2022, giá cá tra nguyên liệu đã tăng từ 500 - 1.000 đồng/kg so với quý cuối năm 2021. Với mức giá như hiện nay, người nuôi đã có lãi. Trong quý đầu năm 2022, dự báo nhu cầu NK cá tra tại nhiều thị trường lớn trên thế giới tăng so với cùng kỳ. Do đó, có thể xảy ra tình trạng thiếu cá nguyên liệu trong quý đầu năm nay. Dưới đây là những tổng hợp về tình hình sản xuất cá tra trong năm 2021.
Năm 2021, đại dịch Covid-19 đã tác động trực tiếp và mạnh mẽ tới sản xuất cá tra nguyên liệu của Việt Nam. Hơn nữa, tình hình hạn hán, xâm nhập mặn tại Đồng bằng sông Cửu Long diễn biến phức tạp, ảnh hưởng đến nuôi trồng cá tra; giá thức ăn, cước phí vận chuyển quốc tế, giá nhiên liệu tăng cao kỷ lục trong vài năm gần đây (trong đó giá dầu tăng hơn 30% so với cùng kỳ năm 2020) ảnh hưởng nhiều tới hoạt động sản xuất, xuất nhập khẩu. Trong khi đó, giá cá tra XK trung bình tăng không đáng kể.
Theo báo cáo của Tổng cục Thủy sản (Bộ NN&PTNT), năm 2021, diện tích thả nuôi cá tra Việt Nam tương đương với năm 2020 với 5.700 ha. Sản lượng nuôi cá đạt 1,48 triệu tấn, giảm 4,5% so với năm trước. Các địa phương có diện tích thả nuôi và thu hoạch cá tra lớn nhất Việt Nam vẫn là: Đồng Tháp, An Giang, Bến Tre, Cần Thơ, Tiền Giang…
Đồng Tháp: Theo Sở NN&PTNT Đồng Tháp, năm 2021, diện tích nuôi cá tra của tỉnh đạt trên 2.085 ha (trong đó diện tích năm 2020 chuyển sang là hơn 1.070ha), diện tích thu hoạch là 1.100 ha, sản lượng thu hoạch 457 nghìn tấn. Từ đầu năm đến giữa tháng 7/2021, các cơ sở nuôi cung cấp nguồn cá tra nguyên liệu cho thị trường xuất khẩu và chế biến luôn đủ hoặc dư. Tuy nhiên, từ giữa tháng 7 đến cuối tháng 9/2021, thực hiện giãn cách xã hội, việc chế biến cũng như thu mua bị hạn chế nên tình hình tiêu thụ cá tra bị gián đoạn. Đến đầu tháng 10/2021, các nhà máy chế biến thủy sản đã hoạt động tương đối ổn định trở lại giúp sản lượng cá tra tồn đọng được giải quyết toàn bộ. Toàn tỉnh Đồng Tháp có 1.180 cơ sở sản xuất, ương dưỡng giống cá tra. Trong năm 2021, những cơ sở này sản xuất khoảng 19.000 triệu con cá tra bột, giảm 18,4% so với năm 2020 và 1.100 triệu con cá tra giống, giảm 18,2% so với năm trước.
An Giang: Chi cục Thủy sản An Giang cho biết, tổng diện tích nuôi cá tra của tỉnh hiện đạt 1.235ha, trong đó doanh nghiệp (DN) và hộ nuôi liên kết DN là 1.049ha (chiếm 87%), hộ không liên kết là 187ha, sản lượng ước 400.000-450.000 tấn/năm, tập trung tại các huyện: Châu Phú, Châu Thành, Chợ Mới, Phú Tân, TP. Long Xuyên. Sản lượng thu hoạch 9 tháng ước đạt 310.000 tấn (chiếm 84,16% tổng sản lượng thủy sản nuôi trồng), giảm 3.800 tấn so cùng kỳ 2020.
Ngành thủy sản của tỉnh đã thực hiện kiểm tra điều kiện sản xuất, ương dưỡng giống thủy sản cho 23 cơ sở sản xuất, ương dưỡng, trong đó có 7/9 cơ sở sản xuất cá bột, 16/998 cơ sở ương dưỡng. Đồng thời, đã thực hiện cấp mã số ao nuôi cá tra nhằm truy xuất nguồn gốc với tổng diện tích cấp, cấp lại là 1.278ha (DN 785ha, hộ nuôi 493ha) với tổng số 409 vùng nuôi (DN 191 vùng, hộ nuôi 218 vùng). Diện tích nuôi cá tra được chứng nhận đạt 477ha (tiêu chuẩn ASC 91ha, chứng nhận theo tiêu chuẩn VietGAP đạt 386ha), sản lượng 148.000 tấn/năm, chiếm 32,2% diện tích nuôi thủy sản toàn tỉnh.
Vĩnh Long: Theo Chi cục Chăn nuôi Thú y và Thủy sản (Sở Nông nghiệp & PTNT tỉnh Vĩnh Long), trong năm 2021, diện tích ao nuôi cá tra trên địa bàn tỉnh là trên 430ha, đạt 93,7% kế hoạch giảm 5,8% (giảm 26,5ha) so với cùng kỳ. Trong đó, đang thả nuôi trên 270ha, giảm 5,3%; chưa thả lại gần 118ha; chuyển nuôi đối tượng khác trên 18ha; treo ao trên 22ha. Toàn tỉnh có 171/212 cơ sở nuôi cá tra, 41 cơ sở đang treo ao và chuyển đối tượng nuôi. Trong đó, có 18 Công ty và gần 200 hộ gia đình nuôi. Sản lượng ước đạt năm 2021 trên 80.200 tấn, đạt 94,4% kế hoạch năm, giảm 6,71% (trên 5.700 tấn) so cùng kỳ.
Trong năm qua, diện tích treo ao vẫn chủ yếu tập trung vào các cơ sở nuôi không còn vốn để tái sản xuất do thua lỗ từ các vụ nuôi trước; ao bị sạt lở nặng không thể tiếp tục sản xuất. Bên cạnh đó, giá thức ăn liên lục tăng cao, thời tiết thay đổi thất thường, nguồn con giống đạt chất lượng ngày càng khan hiếm ảnh hưởng đến hiệu quả sản xuất.
So với cùng kỳ năm ngoái, giá cá tra nguyên liệu quý 4/2021 tăng từ 1.500 - 4.000 đồng/kg. Năm qua, do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 nên hoạt động nuôi trồng cá tra ở ĐBSCL gặp rất nhiều khó khăn do giãn cách. Chi phí sản xuất cũng tăng đột biến trong khi các nhà máy chế biến phải giảm công suất, người lao động cũng tạm nghỉ hoặc ba tại chỗ.
Việc vận chuyển trong thời gian giãn cách cũng gặp nhiều khó khăn, nhiều người nuôi đã phải tạm ngưng cho cá ăn để giữ trọng lượng cho cá. Chỉ cho tới tháng 10/2021, khi thị trường XK sôi động trở lại thì giá cá tra nguyên liệu mới tăng, cho tới nay, khi giá cá nguyên liệu ở ĐBSCL lên mức 24.200 - 24.500 đồng/kg, người nuôi đã có lãi.