Bộ NNPTNT đốc thúc nghiên cứu giống cá tra chất lượng cao

"Trong chuỗi giá trị cá tra, con giống đóng vai trò quan trọng, là khâu then chốt, quyết định hiệu quả sản xuất. Việc sản xuất cá tra giống ở ĐBSCL thời gian qua đạt được nhiều thành công, giúp ngành cá tra chinh phục thị trường thế giới", Thứ trưởng Bộ NNPTNT Phùng Đức Tiến nhấn mạnh.

Thứ trưởng Phùng Đức Tiến cho biết, 7 tháng đầu năm 2022, ngành hàng cá tra nước ta có sự tăng trưởng mạnh mẽ, sản lượng cá nuôi đạt 902.000 tấn, tăng 10,9% so với cùng kỳ năm 2021. Kim ngạch xuất khẩu đạt 1,6 tỷ USD, tăng gần 83% so với cùng kỳ năm 2021.

Tại hội nghị "Giải pháp thúc đẩy sản xuất và tăng cường kiểm soát chất lượng cá tra giống" vừa tổ chức tại Đồng Tháp, Tổng cục Thủy sản cho biết việc chọn tạo, sản xuất giống cá tra đang gặp khó khăn vì thiếu HCG cục bộ (kích dục tố sử dụng cho cá đẻ), trong khi chất này không được phép sử dụng ở một số nước nhập khẩu cá tra. Ông có thể cho biết cụ thể hơn về vấn đề này?

-Từ năm 2010 đến nay, Bộ NNPTNT đã chỉ đạo triển khai một số đề tài, dự án chọn giống, phòng trị bệnh, phát triển chuỗi sản xuất liên kết giống cá tra 3 cấp… Những đề án, đề tài, dự án này đã tạo ra sự chuyển biến lớn, góp phần làm thay đổi tích cực ngành công nghiệp cá tra trong thời gian vừa qua.

Đến nay, chất lượng con giống tuy đã được cải thiện đáng kể nhưng chưa được phát tán trên diện rộng, chưa đáp ứng đủ nhu cầu nuôi thương phẩm. 

Việc tăng trưởng về sản lượng cá tra làm tăng nhu cầu con giống, tiềm ẩn nguy cơ lạm dụng, sử dụng con giống kém chất lượng. Bên cạnh đó, một số loại vật tư tăng giá hoặc khan hiếm tạm thời cũng gây những khó khăn cho sản xuất, ví dụ như thức ăn chăn nuôi.

Chú thích ảnh

Thứ trưởng Bộ NNPTNT Phùng Đức Tiến trả lời phỏng vấn

Về việc thiếu HCG, chuyên gia Viện Nghiên cứu Nuôi trồng thủy sản II cho biết hiện đã có nghiên cứu bước đầu về một số giải pháp thay thế HCG trong sinh sản nhân tạo cá tra, như thực hiện bằng não thủy thể, hoặc có thể kết hợp sử dụng não thủy thể với LH-Rha, sử dụng sản phẩm Ovaprim.

Trước những khó khăn hạn chế vừa nói, Thứ trưởng có thể cho biết Bộ NNPTNT đã có giải pháp gì để nâng cao chất lượng cá tra giống, đáp ứng nhu cầu sản xuất?

-Để sản phẩm cá tra tiếp tục duy trì vị thế trên thị trường thế giới và sẵn sàng đối mặt với những thách thức, khó khăn trước những biến động khó lường và sự cạnh tranh khốc liệt trên thị trường thế giới, Bộ NNPTNT đề nghị UBND các tỉnh vùng ĐBSCL chỉ đạo các đơn vị chức năng có liên quan bố trí nguồn lực để thực hiện quy định tại Luật Thủy sản 2017 và các văn bản hướng dẫn, đặc biệt là công tác kiểm tra, cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện cơ sở sản xuất, ương dưỡng giống cá tra trên địa bàn. Tổ chức thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm các vi phạm trong sản xuất, ương dưỡng giống cá tra.

Tiếp tục triển khai Quyết định số 987ngày 20/3/2018 của Bộ NNPTNT về Đề án liên kết sản xuất giống cá tra 3 cấp chất lượng cao vùng ĐBSCL. 

Có cơ chế khuyến khích phát triển các chuỗi liên kết sản xuất, kịp thời chia sẻ kinh nghiệm, phổ biến các mô hình hay về liên kết chuỗi để nhân rộng.

Giao Tổng cục Thủy sản tiếp tục đôn đốc các địa phương thực hiện Đề án liên kết sản xuất giống cá tra 3 cấp chất lượng cao vùng ĐBSCL.

Một thực tế đối với sản xuất cá tra giống hiện nay là tỷ lệ sống khi ương dưỡng từ giai đoạn cá bột lên cá giống còn thấp (chỉ khoảng 15%), giá thành sản xuất cao, cá dễ nhiễm bệnh... Vậy công tác nghiên cứu sẽ được đầu tư thế nào, thưa Thứ trưởng?

-Chúng tôi đề nghị Viện Nghiên cứu Nuôi trồng thủy sản II khẩn trương chỉ đạo triển khai các dự án phát triển giống, trong đó có dự án phát triển giống cá tra đã giao tại Quyết định số 703/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình phát triển nghiên cứu, sản xuất giống phục vụ cơ cấu lại ngành nông nghiệp giai đoạn 2021-2030.

Chú thích ảnh

Thu hoạch cá tra ở huyện Cờ Đỏ (Tp. Cần Thơ)

Giao Viện tham mưu đề xuất Bộ các nhiệm vụ nghiên cứu khoa học về chọn giống cá tra chất lượng cao, giải pháp thay thế HCG, giải pháp kỹ thuật trong ương dưỡng giống cá tra để nâng cao tỷ lệ sống, nuôi nhằm giảm giá thành, nâng cao chất lượng sản phẩm. 

Đồng thời, xây dựng, đề xuất Bộ bổ sung các nhiệm vụ khoa học công nghệ về cải thiện chất lượng giống cá tra các giải pháp kỹ thuật mới trong sản xuất, ương dưỡng giống hiệu quả, thích ứng với biến đổi khí hậu, thân thiện với môi trường, hạn chế sử dụng thuốc, kháng sinh.

Bên cạnh đó, Bộ cũng giao Cục Thú y tăng cường kiểm soát dịch bệnh và sử dụng kháng sinh trong sản xuất giống và nuôi cá tra. 

Đề nghị các hiệp hội, doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, ương dưỡng cá tra tăng cường giải pháp kỹ thuật, kiểm soát dịch bệnh,áp dụng công nghệ để hạn chế sử dụng thuốc, kháng sinh nhằm nâng cao chất lượng con giống; Ứng dụng công nghệ mới vào công đoạn ương dưỡng cá tra nhằm nâng cao tỉ lệ sống, giảm sự phụ thuộc vào tài nguyên nước và điều kiện tự nhiên.

Tuân thủ nghiêm các quy định về điều kiện sản xuất, ương dưỡng giống cá tra, về thời gian sử dụng cá tra bố mẹ, sử dụng hóa chất, kháng sinh trong nuôi cá tra; nâng cao chất lượng sản phẩm và thực hiện truy xuất nguồn gốc theo quy định...

Xin cảm ơn Thứ trưởng!

Thùy Linh (Theo báo Dân Việt

Chia sẻ:


Bình luận bài viết

Tin liên quan
Tin cùng chuyên mục