Quý II/2022, CTCP Nam Việt báo lãi đạt 240,69 tỷ đồng, tăng 913,9% (gấp 10 lần) so với cùng kỳ.
Trước bối cảnh tích cực chung của toàn ngành cá tra, CTCP Nam Việt (MCK: ANV) công bố BCTC quý II/2022 đạt nhiều chỉ số khả quan.
Cụ thể, trong quý II/2022, Nam Việt ghi nhận doanh thu thuần về bán hàng và cung cấp dịch vụ đạt 1.294,52 tỷ đồng, tăng 20,5% so với cùng kỳ và lợi nhuận sau thuế đạt 240,69 tỷ đồng, cao gấp 10 lần so với cùng kỳ. Đây cũng là quý có lãi ròng cao thứ hai của doanh nghiệp thủy sản này kể từ khi niêm yết, chỉ đứng sau quý IV/2018.
Chiếm tỷ trọng phần lớn đóng góp vào doanh thu của Nam Việt là xuất khẩu với 900 tỷ đầu, doanh thu trong nước chỉ dừng ở mức 394,5 tỷ đồng.
Theo đó, lợi nhuận gộp tăng 229% so với cùng kỳ lên 454,7 tỷ đồng; biên lợi nhuận gộp doanh nghiệp cũng được cải thiện từ 12,9% lên 35,1%.
Bên cạnh đó, doanh thu tài chính cũng tăng 130,4% lên tới 16,59 tỷ đồng, chủ yếu nằm ở khoản lãi tiền gửi ngân hàng có kỳ hạn và lãi chênh lệch tỷ giá phát sinh.
Trong kỳ, doanh thu tăng song chi phí hoạt động của Nam Việt cũng ghi nhận tăng theo, chi phí tài chính tăng 43,8% lên 45,13 tỷ đồng; chi phí bán hàng và quản lý doanh nghiệp tăng 66,4% lên 154,56 tỷ đồng và các hoạt động khác biến động không đáng kể.
Lũy kế 6 tháng đầu năm, Nam Việt ghi nhận doanh thu thuần đạt 2.513 tỷ đồng, tăng 41% so với cùng kỳ năm ngoái, chủ yếu từ các mảng liên quan tới cá tra. Trong đó, giá trị xuất khẩu cá tra của Công ty đạt hơn 1,4 tỷ USD, tăng 83% so cùng kỳ năm trước, với mức tăng mạnh ở tất cả các thị trường.
Lợi nhuận sau thuế của doanh nghiệp vì thế cũng ghi nhận đạt 447 tỷ đồng, cao gấp 5 lần cùng kỳ năm 2021.
Kết quả này được đặt trong bối cảnh ngành cá tra kinh doanh thuận lợi, với giá bán và sản lượng xuất khẩu đồng loạt tăng mạnh trong nửa đầu năm 2022. Trong 6 tháng đầu năm, Việt Nam xuất khẩu cá tra hơn 1.4 tỷ USD, tăng 83% so cùng kỳ, với các thị trường đều đồng loạt tăng mạnh.
Trong năm 2022, Nam Việt đặt kế hoạch tổng doanh thu 4.900 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế 1.000 tỷ đồng. Như vậy, kết thúc 6 tháng đầu năm với lợi nhuận trước thuế đạt 509,9 tỷ đồng, công ty đã hoàn thành 51% kế hoạch lợi nhuận năm.
Tính tới 30/6/2022, tổng tài sản của Nam Việt tăng 13,7% so với đầu năm lên 5.554,7 tỷ đồng. Trong đó, tài sản chủ yếu là hàng tồn kho đạt 1.963 tỷ đồng, chiếm 35,3% tổng tài sản; tài sản cố định đạt 1.120,9 tỷ đồng, chiếm 20,2% tổng tài sản; tiền và đầu tư tài chính ngắn hạn đạt 860,1 tỷ đồng, chiếm 15,5% tổng tài sản; tài sản dở dang dài hạn đạt 832,8 tỷ đồng, chiếm 15% tổng tài sản và các tài sản khác...
Navico với tiền thân là Công ty TNHH Nam Việt được thành lập vào năm 1993 với vốn điều lệ ban đầu là 27 tỷ đồng và chức năng kinh doanh chính là xây dựng dân dụng và công nghiệp.
Năm 2000, công ty quyết định đầu tư mở rộng phạm vi kinh doanh sang lĩnh vực chế biến thủy sản, khởi đầu là việc xây dựng xí nghiệp đông lạnh thuỷ sản Mỹ Quý với tổng vốn đầu tư là 30,8 tỷ đồng, chuyên chế biến xuất khẩu cá tra, cá basa đông lạnh.
Trong khoảng thời gian từ năm 2001 đến năm 2004, công ty đã đầu tư thêm hai nhà máy sản xuất thuỷ sản đông lạnh là nhà máy Nam Việt (được đổi tên từ xí nghiệp đông lạnh thuỷ sản Mỹ Quý) và nhà máy Thái Bình Dương với tổng công suất chế biến trung bình của công ty là 500 tấn cá/ngày.
Kết thúc phiên giao dịch cuối tuần, cổ phiếu ANV chốt 45.05 điểm, giảm 0,65 điểm.
Theo nhận định của các công ty chứng khoán, trong tuần giao dịch từ 25-29/7/2022, VN-Index duy trì tích lũy kiểm tra lại vùng hỗ trợ ngắn hạn 1.185-1.190 điểm.
Công ty CK Tân Việt – TVSI, cho rằng diễn biến phiên cuối tuần cho thấy dòng tiền hiện vẫn yếu và mức độ nhập cuộc khá dè dặt với tâm lý lo ngại về tương lai. Các điều kiện thuận lợi trong đợt hồi phục và bình yêu của thị trường quốc tế đang bị thị trường Việt Nam bỏ lỡ một cách khá đáng tiếc. Kết quả kinh doanh Q2 của nhiều doanh nghiệp đang công bố với nhiều doanh nghiệp tăng trưởng tốt giúp cho thị trường duy trì sự phân hóa nhất định.
TVSI cho rằng, cần nhìn vào thực tế hiện tại dòng tiền vẫn không đủ để vẽ các giấc mơ. Quan điểm của TVSI với nhà đầu tư ngắn hạn là ưu tiên hạ tỷ trọng cổ phiếu và đưa về mức phòng thủ (<30% tài khoản).
Đồng quan điểm, Công ty CK Rồng Việt – VDSC cho rằng, với tín hiệu đuối sức trong ba phiên vừa qua, VN-Index có khả năng sẽ kiểm tra lại tín hiệu vượt cản 1.180-1.190 điểm, đồng thời cũng là vùng khoảng trống tăng giá, trước khi quay trở lại xu hướng hồi phục. Do đó, theo VDSC, nhà đầu tư tạm thời nên chậm lại, tránh rơi vào trạng thái quá mua và vẫn có thể tận dụng nhịp giảm để tiếp tục mua tích lũy các cổ phiếu mạnh lùi về vùng hỗ trợ cứng.
Mỹ Hạnh (Theo Báo 24h)