Cần quan tâm đến khoa học công nghệ và xu hướng Zero Waste trong ngành cá tra

(vasep.com.vn) Tại Hội nghị toàn thể hội viên 2023 và kỉ niệm 25 năm thành lập VASEP tổ chức ngày 12/6/2023, bà Nguyễn Ngô Vi Tâm - Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Vĩnh Hoàn đã có những chia sẻ về việc ứng dụng khoa học công nghệ cho ngành cá tra và xu hướng phát thải ròng zero waste có liên quan đến việc phát triển thị trường cá tra nói riêng và thủy sản nói chung trong tương lai.

Cần quan tâm đến khoa học công nghệ và xu hướng Zero Waste trong ngành cá tra

Hiện nay, sau những thành tựu đưa cá tra trở thành loài cá thịt trắng có tiếng và tiêu thụ rộng rãi trên thế giới, vẫn còn một số thách thức cần giải quyết để tiếp tục phát triển ngành cá tra mạnh mẽ hơn nữa.

Đối với ngành nuôi giống cá tra, vẫn còn tình trạng sản xuất nhỏ lẻ, quản lý dịch bệnh chưa tốt, dẫn đến chuỗi cung ứng không ổn định. Hoạt động nuôi cá tra thương phẩm, thực trạng hiện nay dịch bệnh phức tạp và những hậu quả của biến đổi khí hậu ngày càng tăng cao, ứng dụng khoa học công nghệ còn hạn chế…

Từ thực trạng này, chúng tôi nhận thấy, cần có sự đầu tư và hợp tác trong ngành trong việc tăng cường ứng dụng khoa học, kỹ thuật ở các lĩnh vực. Thứ nhất, đối với cá bố mẹ, cần quan tâm đến chương trình chọn giống, trong đó có 2 chương trình quan trọng là chọn tính trạng kháng bệnh và tính trạng tăng trưởng. Thứ hai, đối với con giống, cần hoàn thiện quy trình nhân giống có tỷ lệ sống cao và sức khỏe tốt, tiếp theo là các giải pháp thức ăn tự nhiên trong giai đoạn đầu của con giống, các phương pháp phòng và trị bệnh do vi khuẩn và ký sinh trùng.

Về xử lý nước, chúng tôi thấy, cần có sự đầu tư và quan tâm đến khâu sục khí và ứng dụng công nghệ sinh học trong xử lý nước, tương tự với xử lý bùn thải cũng cần có dự án và ứng dụng liên quan.

Về dinh dưỡng, khâu rất quan trọng với nuôi trồng thủy sản, mục tiêu cuối cùng là làm sao đảm bảo dinh dưỡng, tăng hiệu quả nuôi, tăng cường sức khỏe cho cá. Liên quan đến thức ăn, cần có các hoạt động và sáng kiến trong chế độ cho ăn tự động và hình thức cho ăn cũng cần được quan tâm. Đối với quản lý dịch bệnh, cần những dự án sử dụng chất kích thích miễn dịch và vacxin cho cá.

Liên quan đến sản xuất cá tra, hiện nay chưa có nhiều cơ sở sản xuất cá tra giống đạt được giấy chứng nhận sản xuất và ương dưỡng giống sạch bệnh. Mặc dù hiện nay mới có Mỹ có yêu cầu bắt buộc này, nhưng đây sẽ là xu hướng của thị trường trong tương lai về tuân thủ quy định của pháp luật. Đây cũng sẽ là động lực giúp thay đổi điều kiện sản xuất ương giống tốt hơn. Vĩnh Hoàn đề xuất các DN hợp tác với các cơ quan thủy sản địa phương để thúc đẩy có thêm nhiều cơ sở giống đạt giấy chứng nhận theo Nghị định 26/2019/NĐ-CP.

Về việc phát triển thị trường, tôi xin đề cập đến hành trình phát thải ròng zero waste. Chúng tôi nhận định, những giai đoạn phát triển trước đây của ngành thủy sản, chúng ta mới chỉ thực hiện những cam kết nuôi trồng theo tiêu chuẩn quốc tế và yêu cầu của người tiêu dùng và khách hàng. Đối với vấn đề Zero Waste, chúng tôi thấy đó là sự thúc đẩy trên toàn cầu, mang tính hệ thống và lộ trình mạnh mẽ hơn. Đặc biệt là Chính phủ Việt Nam đã cam kết giảm phát thải khí nhà kính trong nông nghiệp tại Hội nghị COP 26 với lộ trình năm 2030 giảm 30% phát thải khí nhà kính so với năm 2020 và phát thải ròng về 0 vào năm 2050.

Chương trình hành động của Việt Nam bao gồm phát triển nông nghiệp sinh thái, xây dựng hệ thống thực phẩm minh bạch, trách nhiệm và bền vững giai đoạn 2025-2030, giải pháp quan hệ đối tác và đầu tư tư nhân theo hướng hệ thống nông nghiệp bền vững.

Một số quy định có thể sẽ được thực hiện ở Việt Nam bao gồm: phân bổ hạn ngạch phát thải trên nguyên liệu sản phẩm giai đoạn 2026 – 2030 và hàng năm, định giá cacbon, cơ chế trao đổi thị trường tín chỉ cacbon, trao đổi hạn ngạch tín chỉ cacbon trên sàn giao dịch các thị trường cacbon trong nước...Khi những quy định này có hiệu lực, việc giảm thải trong ngành thủy sản sẽ trở thành vấn đề tuân thủ, chứ không phải đơn thuần là yêu cầu của thị trường.

Vì vậy, chúng tôi đề nghị Hiệp hội xem đây là nội dung cần quan tâm, chia sẻ và đưa vào chương trình chung cho toàn ngành. Ở góc độ DN, chúng tôi hy vọng rằng, các DN sẽ có những bước chuẩn bị cho lộ trình này vừa đảm bảo việc tuân thủ, vừa là để phù hợp với các bước phát triển thị trường trong tương lai.

 

Chia sẻ:


Thu Hằng
Biên tập viên
Email: thuhang@vasep.com.vn
Điện thoại 024. 37715055 - ext.214

Bình luận bài viết

Tin cùng chuyên mục