An Giang, tỉnh sản xuất cá tra lớn ở ĐBSCL đang quyết tâm tạo đột phá cho ngành hàng này bằng việc thu hút đầu tư công nghệ cao trong sản xuất, chế biến.
Hiện đại hóa ngành hàng cá tra bằng công nghệ cao
Những năm gần đây, ngành cá tra Việt Nam luôn gặp không ít khó khăn trong sản xuất, xuất khẩu do tác động nhiều yếu tố bất lợi như: Biến đổi khí hậu, dịch bệnh trên cá, giá thành sản xuất cá nguyên liệu cao; những rào cản kỹ thuật và quy định nghiêm ngặt từ thị trường xuất khẩu… Do đó, việc ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất không chỉ góp phần nâng cao giá trị gia tăng cho con cá tra, mà còn từng bước đưa thế mạnh mặt hàng này phát triển bền vững hơn nữa.
Điển hình cho xu hướng đầu tư công nghệ cao vào sản xuất cá tra là dự án nuôi cá tra công nghệ cao của Công ty Cổ phần Nam Việt được triển khai tại xã Bình Phú, huyện Châu Phú, tỉnh An Giang với quy mô trên diện tích 600ha, tổng vốn đầu tư 4.000 tỷ đồng, được chia thành 2 khu. Trong đó, khu sản xuất giống cá tra 3 cấp chất lượng cao có diện tích 150ha, vốn đầu tư 1.000 tỷ đồng; khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao nuôi trồng thủy sản, nuôi cá tra thương phẩm có diện tích 450ha, vốn đầu tư 3.000 tỷ đồng. Hiện nay, mô hình này đã đi vào hoạt động và đã có sản phẩm ra thị trường khá tốt.
Ông Doãn Tới, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Nam Việt cho biết: Khu sản xuất giống cá tra 3 cấp chất lượng cao, mỗi năm sản xuất ra khoảng 360 triệu con giống cá tra chất lượng cao phục vụ cho các vùng nuôi của Công ty và cung cấp cho thị trường. Còn khu nuôi cá tra thương phẩm, mỗi năm sản xuất ra 200.000 tấn cá tra nguyên liệu phục vụ cho việc chế biến xuất khẩu. Toàn bộ vùng nuôi được đầu tư trang thiết bị theo hướng hiện đại, với công nghệ sục khí nano và chất xúc tác bakture để xử lý nước trong ao nuôi, không cần xả thải nước ao nuôi ra môi trường, không cần nạo hút bùn đáy ao bằng phương pháp cơ học như trước đây.
“Có thể khẳng định, không nước nào xuất khẩu cá tra nhiều như nước ta. Về chất lượng công nghệ và giá thành sản xuất cá tra các nước cũng không thể đấu lại với Việt Nam. Chúng tôi nuôi cá tra như thế này, theo vòng tuần hoàn kép kín công nghệ cao, từ phân cá chúng tôi thu hồi lại để làm thành phân bón hữu cơ, còn phần mặt nước trên ao nuôi tận dụng đặt những tấm pin điện năng lượng mặt trời để cung cấp lại cho cả vùng nuôi; kể cả các phụ phẩm được tận dụng làm thành sản phẩm cao cấp có giá trị cao. Đây là một vùng nuôi điển hình ở An Giang, khách hàng của chúng tôi trên thế giới họ đã đến đây nhiều lần, họ rất mừng, ngưỡng mộ và đặt hàng xuất khẩu cá tra sang nước của họ” ông Doãn Tới tự tin chia sẻ.
Tương tự, qua chính sách thu hút đầu tư của UBND tỉnh An Giang, Công ty Cổ phần Vĩnh Hoàn ở Đồng Tháp cũng đã thành lập và đặt trụ sở Công ty TNHH Sản xuất giống cá tra Vĩnh Hoàn tại ấp Vĩnh Bường, Thị xã Tân Châu (An Giang), đồng thời tập trung triển khai dự án sản xuất giống cá tra 3 cấp ứng dụng công nghệ cao tại đây. Với quy mô diện tích gần 50 ha, dự án đặt mục tiêu cung cấp 1,6 tỷ con cá hương và 30 triệu con cá tra giống/năm.
Trước những khó khăn của ngành cá tra trong “cơn bão” Covid-19, buộc những doanh nghiệp lớn như Vĩnh Hoàn phải thay đổi tư duy trong sản xuất cá tra.
