VCBS cho rằng Mỹ và Trung Quốc là những điểm đến hấp dẫn với doanh nghiệp cá tra Việt Nam nhờ các yếu tố như giá cả hợp lý trong bối cảnh lạm phát, thuế chống bán phá giá 0% và thị trường mở cửa hậu COVID.
Theo Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam, kim ngạch xuất khẩu cá tra 11 tháng qua đạt 2,3 tỷ USD, tăng 77% so với cùng kỳ năm 2021.
Trong báo cáo về ngành cá tra, Công ty TNHH Chứng khoán Vietcombank (VCBS) cho rằng lạm phát toàn cầu tăng cao khiến người dân chuyển nhu cầu từ các sản phẩm cao cấp sang các hàng hóa có giá trị phải chăng hơn, điển hình như cá thịt trắng.
Căng thẳng Nga-Ukraine kéo dài khiến nguồn cung cá minh thái từ Nga bị thiếu hụt và mở đường cho cá tra Việt Nam có cơ hội tiếp cận các thị trường nước ngoài.
Bên cạnh đó, các dịp lễ như Tạ ơn, Giáng sinh và Tết Dương lịch cũng thúc đẩy nhu cầu tiêu thụ cá ở các quốc gia phương Tây. Ngoài ra, việc mở cửa trở lại của Trung Quốc mang lại nhiều kỳ vọng cho doanh nghiệp cá tra Việt Nam và tiêu thụ thủy sản nói chung.
Phân tích về các thị trường trọng điểm, VCBS cho rằng Mỹ và Trung Quốc là những điểm đến hấp dẫn với doanh nghiệp cá tra Việt Nam.
Cụ thể theo kết quả về thuế chống bán phá giá lần thứ 17 (POR17) của Bộ Thương mại Mỹ, CTCP Nam Việt (Mã: ANV) được hưởng mức thuế suất 0%, việc này khiến doanh nghiệp quyết định quay trở lại thị trường Mỹ.
Tính đến thời điểm cuối tháng 9/2022, Nam Việt đã xuất được 11 container sang thị trường Mỹ, vượt gấp đôi chỉ tiêu ban đầu là 5 container. Nam Việt cũng đang lên kế hoạch để trong 2-3 năm tới, sản lượng xuất khẩu sang thị trường Mỹ sẽ tăng trưởng 5-7%.
Ngoài ra, Nam Việt cũng đang dần hồi phục sản lượng xuất khẩu sang Trung Quốc, doanh nghiệp cũng đã xuất thêm được 80 container sang thị trường này. Ngoài xuất khẩu sang Thượng Hải như mọi khi, Nam Việt đã tìm thêm được một số đối tác mới ở Bắc Kinh và Quảng Châu. Theo kế hoạch, sản lượng xuất khẩu tại thị trường Trung Quốc sẽ tăng trưởng 35-45% trong thời gian tới.
VCBS kỳ vọng doanh thu cá tra của Nam Việt cho năm 2022 và 2023 sẽ tăng trưởng lần lượt là 22% và 9% so với cùng kỳ, đem về lợi nhuận lần lượt là 642 tỷ đồng và 693 tỷ đồng cho doanh nghiệp.
Tương tự như Nam Việt, CTCP Vĩnh Hoàn (Mã: VHC) cũng nhiều năm nhận được mức thuế suất ưu đãi 0%. Trong 10 tháng đầu năm 2022, Vĩnh Hoàn vẫn duy trì ổn định thị phần ở các thị trường Mỹ, doanh thu tăng trưởng 75% do hưởng lợi từ thiếu hụt nguồn cung cá minh thái từ Nga, lạm phát tăng cao khiến người dân thay đổi thói quen tiêu dùng, và đồng USD tăng giá.
Ngoài ra, chính sách Zero COVID của Trung Quốc đã khiến tình hình sản xuất của nước này bị đình trệ, tạo cơ hội cho một số doanh nghiệp Việt Nam gia tăng xuất khẩu, bù đắp cho nhu cầu của thị trường tỷ dân. 10 tháng đầu năm 2022, doanh thu xuất khẩu tại thị trường Trung Quốc của Vĩnh Hoàn tăng nhẹ 5%.
Tuy nhiên, Vĩnh Hoàn sẽ tiếp tục tập trung vào thị trường Mỹ hơn do thị trường Trung Quốc ưa thích mặt hàng rẻ, không phù hợp với dòng sản phẩm chất lượng cao của Vĩnh Hoàn vốn đáp ứng được những tiêu chuẩn khắt khe của thị trường Mỹ.
Bảo Ngọc (Theo Vietnambiz)