Bà Trương Thị Lệ Khanh, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Vĩnh Hoàn cho biết: Để con trá cá phát triển bền vững trong tương lai, cần thay đổi nhận thức từ con giống, môi trường nước, cách nuôi và quy trình công nghệ chế biến xuất khẩu phải theo chuỗi khép kín tuần hoàn, được ứng dụng công nghệ cao.
Hiện nay, Vĩnh Hoàn đã hoàn thành dự án sản xuất giống cá tra 3 cấp ứng dụng công nghệ cao tại cồn Vĩnh Hòa. Đồng thời, xây dựng quy trình nuôi theo tiêu chuẩn công nghệ cao và tiêm vacxin cho cá ngay tại trại giống trước khi nuôi, không sử dụng kháng sinh trong quá trình nuôi. Vĩnh Hoàn đang quyết tâm không chỉ tạo đột phá cho ngành hàng cá tra và xây dựng dự án trở thành trung tâm sản xuất cá tra giống chất lượng, ứng dụng công nghệ cao mà còn là điểm dừng chân du lịch nông nghiệp cho mọi người đến tham quan, nghiên cứu.
Phát triển đề án giống cá tra 3 cấp
Chia sẻ về hướng sản xuất cá tra trong thời gian tới của địa phương, ông Trần Anh Thư, Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang cho biết: Cá tra là một trong hai sản phẩm nông nghiệp xuất khẩu chủ lực của tỉnh An Giang, mỗi năm tỉnh có tổng diện tích thả nuôi cá tra gần 1.000ha.
Trong nhiều năm qua, ngành hàng cá tra luôn gặp nhiều khó khăn, vì vậy để ngành hàng này phát triển một cách bền vững trong thời gian tới, An Giang luôn tập trung đẩy mạnh thực hiện chuỗi liên kết sản xuất giống cá tra 3 cấp chất lượng cao. Cụ thể đã mời gọi được 4 doanh nghiệp đầu tư vùng ương nuôi tập trung theo hướng công nghệ cao như: Tập đoàn Việt - Úc với 104ha; Công ty Cổ phần Nam Việt 600ha, trong đó có 150ha ương giống; Công ty Cổ phần Vĩnh Hoàn với 48,3ha; Công ty TNHH Phát triển Lộc Kim Chi khoảng 350ha. Các dự án này đã và đang được triển khai, từng bước góp phần nâng cao chất lượng con giống cá tra.
Đặc biệt, các chương trình, đề án giống cá tra 3 cấp được triển khai cho các doanh nghiệp tại khu vực Cồn Vĩnh Hòa, Thị xã Tân Châu với diện tích 400ha, khi đi vào hoạt động sẽ có khả năng cung cấp con giống chất lượng cao, đảm bảo cung cấp 80% nhu cầu về con giống cá tra cho cả khu vực ĐBSCL.
Hiện An Giang chủ yếu tập trung cho các vùng nuôi với quy mô lớn và khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, gắn với tiêu thụ. Đồng thời, xây dựng quy trình nuôi công nghiệp theo chuỗi, từ con giống đến quy trình nuôi và chế biến để mới đảm bảo được chất lượng nuôi và giảm các dịch bệnh.
Ông Nguyễn Sỹ Lâm, Giám đốc Sở NN-PTNT An Giang cho biết: Để vượt qua khó khăn cho ngành hàng cá tra và hướng đến phát triển bền vững, theo chuỗi giá trị gia tăng cao hơn trong thời gian tới, ngành nông nghiệp An Giang sẽ tiếp tục hỗ trợ các doanh nghiệp thủy sản trong quá trình triển khai thực hiện các dự án đầu tư vùng sản xuất giống và nuôi trồng thủy sản công nghệ cao được tỉnh phê duyệt tham gia vào Đề án liên kết sản xuất giống cá tra 3 cấp chất lượng cao vùng ĐBSCL.
"An Giang sẽ điều kiện hỗ trợ mở rộng phát triển mô hình sản xuất theo chuỗi liên kết trong hoạt động sản xuất giống và nuôi cá tra thương phẩm với thành phần liên quan tham gia chuỗi liên kết được chia sẻ quyền lợi và trách nhiệm, trong đó doanh nghiệp tiêu thụ là hạt nhân của liên kết chuỗi. Do vậy, chỉ có con đường ứng dụng công nghệ vào sản xuất và quản lý để tháo gỡ các nút thắt trong sản xuất và chế biến cá tra mới có thể giúp giảm chi phí nuôi, tăng khả năng cạnh tranh, từng bước đưa con cá tra phát triển bền vững hơn và đi xa hơn", ông Nguyễn Sỹ Lâm, Giám đốc Sở NN-PTNT An Giang nói.
Phương Linh
(Theo nongnghiep.vn)